Những "cơn gió ngược" đang hiện diện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới
Cho đến thời điểm hiện tại, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Ảnh: WSJ.
Bất chấp những cơn gió ngược từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững. Song, cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới giờ đây đang phải đối mặt với một loạt thách thức, có nguy cơ dẫn đến nhiều bất ổn trong tương lai. Mỹ đang đối mặt với ít nhất là 4 "cơn gió ngược", bao gồm cuộc đình công quy mô lớn của công nhân ngành ô tô, chính phủ có nguy cơ đóng cửa, vấn đề khôi phục các khoản thanh toán nợ vay sinh viên và giá dầu bật tăng cao.
Nếu đối diện với từng khó khăn, đó sẽ không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, khi cả 4 thách thức cộng hưởng với nhau thì có thể gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang hạ nhiệt do lãi suất cao.
“4 mối đe dọa này có khả năng gây gián đoạn hoạt động của nền kinh tế Mỹ”, ông Gregory Daco, Kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, nhấn mạnh.
Giới phân tích dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái. Ông Daco ước tính tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống mức 0,6% trong quý IV/2023. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc từ 3,1% trong quý III xuống còn 1,3% trong quý cuối năm.
Cho đến thời điểm hiện tại, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm nhằm phục vụ cho nỗ lực chống lạm phát.
Cuộc đình công trong ngành ô tô
Sau thời gian thương lượng, Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) đã không thể đạt được thỏa thuận chung với 3 “đại gia” Ford, General Motors và Stellantis. Nghiệp đoàn UAW đã khởi công cuộc bãi công chưa từng có trong lịch sử. Động thái này diễn ra đồng loạt tại 3 nhà máy, thuộc 3 tập đoàn trên. Và điều này đã trở thành mối đe dọa đầu tiên của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Mặc dù hiện tại cuộc đình công vẫn chưa có nhiều tác động đáng kể. Nhưng về lâu dài, cuộc bãi công có thể gây thiệt hại gần 5 tỉ USD cho ngành sản xuất ô tô, theo nhiều chuyên gia cho biết.
Đình công không những làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các hãng ô tô do các nhà máy buộc ngừng hoạt động vì thiếu nhân công, mà còn có thể gây ra một số “hiệu ứng gợn sóng” đối với các nhà cung cấp phụ tùng ô tô. Theo ngân hàng Goldman Sachs, các công nhân làm việc ở các hãng cung cấp phụ tùng có nguy cơ mất việc. Không những vậy, cứ mỗi tuần trôi qua, cuộc bãi công trên diện rộng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm từ 0,05-0,1 điểm phần trăm.
“Tôi không nghĩ cuộc đình công sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế vĩ mô của Mỹ, nhưng sẽ gây ra những thiệt hại lớn khác. Nếu tất cả cộng hưởng với nhau, quý IV sẽ là một quý đầy chông gai với kinh tế Mỹ”, ông Gabe Ehrlich, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan, cho biết.
Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa
Mối đe dọa thứ 2 là sự bất đồng giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ khiến nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa ngày càng cận kề. Dẫu vậy, các nhà lập pháp vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều trong các cuộc đàm phán.
Được biết, việc chính phủ Mỹ đóng cửa vào cuối năm 2018 đã khiến cho 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời. Đến nay, lưỡng đảng tại Quốc hội vẫn đang tìm kiếm sự đồng thuận để thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn trước thời hạn 1/10. Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản chính phủ phải đóng cửa.
Hiện tại, nếu chính phủ Mỹ đóng cửa, 438 cơ quan chính sẽ bị ảnh hưởng. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ phép không lương. Một loạt dịch vụ công bị gián đoạn. Việc đóng cửa cũng khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, như báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng, bị đình chỉ công bố vô thời hạn.
Khôi phục thanh toán nợ vay sinh viên
Nỗi lo thứ 3 là động thái khôi phục các khoản thanh toán nợ vay sinh viên của chính phủ Mỹ vào ngày 1/10. Việc này có thể khiến người dân Mỹ mất khoảng 100 tỉ USD trong năm 2024, theo ước tính của ông Tim Quinlan, Chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo.
Trước đây vào tháng 3/2020, Bộ Giáo dục Mỹ quyết định tạm ngừng thanh toán để giảm bớt áp lực chi tiêu tài chính do tác động của đại dịch COVID-19. Nhờ vào đó, người tiêu dùng có thể thoải mái chi tiêu vào những hạng mục khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Và hiện tại, nếu khôi phục thanh toán, mỗi người đi vay sẽ mất trung bình 200-300 USD/tháng. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu tiêu dùng hàng năm của nước Mỹ là 18.000 tỉ USD, nhưng đây vẫn là một trong những mối lo ngại đối với các nhà bán lẻ lớn như Walmart hay Target.
Giá xăng dầu tăng cao
Giá xăng dầu tăng cao đang gây nhiều áp lực cho nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, giá xăng trong tháng 8 đã tăng 10,6% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng bình quân tháng cao nhất kể từ tháng 6/2022. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tiêu dùng tăng cao tháng thứ 2 liên tiếp.
Thông thường, những chi tiêu cho các sản phẩm năng lượng có thể được sử dụng cho các nhu cầu khác như đi ăn ở bên ngoài, đi du lịch và các khoản chi tiêu khác. Chi phí ngành năng lượng tăng có khả năng ảnh hưởng đến chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày của người dân nước Mỹ.
Có thể bạn quan tâm:
Ngành công nghiệp trị giá gần 500 tỉ USD của Trung Quốc gặp khủng hoảng
Nguồn WSJ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Văn Kim