Nước eurozone nào nợ ít nhất?
Trong khi các nước khác trong khu vực đồng euro (eurozone) chìm ngập trong nợ thì tốc độ tăng trưởng của Estonia, nước gia nhập eurozone cách đây 18 tháng đạt 7,6% vào năm ngoái - gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của eurozone.
Khoản nợ của Estonia chỉ chiếm 6% GDP, thấp hơn nhiều so với 81% GDP của Đức và 165% GDP của Hy Lạp.
Điều làm nên thành công của Estonia chính là các biện pháp thắt lưng buộc bụng phát huy tác dụng. Sau khi kinh tế tăng trưởng âm 18% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009, chính phủ Estonia đã cắt giảm ngân sách 6,1 tỷ kroon (khoảng 500 triệu USD) và giảm chi tiêu 3,2 tỷ kroon (260 triệu USD). Nhờ chính sách này, đến năm 2010, tăng trưởng GDP của Estonia đạt 3,1%, bộ tài chính nước này cho biết.
"Công thức cho sự thành công của Estonia trong khi các nước khác trong khu vực đồng euro đang phải chống lại suy thoái kinh tế chính là nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng", bộ trưởng tài chính của Estonia Jürgen Ligi cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Chính phủ Estonia đã cắt lương của các cán bộ công chức 10% và cắt giảm 20% đối với lương của các bộ trưởng. Đồng thời chính phủ nước này cũng đã nâng tuổi nghỉ hưu, cắt giảm bảo hiểm nghề nghiệp và đặt ra các điều kiện chăm sóc sức khỏe khó khăn hơn, liên đoàn dịch vụ công châu Âu cho biết.
Điều đặc biệt khiến Estonia khác các nước châu Âu khác là ở chỗ các biện pháp thắt chặt chi tiêu được thực hiện mà không gây ra các cuộc đình công, bất ổn xã hội hay việc lật đổ chính phủ. Thay vào đó, người dân Estonia "hiểu rằng họ phải từ bỏ một số thứ", bộ trưởng tài chính Ligi cho biết.
Nhiều nước châu Âu đã công bố chính sách thắt lưng buộc bụng mới tuy nhiên bộ trưởng Ligi cho rằng ông không nhận thấy điều này bởi "mọi người đang sống đầy đủ hơn và tiêu thụ nhiều hơn mức mà họ nên làm".
"Trong thực tế, người dân Hy Lạp và Tây Ban Nha chi tiêu nhiều hơn hơn Estonia nhưng họ không hạnh phúc trong khi người dân Estonia lại rất lạc quan", ông Ligi cho biết.
Sự lạc quan cho phép người dân Estonia tin rằng tương lai sẽ tốt hơn so với hiện tại và "niềm hy vọng chứ không phải mức độ chi tiêu là điều quan trọng nhất", ông Ligi bình luận.
Ngoài chính sách thắt lưng buộc bụng hợp lý, sự bùng nổ về công nghệ cùng môi trường tiền tệ ổn định và mức thuế doanh nghiệp thấp đã khiến Estonia trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Hiện Estonia đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc có nên tham gia quỹ cứu trợ mới nhất của eurozone - Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) hay không. Nếu tham gia, số tiền mà Estonia đóng góp có thể lên đến 1,3 tỷ euro, một con số đáng kể so với quốc gia có ngân sách hàng năm vào khoảng 6 tỷ euro này.
Nguồn CNBC/Khampha
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư