Hủy
Thế giới

Phải chăng đồng USD toàn năng đang dần mất vị thế?

Nguyên Hồ Thứ Sáu | 18/04/2025 16:18

Ảnh: Getty Images.

 
 
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang buộc các nhà đầu tư phải đối diện với viễn cảnh USD có thể mất dần vị thế thống trị - hoặc thậm chí kết thúc.

Tối 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon công bố “chính sách kinh tế mới”, trong đó có việc tạm ngừng chuyển đổi USD sang vàng và áp thuế nhập khẩu 10%. Đây là sự kiện đánh dấu sự kết thúc của hệ thống tài chính Bretton Woods và mở ra kỷ nguyên tiền tệ thả nổi, đồng thời tạo ra một cuộc cách mạng tài chính toàn cầu.

Hơn nửa thế kỷ sau, chính quyền ông Donald Trump công bố chính sách thuế quan quyết liệt, gây biến động mạnh trên thị trường tài chính và khiến đồng USD giảm sâu. Điều này đã khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng suy yếu, thậm chí kết thúc, của vị thế thống trị toàn cầu của đồng USD. Ông Mark Sobel, Chủ tịch chi nhánh Mỹ của tổ chức OMFIF, cho rằng chính quyền ông Trump không tôn trọng trật tự toàn cầu và đang làm suy yếu niềm tin và mối quan hệ đồng minh, nền tảng sức mạnh của USD.

Hiện nay, có hai mối lo lớn về USD. Thứ nhất, với 19.000 tỉ USD cổ phiếu, 7.000 tỉ USD trái phiếu chính phủ và 5.000 tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, bất kỳ động thái bán tháo nào cũng có thể gây áp lực lớn lên đồng USD. Thứ hai, nếu dòng vốn tiếp tục chảy ra, vai trò trung tâm của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị xói mòn. Ông Gregory Peters, đồng Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income, cảnh báo: “Chúng ta đã hưởng lợi từ vị thế đồng tiền dự trữ suốt 100 năm, nhưng chỉ mất chưa đầy 100 ngày để phá vỡ điều đó.”

 

Trái ngược với quan điểm của ông John Connally, Bộ trưởng Tài chính thời Nixon, khi ông cho rằng “đồng USD là tiền của chúng tôi, nhưng là vấn đề của các bạn”, chính quyền ông Trump dường như cho rằng USD là tiền của thế giới nhưng lại là gánh nặng của Mỹ. Dù bị tách khỏi vàng, vai trò trung tâm của USD vẫn được củng cố nhờ sự phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu. Theo IMF, USD chiếm hơn 57% dự trữ ngoại hối toàn cầu, 54% hóa đơn xuất khẩu, 60% khoản vay quốc tế, 70% trái phiếu phát hành quốc tế và xuất hiện trong 88% giao dịch ngoại hối. Khoảng một nửa trong số hơn 2.000 tỉ USD tiền mặt Mỹ đang lưu hành nằm ngoài lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, một số cố vấn trong chính quyền ông Trump cho rằng sức mạnh của USD khiến nó bị định giá quá cao, gây tổn hại cho xuất khẩu Mỹ. Ông Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, nhận xét: “Sức mạnh đồng USD gây méo mó thị trường và đặt gánh nặng không công bằng lên doanh nghiệp và người lao động Mỹ.” Từ đầu năm, chỉ số DXY đã giảm hơn 8%, và riêng tuần trước đã giảm 2,8% — mức tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua. "Mặc dù Tổng thống Trump đã thay đổi quyết định về thuế quan, nhưng thiệt hại đối với đồng USD đã xảy ra rồi,” ông George Saravelos, người đứng đầu nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank cho biết.

Dù vậy, phần lớn chuyên gia vẫn tin rằng USD không dễ bị thay thế. Các đồng tiền khác như euro bị giới hạn bởi sự phân mảnh của khối EU, nhân dân tệ Trung Quốc chưa hoàn toàn tự do chuyển đổi, và các đồng tiền như franc Thụy Sĩ hay yên Nhật lại quá nhỏ. Mặc dù vậy, các dự báo vẫn cho thấy đồng USD có thể tiếp tục mất giá. DXY hiện vẫn cao hơn 12% so với đáy năm 2020 và gần 40% so với đáy năm 2008. Goldman Sachs dự báo USD sẽ giảm thêm 6% trong vòng 12 tháng tới, do “sự suy giảm trong năng lực quản trị và thể chế Mỹ đang làm lu mờ đặc quyền quá mức của USD”. Tuy nhiên, ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch Fed New York, lại cho rằng USD có thể hồi phục nếu các quốc gia khác chịu tác động tiêu cực hơn từ thuế quan và buộc phải cắt giảm lãi suất sâu hơn Mỹ.

 

Ngược lại, chuyên gia Stephen Jen ước tính USD hiện đang bị định giá cao hơn khoảng 19% và có thể giảm sâu nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu đến mức buộc FED phải mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ. “Các yếu tố chu kỳ, cấu trúc và chính trị đang kết hợp để kéo USD vào chu kỳ điều chỉnh dài hạn,” ông Jen nhận định.

Trong bối cảnh này, dù chính quyền ông Trump có giảm căng thẳng thương mại, một làn sóng rút vốn dần dần có thể vẫn xảy ra. Bà Sarah Bianchi, nhà phân tích cấp cao tại Evercore ISI, cho rằng: “Nếu vấn đề là mất niềm tin vào Mỹ, thì dù có rút lại toàn bộ chính sách thuế, cũng chưa chắc cứu vãn được.”

Như ông Walter Wriston, cựu CEO Citicorp, từng nói: “Vốn sẽ chảy đến nơi nào được chào đón và ở lại nơi nào được đối xử tử tế.” Sau gần một thế kỷ là điểm đến an toàn nhất, giờ đây các nhà đầu tư đang tự hỏi: Liệu điều đó có còn đúng?

Có thể bạn quan tâm:
 Phụ nữ Mỹ phải chi thêm 2 tỉ USD mỗi năm vì "thuế quan hồng

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới