Hủy
Thế giới

Quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á đối mặt đợt bùng phát mới

Minh Duy Thứ Sáu | 18/06/2021 16:19

Chính thức phun thuốc khử trùng vào xe buýt chở bệnh nhân COVID-19 tại ký túc xá Donohudan haj ở Boyolali, Trung Java vào ngày 7.6. Ảnh: The Jakarta Post.

Biến thể Delta của virus Corona rất có thể đã gây ra sự gia tăng số ca nhiễm gần đây ở Indonesia.
 

Theo The Jakarta Post, các cơ quan y tế Indonesia hôm 17.6 ghi nhận 12.624 ca nhiễm COVID-19 mới, đánh dấu số ca nhiễm trong ngày kỷ lục kể từ cuối tháng 1 năm nay. Điều này nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1,95 triệu.

Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 quốc gia cũng báo cáo 277 trường hợp tử vong mới do COVID-19 trong cùng ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 53.753.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lệnh cho các quan chức nước này đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 17.6 cảnh báo về sự cần thiết của việc gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội ở quốc gia Đông Nam Á này sau khi Indonesia ghi nhận đợt bùng phát mới do các biến thể đáng lo ngại gây ra.

 

Theo số liệu chính thức, số lượng ca nhiễm đã tăng từ 5.000 lên 125.303. Số ca nhiễm COVID-19 hoạt động cao nhất ở Indonesia được ghi nhận vào tháng 2, khi có tới 177.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Jakarta ghi nhận mức tăng cao nhất trong ngày trong quần đảo với 4.144 trường hợp bổ sung. Sự gia tăng đáng kể cũng được báo cáo ở Tây Java và Trung Java với lần lượt là 2.800 và 1.752 trường hợp.

Ông Widodo đã lệnh cho các bộ trưởng trong nội các và chính quyền địa phương tăng số lượng người được tiêm chủng mỗi ngày lên 1 triệu người vào tháng tới. Tổng thống Indonesia cho biết nước này đang tiêm vaccine cho nửa triệu người mỗi ngày. 

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 181 triệu người trong tổng số 270 triệu dân từ nay cho tới tháng 3.2022. Tuy nhiên, giới chức Indonesia hiện mới tiêm phòng đầy đủ cho 11,8 triệu người và có 9,6 triệu người khác hoàn thành tiêm mũi một. 

Phát ngôn viên lực lượng phòng chống COVID-19 Indonesia Wiku Adisasmito cho biết, tiến độ chậm chạp của việc tiêm chủng có thể do nguồn cung vaccine COVID-19 toàn cầu bị hạn chế, sự thiếu chuẩn bị của hệ thống y tế quốc gia và sự chần chừ tiếp nhận vaccine của người dân. Hiện tại, chính phủ Indonesia đã nhận được 92,2 triệu liều vaccine COVID-19. 

Các binh sĩ Indonesia mặc đồ bảo hộ phun khử trùng vào dòng người tới sân vận động Gelora Bandung Lautan Api ở tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: AP.
Các binh sĩ Indonesia mặc đồ bảo hộ phun khử trùng vào dòng người tới sân vận động Gelora Bandung Lautan Api ở tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: AP.

Indonesia đang phải đối mặt với một đợt bùng phát COVID-19 mới. Nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát mới này được cho là do người dân đi lại trong dịp lễ Eid al-Fitr và sự xuất hiện của các biến thể mới như biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) có tốc độ lây lan nhanh. Tại thủ đô Jakarta, số lượng giường bệnh được sử dụng đã tăng vọt từ 45% tuần trước lên 75% trong tuần này. 

WHO trong bản cập nhật tình hình hôm 17.6 lưu ý, sự gia tăng mạnh mẽ tỉ lệ sử dụng giường bệnh ở Indonesia là một mối quan ngại lớn và quốc gia Đông Nam Á này cần triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn. 

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết: Trong một nỗ lực giải trình tự toàn bộ bộ gen được tiến hành ở 12 tỉnh, nhà chức trách đã tìm thấy 145 mẫu có chứa 1 trong 3 biến thể đáng lo ngại. Trong số 145 mẫu, 104 mẫu chứa biến thể Delta.

Indonesia hiện ghi nhận hơn 1,9 triệu ca nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu ở nước này, trong đó có hơn 53.700 ca tử vong - con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể bạn quan tâm:

Mỹ đầu tư hơn 3 tỉ USD phát triển thuốc chữa COVID-19


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới