Sau thương chiến, 'cú bồi' virus corona có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái
Ảnh: AP
Tờ Guardian cho biết, với hàng chục triệu người Trung Quốc bị cách ly trong thành phố, hàng ngàn nhà máy bị đóng cửa, cho thấy virus corona sắp phá vỡ nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại với hàng loạt hành động ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm 2019 đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 6% và gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 3,6% trong năm 2018 xuống còn 3% vào năm 2019.
Vào tuần trước, một quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng, từ khi bắt đầu tại Vũ Hán, virus đã lây lan đến khoảng 10.000 nạn nhân [hiện đã lên đến hơn 17.000] trên khắp đất nước. Cùng với những thiệt hại từ chiến tranh thương mại, corona có thể gây ra nhiều tác hại hơn so với dịch Sars diễn ra cách đây gần 2 thập kỷ trước.
Vị quan chức này nhấn mạnh rằng, với 8 khu vực chính và hai thành phố ở Trung Quốc phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh đến ít nhất là ngày 9 tháng 2 cho thấy tầm quan trọng của dịch bệnh là không thể nghi ngờ.
Ông Zhang Ming, nhà kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức 5% trong quý I/2020. Đây là mức giảm lớn so với con số 6% trong cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, Goldman Sachs tin rằng, khi virus corona lây lan nhanh sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm 0,4% trong quý I/2020. Nguyên nhân là do du khách Trung Quốc sang Mỹ giảm trong khi xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc bị ảnh hưởng. Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong quý II/2020, tuy nhiên những rủi ro là không thể tránh khỏi.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc trở nên vắng vẻ khi virus corona lan rộng. Ảnh: Getty Images |
“Bất kỳ một sự thay đổi trong dòng thông tin nào cũng sẽ dẫn đến những hành vi ngại rủi ro hoặc việc thắt chặt các điều kiện tài chính. Nếu dịch bệnh lan rông tại Mỹ, hay nỗi lo lắng về điều này có thể dẫn tới sự suy giảm của du lịch nội địa và mua sắm, Goldman cảnh báo.
Năm 2002, dịch Sars gây hoảng loạn toàn cầu khi lây tới 37 quốc gia, khiến 8.000 người lây nhiễm, giết chết khoảng 750 người. Tuy nhiên, hiện virus corona đang lây lan với tốc độ nhanh hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) nói rằng, virus corona có thể tồi tệ hơn nhiều. Hiện, các biện pháp kiểm dịch chủ yếu là cách ly người nhiễm bệnh. Tình hình sẽ chỉ cải thiện được trừ khi chúng ta có những biện pháp tốt hơn để chữa trị cho những người hiện đang bị nhiễm bệnh.
“Không dễ để ước tính mức độ thiệt hại kinh tế mà virus có khả năng gây ra, song có thể lấy dịch Sars để so sánh. Ước tính, dịch Sars đã kéo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 2,8% xuống còn 1,8% trong quý II/2003”.
CEBR cũng cho biết, GDP toàn cầu đã giảm từ 30 tỷ đến 100 tỷ USD, tương đương với khoảng 0,08% đến 0,25% GDP toàn cầu.
Trong kịch bản xấu nhất, CEBR giả định rằng virus corona có thể gây ra tác động gấp sáu lần đối với nền kinh tế Trung Quốc, sẽ khiến GDP toàn cầu bị suy giảm từ 1,8% đến 6%.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm vào năm 2019. Ảnh: Theguardian |
Anh và phần còn lại của châu Âu xác nhận đã có những trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Nhiều hãng hàng không đã đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc, thậm chí Hồng Kông. Mỹ và Canada cũng đã xác nhận những ca nhiễm bệnh đầu tiên và cảnh báo công dân không được đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, tác động kinh tế sẽ rõ ràng nhất ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn mà còn là nguồn thu quan trọng cho ngành du lịch.
Ông Prakash Sakpal, một nhà kinh tế tại ING, cho biết, du lịch chiếm một phần năm nền kinh tế Thái Lan và du khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư tổng doanh thu du lịch. Do đó, chi tiêu du lịch giảm mạnh sẽ khiến đất nước mất đi một nguồn thu đáng kể.
Hiện Apple, General Motors, Ikea và Starbucks cũng như nhiều công ty nước ngoài khác
đã đóng cửa nhiều hoạt động tại Trung Quốc. Công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence cho biết quyết định của chính quyền khu vực về việc gia hạn đóng cửa nhà máy sau ngày 2 tháng 2 để kiểm soát sự lây lan của virus sẽ là một đòn giáng mạnh vào GDP của Trung Quốc.
Công ty tư vấn Oxford Economics đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 2,5% xuống 2,3%. Đây sẽ là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Công ty này cũng dự báo rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn mức 4% trong quý I/2020 thay vì mức 6% như trước đó.
Viết trên tạp chí Caijing, ông Zhang Ming cho biết tác động kinh tế của virus corona có thể lớn hơn đáng kể so với Sars. Dự báo rằng dịch sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 4.
Hàng ngàn người đã nhiễm virus. Điều đáng sợ là số người nhiễm bệnh vẫn tăng lên. Điều này sẽ hủy hoại thêm nhiều doanh nghiệp và làm giảm sự phát triển toàn cầu nhiều hơn so với ước tính cho đến nay.
►Nông sản Việt 'lao đao' vì virus corona
►Nhu cầu cao su Trung Quốc giảm sút do virus corona, Tập đoàn cao su Việt Nam tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới
►Virus Corona ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế toàn cầu?
Nguồn Theguardian
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quốc Cường (Nguồn: TTX)