Sự thay đổi đáng chú ý trong ngành cửa hàng tiện lợi Nhật Bản
Konbini, cửa hàng tiện lợi trong tiếng Nhật, là một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại Nhật Bản. Ảnh: The Economist.
Để nhìn rõ hơn về sự thay đổi đang diễn ra ở Nhật Bản, hãy nhìn vào cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đặt tại tòa nhà Minami-Azabu 1-chome, trung tâm Tokyo. Thoạt nhìn, nó có vẻ giống như một cửa hàng tiện lợi bình thường mang đậm nét văn hoá phục vụ của Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là tất cả nhân viên, bao gồm cả chủ cửa hàng, cô May Zin Chit, đều là người Myanmar. Đây cũng là người Myanmar đầu tiên sở hữu nhượng quyền thương mại 7-Eleven tại Nhật Bản.
Konbini, cửa hàng tiện lợi trong tiếng Nhật, là một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại Nhật Bản. Kể từ khi nổi lên vào năm 1969, konbini nhanh chóng phát triển, thậm chí vượt xa mô hình tiền thân có nguồn gốc từ Mỹ và trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội của xứ sở hoa anh đào. Theo The Economist, ngành công nghiệp konbini mang lại doanh thu lên đến 77 tỉ USD mỗi năm cho Nhật Bản.
Bốn chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn tại Nhật Bản là 7-Eleven, FamilyMart, Lawson và MiniStop có tổng cộng 55.700 cửa hàng trên khắp các thành phố và thị trấn, phục vụ khoảng 16 tỉ lượt khách hàng trong năm 2023. Đối với người dân Nhật Bản, konbini là nơi để mua thực phẩm tươi sống, thanh toán hóa đơn, gửi bưu kiện, và còn nhiều dịch vụ khác. Du khách quốc tế thường ngạc nhiên trước sự đa dạng và tiện lợi của chuỗi hệ thống này, thậm chí nhiều đầu bếp nổi tiếng còn khen ngợi bánh mì trứng của các cửa hàng tiện lợi.
Thế nhưng, ngày càng có ít người Nhật tham gia vào chuỗi konbini. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã đạt đỉnh vào năm 1995, với 87 triệu người, nhưng dự kiến giảm xuống còn 55 triệu vào năm 2050. Mặc dù việc phụ nữ và người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động có thể giúp ngăn chặn xu hướng này, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Một cách khác mà các chính trị gia Nhật Bản không muốn nhắc đến là nhập cư. Và trường hợp của cô May cho thấy điều này đang diễn ra.
Cô May lần đầu đến Nhật Bản với tư cách là sinh viên trao đổi. Khi cô bắt đầu làm việc tại 7-Eleven vào năm 2008, chỉ có 500.000 lao động là người nước ngoài làm việc tại Nhật. Ở thời điểm đó, hầu hết khách hàng đều muốn sử dụng dịch vụ do người Nhật phục vụ.
Mặc dù không chính thức bàn về “chính sách nhập cư”, chính phủ Nhật Bản đã âm thầm mở rộng cửa cho nhiều người nước ngoài nhập cư vào đất nước trong những năm gần đây. Số lượng lao động nước ngoài đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2008, và lần đầu tiên vượt qua mốc 2 triệu vào năm ngoái.
Con số này có thể sẽ phải tăng nhanh hơn. Nhật Bản cần ít nhất 4,2 triệu lao động nước ngoài vào năm 2030 để duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn. Mặc dù việc nhập cư quy mô lớn gặp phải một số ý kiến trái chiều, cuộc khủng hoảng lao động đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều lãnh đạo. Một số quan chức cũng đồng tình về việc cần có một Nhật Bản đa văn hoá hơn. Hiện tại, người nước ngoài chiếm khoảng 2,5% dân số Nhật Bản, nhưng theo dự đoán của chính phủ, tỉ lệ này sẽ vượt qua 10% vào năm 2070.
Về phần konbini của Nhật Bản, tờ The Economist nhận định kỷ nguyên đó đã đến. Khoảng 80.000 lao động nước ngoài đang làm việc ở các cửa hàng tiện lợi, chiếm tỉ lệ 9% lực lượng lao động. Ở các thành phố lớn, gần một nửa nhân viên tại 7-Eleven là người nước ngoài. Tại cửa hàng của cô May, cô cho biết luôn cố gắng đem đến dịch vụ chuẩn Nhật nhất có thể, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đào tạo nhân viên từ những chi tiết nhỏ nhất.
Có thể bạn quan tâm:
"Sức hút" của nền kinh tế lớn nhất châu Phi
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư