Than vẫn trụ "ngôi vua"
Than cung cấp khoảng 1/3 lượng điện của thế giới, phần lớn là ở các nước đang phát triển vốn cho rằng nó cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Getty Images.
Anh là quốc gia đầu tiên sản xuất điện từ than và kỷ nguyên đó đã kết thúc vào ngày 30/9 khi nước này đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng. Tuy nhiên nếu nhìn xa hơn bầu trời trong xanh dễ chịu của nước Anh và khối OECD (với hơn 1/3 các nước không sử dụng điện từ than), thì thật ra vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.
Than cung cấp khoảng 1/3 lượng điện của thế giới, phần lớn là ở các nước đang phát triển vốn cho rằng nó cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc loại bỏ nguồn nhiên liệu hoá thạch này ngày càng thuyết phục vì ô nhiễm không khí, than gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người mỗi năm, hầu hết trong số họ ở các nước nghèo. Nó cũng góp phần rất lớn vào sự nóng lên của trái đất, một vấn đề toàn cầu nhưng tác hại của nó thường rơi vào những người nghèo hơn. Dẫu vây, than vẫn không "chết".
Năm ngoái, mức tiêu thụ than trên toàn thế giới đã tăng 4,5% lên mức cao nhất từ trước đến nay, theo Bloomberg NEF. Nguồn cầu chính là điện. Theo nhóm vận động E3G (Chủ nghĩa môi trường thế hệ thứ ba), tổng công suất phát điện của thế giới từ các nhà máy điện chạy bằng than đã tăng 11% kể từ năm 2015. Hiện nay, có hơn 6.500 nhà máy điện chạy bằng than trên toàn thế giới với tổng công suất phát điện khoảng 2.245 GW và tiếp tục được xây mới. Vì đốt than thải ra nhiều carbon hơn trên mỗi đơn vị năng lượng so với đốt dầu hoặc khí đốt tự nhiên, nên nó đặc biệt có hại cho khí hậu, chiếm 41% tổng lượng khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu các nhà máy điện than hiện tại hoạt động bình thường cho đến năm 2050, chúng sẽ thải ra khoảng 250 gigaton (1 triệu tấn) CO2. Chỉ riêng lượng khí thải đó cũng đủ để nhiệt độ toàn cầu tăng từ mức hiện tại là khoảng 1,2°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp lên hơn 1,5°C. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn tất cả các nhà máy điện than vào năm 2040, thế giới sẽ cần phải đóng cửa một số nhà máy mỗi tuần và thay thế công suất của chúng.
Điều đó về lý thuyết là có thể. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang ngày càng rẻ hơn cộng thêm công nghệ lưu trữ đang được cải thiện. Và cũng có các nguồn năng lượng sạch về cơ bản khác, chẳng hạn như hạt nhân và thủy điện.
Nhưng cũng có những sự thật khó khăn cần phải tính đến. Mặc dù than chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP, nhưng tại một số vùng như Colombia, Indonesia và Nam Phi, than cung cấp 5-8% việc làm, IEA cho biết.
Hậu quả của việc chuyển đổi quá vội vã có thể quan sát được ở Komati tại Mpumalanga, Nam Phi. Thị trấn này đã chao đảo vì mất việc làm kể từ khi nhà máy điện và mỏ đóng cửa cách đây hai năm. Theo đó, Eskom, công ty điện lực nhà nước, đã cố gắng làm dịu đi cú sốc bằng cách chuyển công nhân đến các cơ sở khác và đào tạo lại nhân công. Còn ngân hàng Thế giới đã cung cấp cho Nam Phi 497 triệu USD để tái sử dụng nhà máy bằng năng lượng tái tạo. Người dân địa phương đang học cách lắp đặt tấm pin mặt trời và nuôi cá. Tuy nhiên, ông Dan Marokane, Giám đốc Điều hành của Eskom, gọi việc đóng cửa là "quả bom nguyên tử" đối với việc làm ở một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp là 33%.
Không hề nao núng, vào năm 2022, hơn một chục chính phủ và ngân hàng phát triển đã ký kết các thỏa thuận JET-P với Indonesia và Việt Nam trị giá 36 tỉ USD. Lượng khí thải từ than sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu năng lượng ở mỗi quốc gia tăng lên. Nhưng theo kế hoạch, than sẽ chỉ cung cấp 20% điện ở Việt Nam vào năm 2030, giảm so với mức 31% vào năm 2020. Tại Indonesia, tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ tăng lên khoảng 40%.
Tuy nhiên châu Á, các chương trình cũng gặp phải thách thức. Số tiền cam kết đạt mức chưa từng có nhưng vẫn không đủ.
Bất chấp sự tồn tại dai dẳng của than, vẫn có một số hy vọng trong việc cắt giảm carbon. Theo Systems Change Lab, một liên minh xanh, gần 2/3 trong số 1.500 GW nhà máy điện than đang được phát triển vào năm 2015 đã bị loại bỏ. E3G tính toán rằng khoảng 470 GW công suất đã bị loại bỏ kể từ năm 2000, với Mỹ và châu Âu dẫn đầu.
Hệ thống giao dịch khí thải của EU (EU ETS) được cho là đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ than sang khí đốt và năng lượng tái tạo. Cơ chế phạt hàng xuất khẩu từ các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng có hàm lượng carbon cao sang EU cũng đã thúc đẩy các quốc gia bù đắp lượng khí thải hoặc xem xét lại than. Các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, đang mở rộng các chương trình định giá carbon.
Thêm vào đó, công suất sử dụng tại các nhà máy điện than ở Trung Quốc đã giảm từ 55-59% vào đầu những năm 2010 xuống còn 48% trong những năm gần đây. Đáng khích lệ nhất là đổi mới tài chính liên quan đến thị trường carbon. Với sự giúp đỡ của Cơ quan Tiền tệ Singapore và Quỹ Rockefeller, một công ty ở Philippines sẽ tạo ra tín dụng carbon đại diện cho 19 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm bằng cách đóng cửa sớm một nhà máy. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng có một nỗ lực tương tự liên quan đến tín dụng carbon thông qua việc đóng cửa một nhà máy điện than khác ở Philippines sớm hơn 15 năm.
Có thể bạn quan tâm:
Kinh tế nước Nga nhìn từ những thanh bơ bị đánh cắp
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư