Tiềm năng Đông Nam Á bị kìm hãm bởi các tập đoàn lớn như thế nào?
Chỉ có một trong số 50 công ty lớn nhất Đông Nam Á được thành lập trong thế kỷ này. Ảnh: The Economist.
Đông Nam Á hiện là tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thu hút các công ty đa quốc gia muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Indonesia, Philippines, và Việt Nam dự kiến nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thập kỷ tới. Malaysia cũng đang tiến tới trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, trong khi Singapore nổi lên như một trung tâm tài chính nhờ làn sóng người nước ngoài rời Hong Kong.
Tuy nhiên, khi xét đến các doanh nghiệp nội địa, bức tranh kinh tế Đông Nam Á trở nên khó đoán hơn. Giá trị thị trường của các cổ phiếu tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan hiện chỉ đạt khoảng 900 tỉ USD, tương đương với GDP của Ấn Độ nhưng chỉ bằng một nửa giá trị thị trường chứng khoán nước này. Chỉ riêng bảy công ty lớn của Mỹ cũng đã có giá trị hơn toàn bộ thị trường Đông Nam Á.
Đáng chú ý, chỉ có một trong số 50 công ty lớn nhất Đông Nam Á, Sea, công ty game và thương mại điện tử của Singapore, được thành lập trong thế kỷ này. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm 15 trong top 50, và 14 trong số này là công ty con của các tập đoàn lớn trong khu vực.
Nhiều tập đoàn lớn trong khu vực như CP Group (Thái Lan), Sime Darby (Malaysia), PT Djarum (Indonesia) và San Miguel (Philippines) hoạt động đa ngành từ nông nghiệp, năng lượng đến ngân hàng, bán lẻ. Nhờ mối liên hệ với chính phủ, những tập đoàn này chiếm ưu thế trong các ngành nghề yêu cầu giấy phép và hỗ trợ nhà nước. Tình trạng này giúp các tập đoàn lớn chi phối nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng đồng thời cản trở sự phát triển tiềm năng của khu vực.
Trước đây, các tập đoàn Đông Nam Á từng hoạt động hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao cho cổ đông, đạt mức lợi tức 28% mỗi năm giai đoạn 2003-2012. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2022, lợi nhuận giảm mạnh chỉ còn 4%, thấp hơn nhiều so với các công ty tập trung vào thị trường cụ thể trong khu vực, một phần do các tập đoàn chưa kịp thích ứng với chuyển đổi ngành.
Một số tập đoàn đã bắt đầu thay đổi chiến lược. Vingroup (Việt Nam) ra mắt thương hiệu xe điện VinFast và từng thử nghiệm sản xuất smartphone. Tập đoàn Sinar Mas (Indonesia) hợp tác cùng LG CNS của Hàn Quốc xây dựng trung tâm dữ liệu, trong khi Ayala Group (Philippines) hợp tác với Ant Financial (Trung Quốc) phát triển ví điện tử Mynt. Dù vậy, các mối liên kết chặt chẽ với chính phủ vẫn hạn chế động lực đổi mới của họ. Những quy định hạn chế sở hữu nước ngoài giúp bảo vệ các tập đoàn này khỏi cạnh tranh, đặc biệt trong viễn thông, ngân hàng, truyền thông và bất động sản.
Các tập đoàn Đông Nam Á cũng là nhà đầu tư chính cho các startup trong khu vực thông qua ngân hàng hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều này tạo ra lợi thế cho các tập đoàn nhưng cũng khiến nhiều doanh nhân trẻ khó cạnh tranh.
Các tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ phổ biến tại châu Á mà còn có thể mang lại lợi ích cho các nền kinh tế thị trường kém phát triển bằng cách cải thiện việc phân bổ vốn và nhân lực. Nhưng khác với các "chaebol" Hàn Quốc (như Samsung, Hyundai) với khả năng sáng tạo nhờ cạnh tranh quốc tế, các tập đoàn Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Quy mô kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á không đủ lớn để đạt hiệu quả kinh tế theo quy mô, khiến các tập đoàn kém hiệu quả so với những quốc gia có thị trường lớn như Ấn Độ.
Chẳng hạn như Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, nhưng chỉ có quy mô bằng một phần ba Ấn Độ và gấp ba lần các nền kinh tế khác trong khu vực. Kết quả là các tập đoàn của các tỉ phú Đông Nam Á có xu hướng nhỏ hơn và kém hiệu quả hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Hiệu suất suy giảm của các tập đoàn Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý từ các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế. KKR và Blackstone đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập dù gặp khó khăn do phần lớn cổ phiếu các tập đoàn này thuộc sở hữu tư nhân. Vào tháng 8 vừa qua, quỹ CVC của châu Âu đã mua lại phần lớn cổ phần của Siloam International Hospitals từ Lippo Group với giá hơn 1 tỉ USD.
Dẫu vậy, độ nông của thị trường vốn trong khu vực khiến việc niêm yết các doanh nghiệp này sau đó gặp khó khăn, và nhu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á vẫn hạn chế. Nếu thiếu sự cạnh tranh, bối cảnh kinh doanh phức tạp của Đông Nam Á sẽ tiếp tục cản trở câu chuyện kinh tế lạc quan của khu vực này.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường tài chính châu Á trước cuộc đua Harris - Trump
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Quảng Định