Hủy
Thế giới

Tiền Trung Quốc sẽ đổ mạnh vào Nga

Thứ Hai | 14/04/2014 17:40

 
 
Trung Quốc có thể là nguồn huy động vốn đáng kể cho doanh nghiệp Nga giữa lúc kênh đầu tư từ phương Tây ít nhiều bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Ukraine.

Chủ trương chuyển trọng tâm sang châu Á của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh quan hệ với phương Tây ngày càng căng thẳng khiến nhiều doanh nghiệp của Nga tính đến việc tăng cường vay nợ từ Trung Quốc.

Gazprom, tập đoàn sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, đang cân nhắc phát hành trái phiếu định giá bằng nhân dân tệ, giới thạo tin cho biết hồi tuần trước. Đại diện Gazprom từ chối bình luận về thông tin này.

Căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine đồng nghĩa với việc Gazprom sẽ không phải là doanh nghiệp quốc doanh cuối cùng của Nga chuyển nguồn huy động vốn, công ty quản lý tài sản UralSib nhận định. Năm 2013, doanh nghiệp Nga đã bán 603 triệu USD trái phiếu định giá bằng nhân dân tệ, theo dữ liệu của Bloomberg.

Tuần trước, Mỹ cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau khi ông Putin ký sắc lệnh cho sáp nhập Crimea. “Đây có thể là cái cúi mình trước Trung Quốc. Sẽ có một làn sóng mới tránh những thị trường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt”, Alexey Korolenko, giám đốc của UralSib nói.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga sau EU và là nước duy nhất trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng về vấn đề can thiệp Crimea.

Khủng hoảng Ukraine làm tăng khả năng ông Putin sẽ ký thông qua thương vụ cấp khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm vào tháng tới. Về phần mình, các doanh nghiệp Nga sẽ phải tìm kiếm cổ đông, các nhà tài trợ ở châu Á và các thị trường mới nổi khác, trong đó đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngân hàng phát triển Trung Quốc vừa xác nhận sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào vùng Viễn Đông của Nga. Khoản tiền này sẽ đổ vào các đặc khu kinh tế cũng như các dự án hạ tầng.

Quỹ đầu tư liên doanh Nga – Trung với vốn hóa 2 tỷ USD đã hoàn tất thương vụ với công ty khai thác gỗ lớn nhất của Nga, trong danh mục đầu tư của quỹ này còn có hơn 30 dự án khác tại Nga. Được biết, 70% khoản đầu tư của quỹ là vào Nga.

“Nga sẵn sàng là cầu nối vận chuyển hàng hóa từ châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu theo kế ý nguyện làm sống dậy Con đường tơ lụa của chính phủ Trung Quốc”, Bộ trưởng phát triển Viễn Đông Alexander Galushka cho biết.

Con đường tơ lụa mới này không phải bản sao con đường cổ đại nối Trung Quốc với Địa Trung Hải thông qua vịnh Ba Tư mà là hành lang vận tải cả bằng đường bộ và đường biển nhằm nối châu Á với châu Âu.

Ngoài Trung Quốc, Nga có thể thu hút lượng đầu tư lớn từ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Mặc dù các nước này vẫn thân phương Tây nhưng chưa ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Nguồn Gafin/Bloomberg/NCĐT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới