Trung Quốc truy thu thuế giới siêu giàu đầu tư nước ngoài
Những người giàu có có thể đối mặt với mức thuế lên đến 20% trên lợi nhuận từ đầu tư. Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc đã bắt đầu thực thi thuế đối với thu nhập từ đầu tư ở nước ngoài của giới siêu giàu, một loại thuế trước đây ít được chú trọng, theo những người am hiểu vấn đề. Gần đây, nhiều cá nhân giàu có tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã nhận được yêu cầu tự kê khai hoặc bị cơ quan thuế triệu tập để thảo luận về các khoản thuế phải nộp, bao gồm cả những khoản nợ từ nhiều năm trước.
Động thái này phản ánh sự cấp bách của chính phủ trong việc mở rộng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh doanh số bán đất sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Điều này cũng phù hợp với chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm phân phối lại tài sản công bằng hơn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những người giàu có được liên hệ có thể đối mặt với mức thuế lên đến 20% trên lợi nhuận từ đầu tư. Một số trường hợp có thể bị phạt vì không thanh toán đúng hạn, nhưng số tiền cuối cùng vẫn có thể được đàm phán, theo nguồn tin cho biết..
Chiến dịch thu thuế này là bước tiếp theo sau việc triển khai Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (CRS) vào năm 2018, một hệ thống toàn cầu nhằm ngăn chặn trốn thuế. Mặc dù quy định địa phương đã yêu cầu đánh thuế trên thu nhập toàn cầu, bao gồm lợi nhuận đầu tư, nhưng chỉ gần đây quy định này mới được thực thi nghiêm ngặt.
Hiện vẫn chưa rõ quy mô và thời gian kéo dài của chiến dịch. Một số đối tượng bị nhắm đến sở hữu ít nhất 10 triệu USD tài sản ở nước ngoài, trong khi những người khác là cổ đông của các công ty niêm yết tại Hong Kong và Mỹ.
Dưới hệ thống CRS, Trung Quốc đã tự động trao đổi thông tin với gần 150 quốc gia và khu vực pháp lý về các tài khoản thuộc sở hữu của người nộp thuế tại các nước thành viên trong sáu năm qua.
"Trung Quốc hiện sở hữu một kho dữ liệu CRS khổng lồ, giúp cơ quan thuế dễ dàng khai thác cơ hội thu thuế. Trong tương lai, kiểm toán thuế cá nhân sẽ được tăng cường, thay vì chỉ tập trung vào doanh nghiệp", ông Patrick Yip, Phó Chủ tịch Deloitte China, cho biết
Giới siêu giàu Trung Quốc đã bị chú ý kể từ khi Chủ tịch Tập phát động chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm vào các ngành công nghiệp tiêu dùng, tài chính và bất động sản. Chiến dịch này đã làm suy giảm niềm tin của giới thượng lưu tại quốc gia từng sản sinh ra tỉ phú mỗi vài ngày vào năm 2018. Khi đó, Boston Consulting Group ước tính trong tổng số 24 nghìn tỉ USD tài sản cá nhân ở Trung Quốc, khoảng 1 nghìn tỉ USD nằm ở nước ngoài. Đồng thời, Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến về số người di cư giàu có, với hơn 1,2 triệu người rời khỏi đất nước kể từ năm 2021, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, thu ngân sách của Trung Quốc giảm 2,6% so với năm ngoái, còn khoảng 14,8 nghìn tỉ nhân dân tệ. Doanh thu từ bán đất của chính phủ giảm 25%, xuống còn 2 nghìn tỉ nhân dân tệ, trong khi thu thuế giảm 5,3%. Các nhà hoạch định chính sách đã công bố một loạt biện pháp kích thích từ cuối tháng 9 để hồi sinh nền kinh tế, bao gồm cam kết thực hiện nỗ lực lớn nhất trong nhiều năm để chuyển đổi nợ ngoài sổ sách của chính quyền địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính quyền địa phương.
Giới chức địa phương cũng đã quyết liệt hơn trong việc truy thu thuế từ các doanh nghiệp nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách do suy thoái thị trường bất động sản gây ra.
"Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực thi chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Thu nhập từ nước ngoài của những cá nhân có thu nhập cao sẽ trở thành mục tiêu cụ thể của cơ quan thuế", ông Peter Ni, chuyên gia thuế tại công ty luật Zhong Lun ở Thượng Hải, nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Phương Tây siết thuế quan chặn hàng giá rẻ Shein và Temu
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Miên
-
Trọng Hoàng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ