Hủy
Thế giới

Vì sao Ấn Độ chưa thể "Made in India"?

Khánh Tú Thứ Sáu | 06/12/2024 11:35

Đầu tư kinh doanh là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tăng trưởng ấn tượng của quốc gia này. Ảnh: FT.

 
 
Dù có tiềm năng tăng trưởng, Ấn Độ vẫn chật vật với sự chậm chạp trong đầu tư sản xuất, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy thương hiệu “Made in India”.

Tại cửa hàng đồ chơi ở sân bay Mumbai, du khách tìm quà lưu niệm cho trẻ em có thể thấy một nghịch lý. Các sản phẩm trưng bày ở đây, từ đồ chơi giáo dục biểu trưng cho khát vọng vươn lên của tầng lớp trung lưu Ấn Độ đến các món đồ nhựa phổ thông, lại có chung một xuất xứ là từ Trung Quốc.

Chẳng hạn, thú nhồi bông Pinky the Pig được thiết kế tại Anh, ghi rõ trên hộp với hình cờ Union Jack, nhưng một nhãn nhỏ phía sau lại ghi nơi sản xuất là Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả những sản phẩm cơ bản như hộp cơm nhựa cũng được sản xuất tại Trung Quốc, dù thu nhập bình quân ở nước này là 12.614 USD, cao gấp 5 lần so với 2.485 USD của Ấn Độ.

Việc sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Ấn Độ vẫn hợp lý hơn, nhưng điều đáng quan tâm hơn là dường như các doanh nghiệp Ấn Độ chưa mặn mà khai thác thị trường sản xuất nội địa. Đầu tư kinh doanh là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tăng trưởng ấn tượng của quốc gia này.

Mặc dù vốn đầu tư mới chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Ấn Độ, nhờ vào chi tiêu cho nhà ở và cơ sở hạ tầng, đầu tư vào tài sản cố định của doanh nghiệp chỉ tăng 5,5% trong năm qua, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE).

Nguyên nhân chính là hậu quả của "vấn đề bảng cân đối kép" sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp vay nợ quá mức không trả được, trong khi ngân hàng đầy nợ xấu, không muốn cấp tín dụng mới. Hạ tầng yếu kém, từ đường sá, cảng biển đến điện nước, cũng cản trở phát triển công nghiệp.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực giải quyết những vấn đề này. Các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng, duy trì kỷ luật ngân sách, kiểm soát lạm phát và xử lý nợ xấu đã giúp kinh tế vĩ mô của Ấn Độ ở trạng thái ổn định. Dân số trẻ, tín dụng dồi dào và thị trường chứng khoán tăng trưởng là những lợi thế lớn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở vi mô, ở sự thiếu nhiệt tình, hơn là năng lực của doanh nghiệp.

Một lý do phổ biến là sức cạnh tranh vượt trội của Trung Quốc, vốn làm khó cả các nước giàu lẫn nghèo. Tuy vậy, thành công của Việt Nam và Bangladesh trong thúc đẩy xuất khẩu chứng minh rằng đây không phải là rào cản duy nhất. Trong ngành may mặc và lắp ráp điện tử, cả hai quốc gia này đã tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, điều mà Ấn Độ chưa làm được.

Các doanh nghiệp nhỏ ở Ấn Độ đối mặt với nhiều khó khăn khi muốn đầu tư vào sản xuất. Chính phủ ưu tiên các tập đoàn lớn và ngành công nghệ cao như điện tử và bán dẫn, những lĩnh vực quá xa tầm với và không tạo nhiều việc làm. Hơn nữa, nỗi lo về các tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, vốn đã lấn sâu vào kinh tế số và được cho là nhận nhiều ưu đãi chính trị. Các “ông lớn” như Reliance, Tata và Adani sẵn sàng đầu tư, nhưng vấn đề là ở tầng lớp doanh nghiệp nhỏ.

Chi phí khởi nghiệp hoặc đóng cửa doanh nghiệp ở nhiều nơi tại Ấn Độ vẫn cao do các quy định khắt khe. Một số doanh nhân cho rằng Bộ luật Phá sản sửa đổi năm 2016 đã làm ngân hàng sợ rủi ro, càng khiến việc vay vốn thêm khó khăn.

Để xuất khẩu, các nhà công nghiệp nhỏ còn gặp nhiều rào cản hơn. Từ năm 2018, chính phủ tăng thuế nhập khẩu các linh kiện trung gian như mạch in hay màn hình, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Ấn Độ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Ấn Độ, nơi xuất khẩu dựa trên nguyên liệu nhập khẩu, giảm từ hơn 25% năm 2010 xuống còn 15% năm 2020. Chưa kể, Ấn Độ có ít hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn, trong khi các đối thủ như Việt Nam hay Bangladesh lại có.

Dẫu vậy, tin vui là hầu hết những trở ngại lớn đã được giải quyết. Các thách thức còn lại chủ yếu là vấn đề chính sách, không đòi hỏi chi phí cao hay cải cách đau đớn, mà chỉ cần gỡ bỏ các rào cản để khuyến khích sự năng động của doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, Ấn Độ hoàn toàn có thể đưa thương hiệu "Made in India" trở nên phổ biến như "Made in China" trên toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

E-commerce Trung Quốc trước áp lực mới

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới