Bộ Tài chính sẽ "gia công" quy định chống chuyển giá
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10.
Phó thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ, hôm 27.8, khi thảo luận cùng lãnh đạo một số bộ, ngành về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đã yêu cầu Bộ Tài chính "gia công" các quy định về chống chuyển giá, hay còn gọi là giá chuyển nhượng, của công ty đa quốc gia.
Để giải quyết tình trạng công ty con ở Việt Nam chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua các khoản vay của công ty mẹ, thực chất là các khoản góp vốn, Phó thủ tướng cho rằng, các biện pháp cần quy định theo hướng chống xói mòn lợi nhuận, quản lý chặt chẽ việc khấu trừ chi phí lãi vay quá mức.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo này.
Gánh nặng tuân thủ
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo này.
Trên thực tế, Chính phủ, từ năm 2017, đã giao cho Bộ Tài chính đưa ra các chương trình cải cách thuế và cập nhật các quy định thuế hiện tại, có xem xét đến các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Chính phủ, ngày 24.2.2017 đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20, có hiệu lực từ ngày 1.5.2017. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, công tác quản lý vấn đề chống chuyển giá được nâng tầm từ cấp độ Thông tư lên cấp độ Nghị định.
Tuy nhiên, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ thương mại và hải quan của KPMG Vietnam, tại một hội nghị về giá chuyển nhượng, đã cho rằng: “Những quy định mới cũng tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho doanh nghiệp”.
Theo ông Dương, việc cơ quan thuế và doanh nghiệp cũng chưa có quan điểm thống nhất về tuân thủ thuế đối với giá chuyển nhượng, dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Ông Dương cũng cho rằng những hạn chế trong công tác quản lý giá chuyển nhượng và triển khai các biện pháp khác để quản lý giá chuyển nhượng hiện nay gây ra sự thiếu minh bạch và môi trường kinh doanh kém thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, vấn đề quản lý thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, một vấn đề trọng tâm của Chính phủ và các bộ ngành nhằm mục đích tránh thất thu thuế.
Nhưng theo ông Dương, thực hiện các giao dịch liên kết thường là doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn tại Việt Nam có chuỗi giá trị phức tạp, doanh thu và chi phí tính thuế phụ thuộc nhiều vào các thỏa thuận giá trong giao dịch liên kết giữa các công ty trong Tập đoàn.
Ông Dương cho đó là nguyên nhân khiến việc chứng minh sự tuân thủ pháp luật về xác định giá chuyển nhượng cũng gặp nhiều khó khăn, trở thành một trong những rủi ro hàng đầu với các doanh nghiệp này.
Cần nhìn nhận đúng
Giá chuyển nhượng đang là mối quan tâm hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Chính phủ về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, trong bối cảnh ngày một nhiều công ty nước ngoài mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam đang quan tâm đến việc xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, minh bạch. Ông Dương nói cần thiết có sự phối hợp và thực hiện hiệu quả các giải pháp từ phía doanh nghiệp lẫn cơ quan Thuế.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần thực hiện các chính sách quản lý giá chuyển nhượng thận trọng và xem xét quy trình nội bộ về quản lý giao dịch liên kết trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.
Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về việc lập và lưu giữ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, các kê khai đầy đủ các giao dịch liên kết và đề cao vấn đề chất lượng trong việc chuẩn bị những tài liệu này.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đánh giá cấu trúc doanh nghiệp và các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nguyên tắc mới, cũng như xem xét thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) như một lựa chọn thay thế cho các quy định về việc lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Nghị định 20.
Theo kinh nghiệm của ông Dương, việc có nhìn nhận đúng từ cả hai phía doanh nghiệp và cơ quan Thuế và đảm bảo tính minh bạch thông tin, tính tiến bộ của luật pháp, cũng như tính đạo đức, tuân thủ của doanh nghiệp, sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định cho sự phát triển chung.
Muốn vậy, cơ quan Thuế cần xây dựng quy trình tranh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng bài bản, xem xét tăng thời gian của mỗi cuộc tranh tra, kiểm tra lên 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.
Cùng với đó là xây dựng và áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ, cơ sở dữ liệu thương mại minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng liên quan đến vấn đề quản lý giá chuyển nhượng theo chuẩn mới.
Trên thực tế, việc tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế là vấn đề cốt lõi cho sự thành công của công tác quản lý thuế. Điều này phụ thuộc vào sự minh bạch trong các quy định và việc thực hiện quản lý giá chuyển nhượng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn