Hủy

Chi phí logistics chiếm 25% GDP

Thứ Sáu | 28/11/2014 07:43

hoạt động ngành logistics của Việt Nam hiệu quả hơn thì sẽ cải thiện đáng kể GDP và thu nhập bình quân đầu người.
 

Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics, chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước phát triển chỉ chiếm từ 10 – 13% GDP. Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của một quốc gia.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại diễn đàn logistics Việt Nam lần 2 với chủ đề “Logistics thúc đẩy thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu” do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam đồng tổ chức tại TP.HCM sáng nay (27/11).

Từ cuối năm 2013, Chính phủ, các bộ ngành và chuyên gia kinh tế đã lo ngại về các khó khăn phát sinh trong hoạt động logistics năm 2014, như nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics còn yếu trong khi áp lực cạnh tranh cao, tình hình tắc nghẽn hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cảng, tình hình thu phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài, quy định về vận tải hàng hóa nội địa...

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, một trong những khó khăn lớn hiện nay là hầu như các địa phương còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng. Những năm qua, ngành này còn nhiều hạn chế cần khắc phục liên quan đến công tác quy hoạch ngành, khả năng cung ứng dịch vụ chất lượng cao còn thấp, năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành còn yếu kém...

Nhận định hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thập niên vừa qua có bước phát triển liên tục, đa dạng các loại hàng hóa nhưng Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, khi kết nối toàn cầu thì giá trị và hàm lượng công nghệ hàng Việt Nam không cao. Do đó, Việt Nam cần tăng tốc nhiều hơn so với hai thập kỷ vừa qua để có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025.

“Việt Nam có cơ hội là trung tâm vận tải của khu vực, nhưng hiện khả năng vận tải còn thấp so với kỳ vọng, cần mở rộng nhiều chuyến hàng container sang các nước láng giềng, tăng kết nối logistics ở phía Nam – Bắc, Hà Nội với Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh... và tiểu vùng sông Mekong” – bà Kwakwa cho biết.

Theo bà Kwakwa, hoạt động ngành logistics của Việt Nam tăng lên theo hướng tốt hơn thì sẽ cải thiện đáng kể GDP và thu nhập bình quân đầu người, còn nếu trì hoãn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, gây nên tình trạng “tắc cổ chai”. Lấy ví dụ từ Singapore, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện hiệu quả bằng ½ Singapore thì sẽ tăng GDP hàng năm lên hàng tỷ USD, thay vì phải ưu đãi các loại thuế quan.

Nhiều doanh nghiệp tham gia diễn đàn cũng đề cập đến tình trạng bất hợp lý trong việc vận hành hệ thống cảng. Thêm nữa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu muốn mở rộng sang các thị trường lớn và tiềm năng ở Châu Mỹ, Châu Phi đều bị lệ thuộc vào cước phí và lịch trình của các hãng tàu nước ngoài; phụ phí vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh...

Nguồn Báo Công thương


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới