Hủy

Đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia sắp hoạt động

Thứ Tư | 27/09/2017 09:35

Thanh Niên

 
 
Với công suất 400 MW, nhà máy Thủy điện Hạ Sesan II là đập thủy điện lớn nhất của Campuchia.

Với công suất 400 MW, nhà máy Thủy điện Hạ Sê San II là đập thủy điện lớn nhất của Campuchia. Nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 11, sau gần 4 năm xây dựng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Xiong Bo đã chủ trì buổi lễ đóng cửa các cửa sông nước vào hôm thứ Hai.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khai khoáng và Năng lượng Campuchia là Suy Sem, nhà máy có tám tuabin và mỗi tuabin có công suất lắp đặt là 50 MW.

Việc xây dựng toàn bộ dự án đã gần như hoàn thành, và tuabin đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào tháng 11, và tất cả 8 tuabin sẽ hoạt động hoàn toàn vào tháng 10/2018.

Dự án này là liên doanh giữa Tập đoàn Huaneng Hydrolancang International Energy (Trung Quốc) nắm giữ 51% cổ phần, Royal Group (Campuchia) giữ 39% và Công ty Cổ phần Quốc tế EVN (Việt Nam) giữ 10%.

Dự án Hạ Sê San II được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT kéo dài 45 năm, trong đó có 5 năm xây dựng và 40 năm vận hành. Bộ trưởng Suy Sem cho biết nhà máy được ước tính sản xuất 1,9 tỷ kWh điện mỗi năm, và điện sẽ được bán cho Điện lực Campuchia với giá cố định là 6,95 cent / kWh.

Nhà máy có thể tạo ra doanh thu thuế khoảng 30 triệu USD mỗi năm khi nó được vận hành đầy đủ.

Phát biểu trong lễ khánh thành dự án Hạ Sê San II, Thủ tướng Hun Sen cho biết đây là một thành tựu mới trong việc phát triển ngành năng lượng ở Campuchia.

Ông nói: "Tôi có thể tuyên bố rằng đây là đập thủy điện lớn nhất từ ​​trước đến nay ở Campuchia”.

Ông Hun Sen cho biết từ trước đến nay, vùng Đông Bắc của Campuchia, bao gồm các tỉnh Stung Treng, Kratie, Ratanakkiri và Mondolkiri, đã dựa vào điện chủ yếu nhập khẩu từ nước láng giềng Lào.

Ông nói: "Nhưng từ bây giờ, đặc biệt là khi tuabin đầu tiên bắt đầu hoạt động, người dân ở các tỉnh này sẽ được sử dụng điện lâu dài và đáng tin cậy với giá rẻ".

Đập Thủy điện Hạ Sê San II có chiều cao 56,5m và có diện tích 36.000 hecta. Dự án đã ảnh hưởng đến 860 gia đình tại sáu thôn. Cho đến nay, 752 gia đình, hay 88% trong số đó, đã chấp nhận bồi thường và di dời đến những ngôi làng mới.

Thủ tướng Hun Sen nói: "Không có sự phát triển nào trên thế giới không ảnh hưởng đến môi trường, nó chỉ là những tác động nhỏ hay lớn. Dự án này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc".

Ông Hun Sen cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung Quốc vì luôn ủng hộ Campuchia trong phát triển kinh tế xã hội.

Huang Yongda, chủ tịch China Huaneng Group (công ty mẹ của Huaneng Hydrolancang International Energy), cho biết dự án này là một minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Trung Quốc và Campuchia trong khuôn khổ chương trình Một vành đai, Một con đường (OBOR).

Ông Yongda nói: "Đây cũng là một thành tựu quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Campuchia.".

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong việc phát triển đập thủy điện ở Campuchia. Theo Bộ Khai khoáng và Năng lượng Campuchia, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư cho 7 dự án đập ở Campuchia.

Cũng theo bộ này, tổng công suất thủy điện của Campuchia năm ngoái là 2.008MW, bao gồm 1.592 MW từ thủy điện, các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy nhiệt điện dầu, và các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Đến tháng 6/2017, chính phủ Campuchia đã mở rộng lưới điện tới 11.195 ngôi làng trên toàn quốc, hay khoảng 79% tổng số làng của cả nước. Tổng số hộ gia đình được kết nối vào lưới điện là 1,98 triệu hộ, chiếm 60,4% trong số 3,28 triệu hộ gia đình .

Lê Trang

Nguồn ChinaDaily


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới