Hủy

Định nghĩa lại về doanh nghiệp nhà nước

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 25/06/2018 08:25

 
 
Việt Nam đã ký CPTPP và phải điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước để tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận này.

Sự giám sát của các cổ đông độc lập trong các doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tay phải bao che cho tay trái, chân ngoài đỡ chân trong. Nhờ vậy, sẽ bớt đi rất nhiều tình trạng tư túi, lợi ích xảy ra ở hầu hết các khâu trong quy trình đầu tư tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Về vạch xuất phát
Dù bản dự thảo vẫn giữ khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm trên 50% vốn” nhưng khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 chính thức được thông qua, định nghĩa đã thay đổi. Theo Điểm 8, Điều 4 của luật này, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đương nhiên, thay đổi dù chỉ một vài từ cũng đều bắt nguồn từ căn cớ sâu xa.

Sau khi nhìn lại, dư luận nhận ra rằng, cùng với việc Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm xuống còn 718 doanh nghiệp, hoạt động ở 19 ngành, lĩnh vực và đa số có quy mô lớn vào cuối năm 2016. Dù việc cổ phần hóa vẫn bị đánh giá là chậm và chưa hiệu quả, đồng nghĩa, chúng ta chỉ giải quyết vấn đề này ở những doanh nghiệp nhỏ, thành tích vẫn chỉ được đo đếm bằng con số.

Đứng từ phía doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã tạo ra nhiều khoảng hở thênh thang cho lợi ích. Sự nhập nhèm giữa nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước với danh nghĩa doanh nghiệp thị trường khiến cho các doanh nghiệp “già nhà nước, non tư nhân” rộng cửa mặc cả. Trong khi đó, với vốn nhà nước có thể lên tới 99%, sự ưu ái cho doanh nghiệp dạng này khó có thể phủ nhận và cuối cùng, thua thiệt vẫn thuộc về người dân. 

Dinh nghia lai ve doanh nghiep nha nuoc
 

Tuy nhiên, cả hai luận điểm trên có thể chưa phải là nguyên nhân chính. Cũng khoảng thời gian nói trên, việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bước vào các vòng đàm phán cấp Bộ trưởng. Các cuộc thương thảo về các Hiệp định thương mại tự do với đối tác châu Âu cũng được tiến hành.

Đối với Việt Nam, nếu giảm được trên danh nghĩa và pháp lý số doanh nghiệp nhà nước, các nhà đàm phán đã có thể tự tin thuyết phục đối tác nước ngoài về những cải cách mà nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện. Mũi tên sau đó sẽ trúng hai đích, số lượng doanh nghiệp nhà nước chịu ràng buộc theo các hiệp định thương mại tự do sẽ giảm xuống, còn nền kinh tế Việt Nam được coi là năng động hơn, tiến dần hơn tới việc được công nhận là nền kinh tế thị trường. 

Tuy nhiên, sự rút lui vào giờ chót khỏi TPP của nước Mỹ đã khiến cho định chế thương mại này buộc phải thay tên đổi họ. Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự hào hứng không suy giảm. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014 bỗng thành… lạc hậu bởi theo định nghĩa của CPTPP, doanh nghiệp nhà nước là một doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hơn 50% vốn, hoặc kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết, hoặc giữ quyền chỉ định đa số thành viên ban quản trị hoặc bất kỳ bộ máy quản lý tương đương khác. 

Nói như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khi trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Việt Nam đã ký CPTPP và phải điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước để tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận này. Quốc hội đã yêu cầu một sự điều chỉnh phù hợp và kịp thời, thể hiện tại Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua ngày 15.6.2018.

Một số ý kiến khắt khe sẽ chỉ ra sự luẩn quẩn rồi lại trở về tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2003: doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó. Thế nhưng, vẫn thấy ngay rằng, Việt Nam đang đi đúng thông lệ của thế giới. 

Mục tiêu quan trọng hơn
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), dù đã ghi nhận thay đổi nhưng khái niệm doanh nghiệp nhà nước vẫn cần: niêm yết minh bạch. Đó mới là sự hội nhập thật sự. Quả thật, đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại, minh bạch thông tin để các cổ đông và xã hội giám sát thì sẽ hóa giải nhiều vấn đề đang tồn tại.

Sẽ không còn những đại án gây thất thoát cả ngàn tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nếu mọi thông tin đầu tư của đơn vị này đều đặt dưới con mắt giám sát của dư luận, đặc biệt là các nhà chuyên môn. Không ai dám cất lời kêu cứu, hứa hẹn dự án sẽ có lãi trong một tương lai xa xôi nào đó, bất chấp sự thật dự án dùng máy móc, thiết bị chưa vận hành đã thua lỗ triền miên như điều mà nhiều dự án trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã từng làm. 

Ngoài ra, sự giám sát của các cổ đông độc lập trong các doanh nghiệp sẽ hạn chế tình trạng tư túi, làm lợi riêng. Năng lực lãnh đạo doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao, khi đó, chỉ còn ghế cho những người đủ năng lực, chấm dứt vĩnh viễn những điều tiếng cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước là “vườn ươm con quan”.

Trên thực tế, vấn đề trên chỉ là việc hiện thực hóa các chỉ đạo trong Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tinh thần thể hiện trong nghị quyết này là bảo đảm tính minh bạch, công khai của doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm giải trình của người quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước; tôn trọng cơ chế thị trường.

Thậm chí, việc tách bạch nhiệm vụ chính trị, xã hội và nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đã được đề cập để bảo đảm không làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thuộc khối này. Tiếc là, những chỉ đạo đúng đắn này lại chưa được các cấp thừa hành thực hiện nghiêm túc.

Như vậy, điểm nghẽn trong việc cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lại nằm ở con người. Có vẻ như, không dễ dàng gì dứt khoát gạt bỏ mối lợi kiếm được từ việc trì hoãn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trả miếng bánh ngon về tay người chủ thực sự. Thế nhưng, sự chậm trễ này không chỉ ngăn cản việc phân bổ nguồn lực, đưa chúng tới các địa chỉ sinh lời tốt hơn mà còn ngăn cản sự trưởng thành theo chuẩn mức kinh tế thị trường của các thành phần kinh tế khác. Trong bối cảnh này, nền kinh tế Việt Nam đang rất cần một cây gậy quản lý không biết nhân nhượng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới