Hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2019
Theo Bộ Công Thương, việc tăng giá điện nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Tienphong
Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố hôm 29.5, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng có thể nhận định phạm vi và mức độ của các rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
4 nguyên nhân làm chậm thương mại toàn cầu
Kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tiếp tục nhiều rủi ro bất trắc mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng sẽ chậm hơn, xuất phát từ 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, các biện pháp hạn chế thương mại mà các quốc gia áp dụng trong hai năm 2017 và 2018 bắt đầu thể hiện những tác động tiêu cực rõ nét hơn đến thương mại toàn cầu, thêm vào đó là xu hướng tiếp tục gia tăng các biện pháp bảo hộ trong năm 2019.
Sự leo thang và khả năng gia tăng phạm vi của thương chiến Mỹ-Trung là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu năm 2019 và những năm tiếp theo. Ảnh: Fortune. |
Thứ hai, các yếu tố liên quan đến tái cấu trúc của một số nền kinh tế chủ chốt. Trong đó, Trung Quốc đang tái cân bằng nền kinh tế bằng cách giảm đầu tư và hướng tới tiêu dùng nội địa nhiều hơn, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và EU cũng sẽ làm hạn chế sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu của thế giới
Thứ ba, sự suy giảm vai trò của WTO vẫn tiếp tục trầm trọng thêm khi WTO chưa đưa ra được các chiến lược và giải pháp để cải tổ hệ thống thương mại đa phương.
Thứ tư, những lo ngại về diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là sự leo thang của cuộc chiến và khả năng gia tăng phạm vi của cuộc chiến thương mại này là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam
Trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam đưa ra hai kịch bản về tăng trưởng của Việt Nam năm 2019.
Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
“Chúng tôi giả định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc chưa đủ linh hoạt để tăng mạnh trong môi trường chiến tranh thương mại”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, đồng chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019, cho biết.
Kịch bản thứ hai, Báo cáo đưa dự báo khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội.
Nhóm nghiên cứu cho đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện trong quý I/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI. VEPR cho đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Về mức giá chung, lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5%. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%.
Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.
Trong nước, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát.
Tính đến hết tháng 4.2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 2,93% so với cùng kỳ năm 2018 và đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng.
Bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm. Khả năng đồng nhân dân tệ bị giảm giá vào cuối năm 2019 dưới sức ép của chiến tranh thương mại có thể khiến VND bị phá giá nhẹ cũng là một nhân tố rủi ro tác động đến mức giá chung trong nước.
Nhiều khả năng lạm phát sẽ trở nên một thách thức lớn trong năm 2019 bởi các áp lực cả trong nước và trên thế giới đều có thể sẽ ảnh hưởng tới diễn biến giá cả trong nước, TS. Thành nhận định.
Những tháng đầu năm 2019, hàng loạt các điều chỉnh tăng giá năng lượng (điện tăng 8,4%, xăng dầu tăng trên 20%), tăng giá dịch vụ công (y tế), nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường, hay thiên tai bệnh dịch trong nông nghiệp của Chính phủ đã được thực hiện.
Đồng thời, giá dầu thế giới có thể tăng do căng thẳng leo thang ở Trung Đông và việc OPEC cùng các đồng minh đạt được sự đồng thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1/2019 trong vòng 6 tháng để ngăn tồn kho tăng.
Người đứng đầu VEPR cho rằng, để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành cần tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm 2019. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách tiền tệ thận trọng trong thời gian tới nhằm duy trì mức lạm phát không vượt xa khỏi mục tiêu, duy trì ổn định vĩ mô.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn