Hủy

"Hàng không Việt có thể tăng trưởng 15% năm nay"

Thứ Năm | 12/09/2013 09:46

Nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy hàng không Việt Nam có thể hồi phục mạnh mẽ và duy trì tăng trưởng hai con số trong năm nay và hai năm tới.
 

Phó cục trưởng Cục Hàng không Lưu Thanh Bình trao đổi với VnExpress chiều qua, sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay - Vietjet Air bất ngờ báo lãi và cân nhắc IPO.

- Lý do nào khiến ông đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường hàng không Việt Nam năm nay?

- Trong khi nhiều nước trên thế giới, hàng không vẫn đang gặp khó khăn thì ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đạt tăng trưởng hai con số. Theo dự báo của Cục Hàng Không, thị trường Việt Nam nay tăng trưởng cỡ 12%, thậm chí có thể lên đến 15% về vận tải hành khách. So sánh với mức tăng 6,8% của năm ngoái, đây là một bước tiến dài. Ngoài ra, dự báo cho năm 2014, 2015 vẫn đảm bảo tăng trưởng hai con số.

Chúng ta có được kết quả này là nhờ hành khách ngày càng thích đi bằng đường hàng không. Ngoài ra Việt Nam là một điểm đến du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam cũng tương đối nhiều.

- Trong bối cảnh đó, cơ hội phát triển của các hãng hàng không tư nhân, hàng không giá rẻ tại Việt Nam như thế nào?

- Hiện có 4 hãng bay là Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco. Hàng không truyền thống thì đại diện Vietnam Airlines, bên cạnh vận chuyển hành khách thì còn phải làm nhiệm vụ chính trị. Mô hình giá rẻ có Vietjet Air, còn khá non trẻ nhưng mô hình này bắt đầu chứng minh sự phù hợp với điều kiện của người dân Việt Nam. Vì tuổi đời trẻ nên Vietjet Air có cơ hội phát triển nhanh hơn, chính sách phục vụ cũng đa dạng hơn, có nhiều lựa chọn cho hành khách.

Dù là hàng không truyền thống hay hàng không giá rẻ thì chủ trương của cơ quan quản lý đều phải ủng hộ. Cơ hội phát triển của các hãng hàng không đang rất nhiều. Thị trường này còn rộng với 80 triệu dân, mà tổng lượng hành khách năm nay dự kiến mới đạt 29 triệu khách. Ngoài ra, Việt Nam đang có tất cả 22 sân bay trong số 21 sân bay đang hoạt động, được đầu tư phát triển đồng bộ. Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện dần là tiền đề cho các hãng phát triển.

- Nhu cầu đi lại gia tăng, tần suất bay dày đặc hơn, kéo theo đó là những lời than phiền ngày càng nhiều về chậm hủy chuyến của các hãng. Theo ông, hiện tượng này nên nhìn nhận thế nào?

- Đã làm hàng không thì tất cả các hãng đều phải đảm bảo yếu tố đúng giờ, kể cả ở mô hình giá rẻ hay truyền thống. Tuy nhiên không thể nói tất cả các chuyến đều có thể đúng giờ hết được. Luôn có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khiến một chiếc máy bay chậm giờ.

Tại hội nghị an toàn của Cục Hàng không tháng 8, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ chậm chuyến hủy chuyến tháng vừa rồi tăng so với tháng 7. Gia tăng này xảy ra với tất cả các hãng chứ không chỉ riêng hãng nào. Tháng 8 vẫn là mùa mưa bão, nên việc chậm hủy chuyến gia tăng là điều không tránh khỏi.

- Câu chuyện giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay là vấn đề nhiều hành khách than phiền thời gian qua. Trong khi đó, giá dịch vụ hàng không cũng ở mức cao gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng. Hướng xử lý của Cục thế nào?

- Theo phản ánh của hành khách và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian vừa qua Cục đã có nhiều chấn chỉnh về giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay, nhất là tại 3 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Cho đến nay, chiến dịch được đánh giá là thành công.

Còn với dịch vụ hàng không, hiện nay các hãng đang chịu 5 loại phí là hạ cất cánh, sân đậu, soi chiếu an ninh, giá bổ sung dịch vụ điều hành bay, giá phục vụ hành khách. Trừ giá phục vụ hành khách, các loại còn lại đều do Nhà nước quản lý.

Khi xây dựng khung giá và trình lên cấp cao hơn, chúng tôi đều nhận được câu hỏi rằng giá này cao hay thấp hơn các nước trong ASEAN, ngoài ASEAN. Phải nói rằng khi Việt Nam gia nhập ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế), giá dịch vụ không thể một mình một chợ được. Nếu giá của chúng ta cao hơn thì các hãng sẽ không bay đến nữa. Nhìn chung, so với các sân bay ở Thái Lan, Lào, giá dịch vụ hàng không của Việt Nam tương đương, thậm chí có những hạng mục còn rẻ hơn.

Mặc dù vậy, sắp tới sau khi xem xét giá dịch vụ phi hàng không, Cục cũng sẽ có chương trình tiếp theo rà soát giá dịch vụ hàng không. Nếu giá còn cao, chất lượng chưa tốt thì sẽ tiếp tục có chấn chỉnh. Ngoài ra, chúng ta cũng có chính sách giảm giá 30% trong 6 tháng đến một năm cho các hãng mới thành lập, hãng mới mở đường bay đến Việt Nam để khuyến khích.

- Ông có lời khuyên nào đối với các hãng hàng không để có thể kinh doanh có lãi và tận dụng cơ hội trong tình hình hiện nay?

- Chúng tôi luôn khuyến khích các hãng hàng không tính toán chi phí hợp lý để tạo điều kiện làm sao cho có lợi nhuận. Muốn có chi phí hợp lý, hãng phải quan tâm đến từng yếu tố nhạy cảm nhất, dễ thất thoát nhất, ví dụ chi phí nhiên liệu. Đối với vận chuyển hàng không, chi phí nhiên liệu có thể chiếm đến hoặc vượt 30%. Kế đến là chi phí thuê mua máy bay. Làm hàng không là phải xác định một cái đinh ốc cũng tính bằng đôla. Mua thiết bị phụ tùng ở đâu, dự trữ phụ tùng như thế nào, đó là cả một bài toán của nhà khai thác để vận chuyển chi phí hợp lý.

Ngoài ra, hãng phải có chính sách về nguồn lực từ tài chính đến con người, đội ngũ. Hiện nay, có một số hãng như Vietjet Air có chính sách khai thác sử dụng chủng loại bay hợp lý, khai thác rất hiệu quả. Chúng tôi rất ủng hộ các hãng hàng không non trẻ và mong muốn có thêm một vài hãng nữa ra đời để hành khách có thêm sự lựa chọn. Nhưng tiếc là cho đến nay chưa có ai nộp đơn xin thành lập mới hãng hàng không.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới