Hủy

Khó hy vọng phục hồi tổng cầu dựa vào xuất khẩu

Thứ Ba | 28/05/2013 08:57

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 5 giảm là số liệu chỉ báo xác thực tình trạng giảm tổng cầu của nền kinh tế – vốn rất cần được kích thích, để phục hồi đà tăng trưởng sụt giảm lâu nay.
 

Theo nhận định gần đây của HSBC, nền kinh tế sẽ phải dựa vào nhu cầu của khu vực xuất khẩu (vẫn còn tăng trưởng khá) và nếu chỉ dựa vào khu vực này, tiến trình phục hồi sẽ rất chậm.

Hơn nữa, gần đây xuất khẩu cũng trở nên rất khó khăn: giá xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm, đồng yen tăng giá cản trở hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Nhật – vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương) dẫn số liệu thống kê mới nhất của tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5.2013 đạt 5,11 tỉ USD, giảm 5% so với 15 ngày cuối tháng 4.2013.

Trị giá xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – khu vực chiếm tới 60% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam – trong nửa đầu tháng này cũng chỉ đạt 3,14 tỉ USD, giảm 6,5% so với 15 ngày cuối tháng 4.2013.

Trong nửa đầu tháng 5.2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã giảm 327 triệu USD về số tuyệt đối với nhiều nhóm hàng xuất khẩu chính giảm so với nửa cuối tháng 4.2013. Điển hình là một số nhóm hàng sau đây: phương tiện vận tải và phụ tùng: giảm 159 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng: giảm 46 triệu USD; sắt thép các loại: giảm 39 triệu USD…

Ở một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng, cũng chưa có tín hiệu sáng sủa. Chẳng hạn, cũng theo trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, xuất khẩu gạo Việt Nam từ 1.1 – 16.5.2013 đạt khoảng 2,38 triệu tấn. Riêng nửa đầu tháng 5 chỉ đạt khoảng 233.645 tấn, thấp hơn so với cùng kỳ hai tháng trước đó, khi xuất được trên 700.000 tấn mỗi tháng.

Giá xuất khẩu trung bình đã giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng, khoảng 410 USD/tấn từ đầu tháng 5 tới nay, giảm khoảng 5% so với mức trung bình 429 USD/tấn của tháng trước, và giảm khoảng 7% so với mức trung bình 438 USD/tấn tháng 5 năm ngoái.

Theo VFA, giá xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay chỉ cao hơn chút ít so với mức trung bình 395 USD/tấn hồi tháng 7.2012, và 387 USD/tấn tháng 9.2010.

Nhìn lùi lại, khối lượng xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,38 triệu tấn, trị giá gần 1,04 tỉ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giá trị giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo thế giới có khả năng sẽ không tăng trong những tháng tới do nguồn cung dồi dào. Thái Lan và Ấn Độ, hai nước xuất khẩu gạo xếp vào hàng lớn nhất thế giới, vẫn còn lượng gạo tồn kho lớn, vì thế họ sẽ tìm cách giảm lượng gạo tồn kho của mình và việc này tạo thêm áp lực lên giá gạo trên thị trường.

Một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là càphê, kim ngạch từ đầu năm đến 15.5 cũng giảm đến 299 triệu USD, tức 17,9% so với cùng kỳ năm 2012…

(Theo SGTT)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới