Hủy

“Nâng hạng” vào siêu thị

Viết Nguyên Thứ Tư | 20/11/2019 14:00

Ảnh: Quý Hòa

Sức ép cạnh tranh của chuỗi phân phối đã định lại luật chơi với các nhà sản xuất.
 

Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), chủ doanh nghiệp Ba Huân, đã tạm gác kế hoạch đi Úc để tham dự một cuộc gặp giữa nhà bán lẻ và nhà cung cấp. Bà Ba Huân đích thân đi vì muốn trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo Vincommerce để thúc đẩy việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+.

Chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Vincommerce tính đến nay đã đạt hơn 2.600 điểm kinh doanh và hướng tới trên 10.000 điểm vào năm 2025. Chính vì thế, không riêng bà Ba Huân mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp như Vinamilk, Giấy Thuận Phát, Vissan... đều tìm cách đẩy mạnh bán hàng vào đây. Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Ba Huân, hiện nay, ngoại trừ trứng, Công ty Ba Huân vẫn chưa thể đưa thêm sản phẩm nào vào VinMart/VinMart+. Trong khi Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.

Bà Ba Huân là 1 trong hơn 200 nhà cung cấp có mặt tại Hội nghị nhà cung cấp của Vincommerce. Các doanh nghiệp muốn nhân cơ hội này tìm hiểu tiêu chí, chiến lược mới từ nhà bán lẻ và đề xuất cách tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt trong bối cảnh đường vào siêu thị ngoại của hàng hóa trong nước ngày càng khó khăn. Chẳng hạn, theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, cứ 10 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thì chỉ 1 doanh nghiệp có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại, do chi phí hàng hóa cao, chiết khấu bán hàng lên tới 30%.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, nhận định, sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt. Việc chuỗi siêu thị Pháp Auchan bị thâu tóm và các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon Co.op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh tại các tỉnh, thành phố lớn và sáp nhập các thương hiệu nhỏ lẻ cho thấy rõ xu hướng này. Sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực.

Có thể thấy, cuộc cạnh tranh khốc liệt của hệ thống phân phối trong và ngoài nước kéo theo áp lực cho các nhà cung cấp hàng hóa phải nâng chuẩn mới đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bộ phận mua hàng. Bà Thái Thị Thanh  Hải,  CEO Vincommerce, cho biết, Công ty ưu tiên hợp tác đường dài và có những kế hoạch khác nhau cho từng nhà cung cấp.

Đáng lưu ý, một yêu cầu khác từ phía nhà bán lẻ là doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa cần có sự đồng bộ về công nghệ. Dự tính sau Tết 2020, Vincommerce sẽ đẩy mạnh bán hàng trên di động, thêm kênh bán hàng online và đưa vào hoạt động ứng dụng (app) dành cho tương tác giữa Công ty và nhà cung cấp. Mọi khâu từ quản trị hàng tồn kho, tổ chức quầy kệ đến kiểm kê hàng hóa, xây dựng dữ liệu, kế hoạch quảng cáo... đều ứng dụng công nghệ. Vì thế, nếu nhà cung cấp không đầu tư tương xứng về công nghệ sẽ rất khó gắn kết.

Trước VinMart/VinMart+, các siêu thị AEON, Lotte, Big C, Bách Hóa Xanh, Co.opmart... cũng đang có những thay đổi trong chính sách và chiến lược hợp tác, bắt tay với nhà cung cấp. Điển hình, AEON và Big C đã sàng lọc, chỉ lựa những nhà cung cấp có năng lực sản xuất, đủ khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang hệ thống bán lẻ của AEON, Big C ở các nước. Đây là lý do, tháng 7 vừa qua, Big C (thuộc Central Group) ngừng nhập hàng dệt may để xem xét lại mô hình, hướng tập trung vào phân khúc chất lượng hơn.

Các nhà cung cấp đều thấy tiêu chuẩn đưa hàng vào Big C giờ đã nâng cao hơn, như doanh nghiệp phải tự thiết kế mẫu thay vì gia công theo mẫu sẵn và mỗi năm lại nâng mức chiết khấu. Mặc dù vậy, các nhà cung cấp vẫn muốn hiện diện ở Big C nói riêng và các hệ thống siêu thị khác bởi doanh thu bán qua siêu thị tăng mạnh như Nhật Nguyên, Hanvico tăng trưởng 3 con số. Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, kênh bán lẻ này hiện chiếm 25% thị phần bán lẻ cả nước và còn nhiều dư địa phát triển do thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%).

Hiện tại, đã có khoảng 4.000 nhà cung cấp ở Big C. Riêng AEON Việt Nam là hơn 2.000 nhà cung cấp trong nước. Còn tại Saigon Co.op đang kinh doanh khoảng 350.000 mã hàng, trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 mặt hàng mới vào siêu thị. Số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng muốn tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại tăng nhanh.

Saigon Co.op dự kiến sẽ có thêm 300 điểm bán mới, nâng tổng số trên cả nước lên 1.000 điểm. Do đó, nhà bán lẻ này cũng cần tìm thêm nhà cung cấp cho những điểm bán sắp ra đời. Rõ ràng, cơ hội cho nhà cung cấp tham gia hệ thống bán lẻ hiện đại là không nhỏ. Đưa hàng vào siêu thị trở thành cách thức để doanh nghiệp gia tăng năng lực và thương hiệu.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp thu kinh nghiệm từ thị trường bán lẻ tiên tiến trên thế giới, sau đó áp dụng vào Việt Nam. Do đó, sự cạnh tranh tại thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng, dẫn đến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập với các tập đoàn lớn đã diễn ra, bên cạnh đó một số đơn vị lại chọn cách thoát khỏi thị trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới