Hủy

Những chủ đề chính trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thứ Hai | 22/07/2013 16:10

Chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ cung cấp nền tảng giúp mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thêm chặt chẽ hơn.
 

Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 25/7 tới đây tại Nhà Trắng. Đây được coi là một trong những hội đàm quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam bởi đây là tiền đề giúp các nhà lãnh đạo khai thác tốt hơn mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia có mối liên kết về lịch sử.

Trong ASEAN, Việt Nam có thể coi là quốc gia tập trung nhiều nhất vào sự cân bằng địa chiến lược. Với vị trí địa lý và lịch sử gần gũi cùng những hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc, Việt Nam chính là một trong những nhân tố quan trọng trong khu vực giúp thúc đẩy mối quan hệ, xây dựng thể chế trong khu vực, nhận được nhiều sự tôn trọng của các quốc gia láng giềng. Bản thân vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng đang tiến triển rõ rệt.

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị trong nước của Việt Nam đang ở giai đoạn hết sức sôi động. Chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học Hong Kong, ông Jonathan London, chỉ ra rằng trong suốt 6 tháng qua Việt Nam đã có những bước chuyển mình về chính trị đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, các cuộc tranh luận chính trị của Việt Nam trong thời gian qua như sửa đổi hiến pháp, trở nên cởi mở và sôi động hơn. Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nâng cao mức độ tham gia đóng góp của người dân đối với các quyết sách của chính phủ, bao gồm cả việc cho phép các thành viên quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu trong chính phủ.

Bên cạnh những tiến bộ chính trị trong nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn không ngừng tăng cường hoạt động ngoại giao trong những tháng qua. Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Tấn Sang diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau 2 chuyến công du quan trọng khác ở châu Á, đó là cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tại Bắc Kinh và ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Indonesia. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bay tới Singapore để tham dự đối thoại an ninh khu vực Shangri-La. Tại đây, Thủ tướng đã có bài phát biểu nhận được nhiều sự chú ý và tán dương của các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế, cho thấy vị thế vững chắc của Việt Nam trong nền chính trị khu vực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chính vị thế đó giúp Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Kể từ khi nắm quyền năm 2009, một trong những trọng tâm chính trong chường trình nghị sự của ông Obama là hướng trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó khu vực Đông Nam Á là cốt lõi chính. Như một phần trong nỗ lực đó, Washington đã đề xuất thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là cơ hội cho cả Mỹ và Việt Nam điều chỉnh lại quan hệ song phương. Mặc dù chưa thể khẳng định liệu cả Việt Nam và Mỹ có coi đây là cơ hội tốt để phục hồi lại quan hệ đối tác chiến lược, song cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo được kỳ vọng bao quát một loạt các vấn đề chiến lược trong quan hệ 2 nước, từ kinh tế, thương mại, chính trị cho đến các vấn đề an ninh và thắt chặt quan hệ giữa 2 dân tộc.

Đối với cả Mỹ và Việt Nam, chuyến thăm lần này là cơ hội để thảo luận về các vấn về như Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tăng cường quan hệ quân sự 2 nước và các vấn đề an ninh châu Á.

Quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã cải thiện đáng kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ cách đây 17 năm. Mối quan hệ thương mại 2 chiều giữa 2 nước cũng phát triển không ngừng và đạt 25 tỷ USD trong năm 2012. Con số này có thể coi là vô cùng ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang phải chịu thâm hụt thương mại tới 16 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mỹ và Việt Nam cũng là thành viên của hiệp định thương mại TPP gồm 12 quốc gia thành viên. Ngoài ra, mối quan hệ giữa người dân giữa 2 quốc gia cũng không ngừng phát triển. Việt Nam hiện là quốc gia có số du học sinh ở Mỹ đông thứ 8 thế giới.

Một đối tác kinh tế mạnh mẽ chính là then chốt vững chắc nhất để đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Việt. Chính Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc mời Việt Nam tham gia TTP. Trong khi đó, Việt Nam cũng coi TPP là cơ hội để thúc đẩy hội nhập kinh tế đất nước với thế giới, cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. Nhiều nhà phân tích nhận định Việt Nam có thể coi là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

Theo các nhà phân tích, trong suốt chuyến thăm của mình, Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ tìm cách thuyết phục Washington mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho ngành công nghiệp dệt may đang phát triển của Việt Nam - đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng khi Việt Nam quyết định chấp nhận các quy định trong TPP. Ngược lại, Washington cũng muốn Việt Nam cam kết xây dựng một sân chơi cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, đồng thời cam kết làm nhiều hơn nữa để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đổi lại, Washington sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề trong thương mại và đầu tư gặp phải trong TPP.

Ngoài các vấn đề kinh tế, các vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp Biển Đông cũng sẽ là một phần quan trọng trong cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo. Dự kiến Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama sẽ nhất trí tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung trên biển của ASEAN và Trung Quốc nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông.

Carlyle Thayer, một học giả hàng đầu về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Mỹ nên xem xét hỗ trợ Việt Nam nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải thông qua chuyển giao công nghệ radar ven biển, hỗ trợ giám sát trên không, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng bảo vệ biển Mỹ và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Về quan hệ quân sự song phương, cả Việt Nam và Mỹ cũng đã có những bước phát triển đáng kể, thể hiện rõ qua cuộc gặp vừa qua ở Washington giữa Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey. Ông Thayer cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ xem xét cung cấp học bổng tại các cơ sở quốc phòng Mỹ cho các sĩ quan Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tham dự trong các hội nghị và diễn đàn quốc tế về lợi ích của cả 2 nước. Trước đó, Washington còn đề nghị hỗ trợ Việt Nam bằng cam kết giúp Việt Nam tăng cường sự có mặt của mình trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Cả Việt Nam và Mỹ đều hiểu rằng việc duy trì quan hệ gần gũi sẽ có lợi cho các lợi ích chiến lược của cả 2 nước. Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ tái khẳng định niềm tin chung và tạo tiền đề cho mối quan hệ Mỹ-Việt mạnh mẽ hơn nữa trong thập kỷ tới.

Nguồn CSIS/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới