Hủy

Tiền châu Á mất giá mạnh

Thứ Ba | 12/05/2015 14:57

Tiền tệ của các nước châu Á mới nổi xuống thấp nhất vài tháng qua trong bối cảnh bán tháo trái phiếu toàn cầu và nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu.
 

Theo số liệu trên Thời báo phố Wall, đồng baht Thái Lan hiện xuống thấp nhất kể từ năm 2009 so với USD trong khi peso của Philippines cũng chạm đáy 2 tháng. Không ngoại lệ, rupee của Ấn Độ cũng sát ngưỡng thấp nhất trong vòng 1 năm qua, rupiah sát mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Lợi suất trái phiếu Mỹ và châu Âu tăng mạnh những ngày gần đây. Mirza Baig, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất và ngoại hối tại BNP Paribas ở Singapore, nguyên nhân chính tác động đến thị trường tiền tệ đó chính là lợi suất thực tế trái phiếu của các nước phát triển tăng vọt những tháng gần đây bởi nó chi phối việc tính toán lợi suất đối với các khoản đầu tư vào thị trường mới nổi.

Cùng với đà bán tháo trái phiếu toàn cầu và giá dầu bắt đầu phục hồi, thị trường trái phiếu châu Á cũng bắt đầu dấu hiệu dòng tiền rút khỏi thị trường mà biểu hiện là lợi suất tăng lên (giá trái phiếu giảm). Theo các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, khi nhà đầu tư không còn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để lấy lợi nhuận thì các đồng tiền từng hút vốn đầu tư mạnh trước đó sẽ bị ảnh hưởng nhất. Các chuyên gia này cho rằng, baht Thái Lan, won Hàn Quốc, đô la Đài Loan và Singapore cũng là những đồng tiền bị tác động mạnh.

Khi các nền kinh tế châu Á phải vật lộn với việc USD tăng giá mạnh và nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ, tiền tệ trở thành công cụ duy nhất để các ngân hàng trung ương tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này là bởi khi tiền mất giá sẽ thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu.

Trong khi đó, các đồng tiền châu Á cũng chịu thêm sức ép khi mới đây Thái Lan nới lỏng quy định cho phép dòng tiền rút khỏi thị trường trong nước, qua đó giúp ghìm giá baht vốn được cho là vẫn tương đối cao so với các đồng tiền khác trong khu vực. Ấn Độ đối mặt với sức ép từ nhà đầu tư phản đối chính sách thuế mới của chính phủ ăn mòn lợi nhuận định giá bằng rupee.

Tại Indonesia, ngân hàng trung ương và chính phủ chuẩn bị đưa ra các quy định về quản lý rủi ro ngoại hối đối với các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị rút vốn trong thời gian dài. Quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sẽ hạn chế việc sử dụng ngoại tệ cho các giao dịch khi ngân hàng trung ương tìm cách tăng thúc đẩy nhu cầu nội tệ và đẩy giá trị của nội tệ.

Minh Phương
Theo WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới