Tìm "phép mầu" cạnh tranh trong CPTPP
→Doanh nghiệp ASEAN vẫn lạc quan bất chấp xu hướng bảo hộ thương mại
→PMI Việt Nam đứng thư 2 khu vực ASEAN
Cánh cửa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã rộng mở với Việt Nam và 10 nước còn lại gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore.
Đương nhiên, thị trường với quy mô 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỉ USD của CPTPP là một lựa chọn khó có thể bỏ qua, đặc biệt khi mối lo về bảo hộ mậu dịch đang tăng dần với các động thái bất ngờ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Thách thức dường như đang nhiều hơn cơ hội. Nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên tương lai của CPTPP năm 2017, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Singapore là 2,34 tỉ USD; Việt Nam - Nhật là 0,12 tỉ USD; Việt Nam - Brunei là 30 triệu USD trên tổng kinh ngạch 51 triệu USD; Việt Nam - Malaysia là 1,65 tỉ USD... Đáng lưu ý, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khiến cán cân xuất nhập khẩu nghiêng về phía Việt Nam chủ yếu là dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện điện thoại..., là những ưu thế của nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Sắp tới, khi thị trường phẳng, ưu thế sẽ thuộc về các nền kinh tế có nội lực lớn mạnh hơn và dù muốn hay không, Việt Nam phải thích ứng với điều này.Thế nhưng, chúng ta đang gặp nhiều ngáng trở. Dù sự cải cách được đánh giá là rất mạnh mẽ, Việt Nam vẫn tụt 3 bậc, xuống thứ hạng 77/140 trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu thường niên 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đồng thời tụt 1 bậc, xuống vị trí 69/190 trong Báo cáo Môi trường kinh doanh đào tạo để cải cách Doing Business 2019 của World Bank. Thông tin trên càng trở nên kém vui hơn khi tại cuộc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, môi trường kinh doanh theo các tiêu chí của World Bank đã cải thiện nhưng hầu hết chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Chỉ số lợi thế cạnh tranh (RCA) của hàng Việt Nam với các nước CPTPP nhìn chung đang giảm nhanh; điểm số từ 1,48 năm 2006 xuống còn 1,1 năm 2016 (một số ngành có RCA cao hơn mức này và có xu hướng tăng như dệt may, thủy sản).
Rõ ràng chúng ta đã cải cách nhưng các nền kinh tế khác cải cách mạnh mẽ hơn. Khi gia nhập sân chơi lớn, nguy cơ bị chiếm lĩnh cả thị trường sản xuất và tiêu thụ hiển hiện như vách núi đá trước mặt. Rất tiếc, không thể và cũng không nên hy vọng một phép mầu giúp tạo ra đột phá về môi trường kinh doanh trong một thời gian ngắn. Mỗi người Việt năm 2018 đã gánh xấp xỉ 35 triệu đồng nợ công và dự báo con số này sẽ tăng thêm. Sẽ không khôn ngoan nếu tiếp tục vay nợ, đổ vốn đầu tư để làm đẹp các chỉ số, để tăng hạng trong báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Ở đây, rất cần những sự thay đổi thực chất mà đi cùng với đó là sự vững vàng hơn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, đầu tiên, chúng ta phải tạo ra nên một nền kinh tế mà các thành phần trong đó không tồn tại dựa trên quan hệ triệt tiêu sáng tạo mà phải cạnh tranh minh bạch sòng phẳng, từ đó doanh nghiệp buộc phải đổi mới để tồn tại. Điều này đồng nghĩa Nhà nước sẽ trả lại cho tư nhân những việc họ có thể làm và điều chỉnh các ưu đãi cho khối doanh nghiệp FDI bám sát nguyên tắc hai bên cùng thắng. Nếu không làm được điều này, những cải cách chuyên biệt hơn sẽ khó triệt để và đạt hiệu quả cao nhất.
Lửa cạnh tranh đã cháy đến rất gần. Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương: “Doanh nghiệp Việt chỉ có thể lựa chọn thay đổi để cạnh tranh hoặc khó có thể tiếp tục tồn tại”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư