Vì sao xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc suy giảm?
Cá tra đang chờ kết quả rà soát thuế CBPG lần thứ 14 vào cuối tháng 4 này. Nguồn ảnh: Tin 247.com.
Xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc suy giảm
Theo số liệu thống kê Hải quan, trong tháng 3.2019, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 39,47 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tại thị trường Mỹ vốn được kỳ vọng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm nay, cũng sụt giảm 44,4% về giá trị trong tháng 3.2019. Tính chung 3 tháng đầu năm, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý I/2019.
Nguyên nhân sụt giảm ở thị trường Mỹ được cho là ảnh hưởng từ mức thuế chống bán phá giá. Năm ngoái, trong đợt xem xét mức thuế Chống bán phá gía POR13, ngoại trừ Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông là 19 xu Mỹ/kg thì các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế rất cao.
Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức từ 3,87 USD/kg trở lên. Đây là mức thuế được cho là cao nhất từ trước đến nay đối với cá tra. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác.
Trong tháng 4.2019 này, Bộ thương mại Mỹ (DOC) cũng sẽ công bố kết luận chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 -31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng. Kết quả này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm nay.
Tại Trung Quốc, ngành nuôi cá tra vẫn đang phát triển nhanh chóng và đã bắt đầu đáp ứng một phần nhu cầu cá tra nội địa mà trước đây nguồn cung này phần lớn nhập từ Việt Nam. Các báo cáo của ngành hiện cho thấy, có 20 nhà máy chế biến cá tra nuôi đang sản xuất tại Nam Trung Quốc với sản lượng khoảng 30.000 tấn.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đang siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông lâm thủy hải sản từ Việt Nam. Theo đó, hiện chỉ có 13 doanh thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vào vào đây. Những yếu tố này đang làm hạn chế sản phẩm cá tra Việt vào Trung Quốc.
Những thị trường tiềm năng trong năm nay
Tính đến hết tháng 3.2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ các thị trường EU, ASEAN, Mexico và một số thị trường đơn lẻ khác.
Tình hình xuất khẩu cá tra sang EU đã khả quan hơn trước rất nhiều. Cụ thể, EU đạt tổng giá trị xuất khẩu là 71,88 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 4 thị trường lớn nhất trong khối là Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ tăng trưởng mạnh nhất, ở mức từ 29,2% đến 86,9% so với 3 tháng đầu năm 2018. Thị trường EU đang được các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định.
Trong quý I/2019, xuất cá tra sang thị trường ASEAN tăng trưởng tốt, đặc biệt ở 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Philippines và Malaysia. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Malaysia tăng mạnh nhất với 70,9%.
Theo Vasep, thị trường Malaysia là “ngôi sao mới nổi” tại khu vực ASEAN. Tháng 3.2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Malaysia đạt 5,51 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 3.2019, xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 55,17 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 3 tháng đầu năm, thị trường Mexico cũng tăng trưởng khá nhanh với giá trị xuất khẩu đạt 34,15 triệu USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn