Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc ngày càng khó
Ảnh: thuongtruong.com.vn
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu trái cây lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả. Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả của Việt nam sang Trung Quốc đạt 1,278 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đến nay đã có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó trưởng phòng Phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thực sự thiếu bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch.
“Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch lại luôn đe doạ những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán”, bà Thúy quan ngại.
Vậy nên gần đây, nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu do phía Trung Quốc đề ra đã có phần khắt khe hơn. Nếu muốn giữ chân tại thị trường này, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.
Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng 5, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông; với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.
Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn với trái cây nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: Thesaigontimes.vn |
Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.
►Trái cây Việt rộng cửa đi Nhật
►Xuất khẩu rau quả hướng tới con số 10 tỷ USD
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: vừa qua, phía Trung Quốc phát hiện một số lô trái cây từ Việt Nam nhiễm dịch hại nhưng không truy xuất được nguồn gốc vì trên bao bì ghi nhãn không đầy đủ. "Ghi nhãn không phải là quy định khó nhưng vừa qua có một số doanh nghiệp không thực hiện nên phía Trung Quốc mới ra văn bản chấn chỉnh. Ngoài ghi nhãn, các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm soát ruồi đục quả và rệp sáp là 2 đối tượng dịch hại phải kiểm dịch thực vật chính trên trái cây xuất sang Trung Quốc" - ông Thiệt lưu ý.
Đặc biệt, từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, việc Trung Quốc tăng cường rào cản, siết nhập khẩu tiểu ngạch chính là lời cảnh báo cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Song, nhìn ở góc độ lạc quan thì điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.
Theo dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc sẽ nhập khẩu trái cây với giá trị vượt 10 tỷ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả của thị trường Trung Quốc đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tăng nhanh nhất là măng cụt (tăng 600%).
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nguyễn Hoàng
-
Trọng Hoàng