Hủy
Tài Chính

Dự báo bức tranh lãi suất năm 2024

Nhật Lệ Thứ Tư | 03/01/2024 10:35

Liệu rằng dư địa để duy trì lãi suất thấp ở Việt Nam sẽ thế nào khi nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao? Ảnh: TL.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
 

Liệu rằng dư địa để duy trì lãi suất thấp ở Việt Nam sẽ thế nào khi nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao? 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Nhất Việt, CPI ở mức bình quân quanh 3% đó là một điểm rất tích cực, cùng với đó  FED đã  không tăng lãi suất trong thời gian gần đây và bắt đầu có lộ trình giảm lãi suất, điều này giúp giảm áp lực về mặt chính sách tiền tệ lên Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều điều kiện và dư địa hơn trong việc là duy trì mặt bằng lãi suất như hiện tại. 

 

“Với góc nhìn và quan điểm của mình, tôi vẫn nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế cho đến ít nhất là giữa năm 2024”, ông Hoàng chia sẻ. 

Đồng thời, trên cơ sở với lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở một mức bình quân thấp và đang giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay thì, Chuyên gia của Chứng khoán Nhất Việt cũng kỳ vọng rằng mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể còn giảm thêm đâu đó quanh 1- 1,5% để tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và cho nền kinh tế.

Trên bình diện quốc tế, cuộc chiến chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi cho Ngân hàng Trung ương các nước nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng hoàn thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý. 

Số liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), trung bình giá dầu năm 2023 ở mức 82 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 101 USD của năm 2022. Đồng thời, các nút thắt của chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chất bán dẫn đã được tháo gỡ trong năm 2023, đây được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến giá cả hàng hóa leo thang trong giai đoạn 2021-2022. 

Vì vậy tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh 9,1% của năm 2022 xuống còn 3,1% trong tháng 11/2023 và đang có khả năng giảm hơn nữa khi chỉ số giá nhà vẫn đang trên đà giảm tốc. Tại khu vực đồng euro, lạm phát đã xuống mức dưới 3% từ tháng 10 và tại Anh, lạm phát đã rơi xuống mức 4,6% trong tháng 10, đây là mức thấp nhất trong hai năm gần đây. 

 

Lạm phát hạ nhiệt cho phép các Ngân hàng Trung ương chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và dần chuyển dịch từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Lãi suất sẽ hạ từ khi nào và mức giảm sẽ là bao nhiêu?

Trong kỳ họp ngày 13/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Trong lịch sử chu kỳ tăng lãi suất của FED, khoảng thời gian bình quân từ lần tăng cuối cùng đến lần giảm đầu tiên là 8 tháng. Vì vậy thị trường tài chính thậm chí đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3/2024 với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản trong năm 2024. 

“Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng vẫn còn khó đoán định, giá lương thực thực phẩm vẫn có xu hướng tăng trong năm 2024 do sản lượng thấp, do đó lạm phát của Mỹ vẫn đang cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của FED. Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu “zero-carbon” và đầu tư công nghệ mới vẫn đang tạo áp lực lên chi phí vốn. Do đó lãi suất sẽ khó hạ nhiệt nhanh trong năm 2024. Chúng tôi dự báo FED sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024”, MBS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Lãi suất dò đáy, tiền gửi lên đỉnh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới