Hủy
Tài Chính

VN-Index gãy mốc 1.200 điểm

Nhật Anh Thứ Tư | 17/04/2024 17:50

VN-Index gãy mốc 1.200 điểm. Ảnh: Fiintrade.

Trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã không giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm khi áp lực bán gia tăng.
 

Phiên giao dịch 17/4, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán cuối phiên. Nếu như ở phiên sáng, thị trường phục hồi nhẹ với nhiều cổ phiếu trụ dẫn dắt thì càng về cuối phiên chiều, áp lực bán càng tăng cao. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 20,6 điểm, lùi về mốc 1.193 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 19.100 tỉ đồng với độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, 348 mã giảm và 137 mã tăng. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng “ngập sắc đỏ” khi có 26 mã “đỏ lửa” với mức giảm gần 22 điểm. 

Xét về các nhóm ngành, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, 17/18 nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, ngân hàng, bất động sản, hóa chất là 3 nhóm ghi nhận mức giảm mạnh và tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Trong khi thực phẩm và đồ uống là nhóm duy nhất giữ được sắc xanh nhẹ. 

17/18 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VDSC.
17/18 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VDSC.

Có thể nói, việc VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm đã để lại nhiều tiếc nuối với nhà đầu tư. Với những nhà đầu tư kỳ cựu, ngưỡng 1.200 điểm mang rất nhiều “suy tư”. Từ những năm 2007 khi lần đầu vượt ngưỡng 1.200, VN-Index đã nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” khi ở mốc 1.200 điểm. Dẫu vậy, khi những kỷ lục mới được thiết lập ở giai đoạn 2021-2022, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng 1.200 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường. 

Khép lại phiên 17/4, VN-Index đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm rất mạnh với tổng số hơn 80 điểm. Và từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 91 điểm, tương đương mức giảm hơn 7%. Ước tính, giá trị vốn hóa của sàn HOSE đã “bốc hơi” gần 370.000 tỉ đồng kể từ đầu tháng 4 đến nay. 

 

Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về triển vọng nâng hạng thị trường. Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính, Bộ Tài chính đánh giá thị trường chứng khoán đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.

"Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là bước tiến quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế." ông Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: UBCKNN.
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: UBCKNN.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là thị trường cận biên. Từ tháng 9/2018, Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế cho thị trường Việt Nam giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới ước tính nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được 25 tỉ USD vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm 

Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị nên dừng bán ở giai đoạn này


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới