Hủy
Bất động sản

Bất động sản công nghiệp thế hệ thứ 3

Khánh Nam Chủ Nhật | 22/09/2024 07:30

Mặt khác, các nhà đầu tư gần đây đang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản công nghiệp xanh. Ảnh: T.L

 
 
Bình Dương thúc đẩy cuộc đua phát triển khu công nghiệp thế hệ mới gắn với mục tiêu Net Zero.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, đồng thời dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại. 

Khu công nghiệp xanh gia tăng 

Đáng chú ý, Quy hoạch xác định ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng 64% cơ cấu kinh tế của địa phương. Theo số liệu thống kê, tính đến nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp đi vào hoạt động, chiếm 9,4% trong tổng số 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của cả nước. Đồng thời, tính đến hết tháng 7/2024, địa phương đã thu hút 40,9 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài với 4.342 dự án FDI.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều hạn chế của địa phương cũng dần lộ ra như thiếu quỹ đất sạch, giá cho thuê tăng cao..., khiến một số nhà đầu tư tính toán chuyển dịch cơ hội sang những vùng đất mới. Báo cáo số liệu từ Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thấy, từ đầu năm các khu công nghiệp đã cho thuê 79,22 ha đất. Như vậy, lũy kế đến hết tháng 7/2024 các khu công nghiệp trên địa bàn đã cho thuê 7.067,49 ha đất, tỉ lệ lấp đầy đạt 93,7%.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, CEO Cổng Thông tin khu công nghiệp Việt Nam, quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp ở Bình Dương hiện không còn lớn. Khi tỉ lệ lấp đầy cao, việc chuyển hướng của FDI sang những địa phương khác là điều tất yếu, như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm dần. Ngoài ra, giá cho thuê hiện cũng khá cao so với những vùng lân cận khiến nhà đầu tư e ngại.

 

Để giải bài toán hạn hẹp quỹ đất, Bình Dương định hướng nâng cấp các khu, cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng tối ưu hóa sử dụng đất, xử lý triệt để các vấn đề môi trường, chuyển đổi sang mô hình phát triển công nghiệp xanh, thông minh, giá trị gia tăng cao.

Một số ý kiến cho rằng khu công nghiệp thế hệ thứ 3 sẽ giải quyết một cách đồng bộ 3 hoạt động cơ bản của con người là “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí”. Đây là một khu vực phát triển đa chức năng trên nền tảng của sản xuất và dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, trung tâm công nghệ và các chức năng hỗ trợ, dịch vụ tiện ích xã hội đồng bộ khác phục vụ cho sự phát triển trên (như nhà ở, các công trình công cộng, trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động…). 

Cũng là một “cộng đồng” liên kết cùng tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng tới sự cộng sinh công nghiệp cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến thích hợp trong các hoạt động quản lý, hợp tác, sản xuất, sinh hoạt… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể và đảm bảo sự phát triển bền vững chung của cả khu công nghiệp.

Mới đây, tỉnh dự kiến đầu tư 2 khu công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha. Trong đó, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800 ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí ô tô, tạo tiền đề phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng công nghệ cao, tự động hóa, ít thâm dụng lao động. 

Đón đại bàng xanh 

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng dù thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam, trong đó có Bình Dương khan hiếm nguồn cung quỹ đất, song vẫn khởi sắc ở phân khúc nhà xưởng xây sẵn và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp vì môi trường vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới.

 

Trong đó, nổi bật là nhà máy Lego, là một trong những dự án FDI lớn nhất (vốn đầu tư 1,4 tỉ USD) tại Bình Dương. Đại diện của tập đoàn đến từ Đan Mạch cho hay, đây là nhà máy lớn nhất trong 6 nhà máy trên toàn thế giới của Lego và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032 (so với năm 2019).

Mô hình của Lego cũng đang cho thấy hướng đi mới và nhiều lợi thế của các khu công nghiệp Net Zero - kết hợp năng lượng tái tạo, di chuyển sạch và các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ công nghiệp hóa xanh trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam cam kết cao cho mục tiêu Net Zero và hiện nay nhiều doanh nghiệp bao gồm các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, FPT, Masan… đã có lộ trình cụ thể hướng tới mục tiêu vì cộng đồng phát triển bền vững... 

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Điều hành World Trade Center Bình Dương New City (WTC Bình Dương), cho biết để giải quyết vấn đề thu hút đầu tư, đơn vị đang thực hiện nhiều dự án chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, thông minh. 

Trong khi đó, ông Trần Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Đức, mong muốn nhà máy tại Nam Tân Uyên sẽ đạt chứng nhận trung hòa carbon vào năm 2025. Tập đoàn hoạt động trong ngành gỗ dự kiến sẽ vận hành gần 250.000 m2 nhà xưởng tại 3 nhà máy vừa mới bắt tay vào công đoạn đầu tiên của hành trình trung hòa carbon vào cuối tháng 7, đó là kiểm đếm phát thải khí nhà kính...

Mặt khác, các nhà đầu tư gần đây đang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản công nghiệp xanh. Khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, bên cạnh các ưu tiên như vị trí, nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác, xu hướng khu công nghiệp xanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp FDI ưu tiên khi lựa chọn địa điểm đầu tư. 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 15,2 tỉ USD, trong đó, dự án đầu tư theo các tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước động lực lớn này, Chính phủ cũng như các địa phương nên xem xét áp dụng các chính sách linh hoạt và thân thiện hơn với nhà đầu tư để khuyến khích xây dựng công trình xanh. Điều này giúp Việt Nam có thể đẩy nhanh đáng kể tiến độ đạt được những mục tiêu bền vững thông qua các nguồn vốn FDI xanh. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đẩy mạnh tự động hóa hướng tới sản xuất thông minh và phát triển mô hình ESG, tỉnh Bình Dương cũng đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách đa dạng tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, đào tạo nhân lực, kết nối giao thương.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới