Hủy
Bất động sản

Gắn sao cho các ông chủ Việt

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 23/04/2019 10:00

Ảnh: elle.vn

Các thương hiệu quản lý khách sạn nước ngoài đổ bộ vào thị trường du lịch Việt Nam.
 

Thêm một thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế đổ bộ vào Việt Nam. Mới đây, khách sạn Wink Hotels tại số 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM được 2 chủ đầu tư Indochina Capital và Kajima Corporation (Nhật) tổ chức khởi công. Trong thời gian tới, liên doanh chủ đầu tư này sẽ tiếp tục triển khai thêm một dự án Wink Hotels ở thành phố biển Đà Nẵng.

Thị trường du lịch Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Ngành du lịch đã đưa ra con số 103 triệu lượt khách năm 2019, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỉ USD vào cuối thập niên này. Thị trường đang ngày càng thu hút nhiều thương hiệu quản lý khách sạn, du lịch nước ngoài.

Theo các chuyên gia, sự hiện diện ngày càng nhiều thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới như Marriott, Hilton, InterContinental, Wyndham, AccorHotels, Park Hyatt, Best Western International, Mandarin Oriental... mang lại cho Việt Nam nhiều tác động tích cực.

Những tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Sun Group hay Bitexco đều có các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, sang trọng. Các dự án này đều sẵn sàng chấp nhận trả chi phí cao để mời các tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng quốc tế đứng ra quản lý và vận hành như AccorHotels, IHG hoặc Starwood...

Gan sao cho cac ong chu Viet
 

Sức hút của các thương hiệu lớn này là năng lực thu hút khách du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy nền công nghiệp không khói tại Việt Nam lên một tầm cao mới, có thể cạnh tranh với các địa điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Việc tham gia của các thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng sẽ giúp cho các tiêu chuẩn về quản lý khách sạn tại Việt Nam được phát triển, tiệm cận với sự phát triển của các nước. Chẳng hạn, AccorHotels là một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới và hiện quản lý 3.800 khách sạn tại 92 quốc gia, với các thương hiệu như Sofitel, Pullman, Novotel, MGallery.Wyndham Hotel Group là đơn vị đang sở hữu gần 8.000 khách sạn tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thương hiệu như Dolce Hotels and Resorts, Baymont Inn & Suites, Wyndham Legend...

Các hoạt động đa dạng trong mô hình kinh doanh du lịch, từ tiến hành các chiến dịch truyền thông, kênh quảng cáo, đến cung cấp các dịch vụ từ bên thứ 3 như đặt phòng, tổ chức hội thảo, huấn luyện nhân sự cũng là những lợi thế mà chỉ những nhà quản lý, vận hành khách sạn chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm mới có. Thậm chí, thuê các tập đoàn quản lý đã có thương hiệu quốc tế, thì phí truyền thông, marketing trên toàn thế giới rất thấp, mà lượng khách, đặc biệt khách của các dịch vụ 5 sao, vẫn cao hơn nhiều.

“Ngoài ra, việc tham gia của nhà quản lý ngay từ giai đoạn bắt đầu phát triển dự án, bao gồm cả việc đề xuất cho chủ đầu tư mô hình kinh doanh, loại hình và xu hướng trong lĩnh vực khách sạn, các tiêu chuẩn có thể áp dụng, những vật liệu sẽ được sử dụng, thậm chí việc thiết kế, bố trí để tạo các điểm nhấn... cũng giúp cho việc khai thác khách sạn được hiệu quả”, Luật sư Lê Thế Hùng, kiêm Giám đốc Điều hành của Công ty luật CNC Counsel, chia sẻ với NCĐT.

Gan sao cho cac ong chu Viet
 

Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng. Đơn cử một resort ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) từng ký hợp đồng quản lý với một thương hiệu quản lý quốc tế. Tuy vậy, mối quan hệ này chỉ duy trì chưa tới 4 tháng, hợp tác chấm dứt khi hai bên không giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh khi chính thức bước vào hoạt động. Cũng có một số chủ đầu tư thuê đơn vị quản lý chuyên nghiệp về vận hành trong 2-3 năm rồi học cách làm và lấy luôn người của đơn vị quản lý đó để tự vận hành. Dù vậy, do hạn chế về năng lực, kết quả kinh doanh sau đó của dự án không mấy tiến triển.

Gan sao cho cac ong chu Viet
 

Thực tế cho thấy, mâu thuẫn nảy sinh trong hợp tác giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý thông thường xoay quanh những lý do cơ bản. Thứ nhất, do chế định về hợp đồng quản lý khách sạn nói riêng, mảng khai thác và quản lý tài sản nói chung còn rất mới mẻ có thể dẫn đến việc chủ đầu tư chưa trang bị đủ nền tảng, kiến thức, tiềm lực để vận dụng và triển khai trên thị trường Việt Nam. Khi thiếu sự tương đồng về quan điểm của đơn vị vận hành khách sạn với thực tiễn đó, nhất định cần tới sự kiên nhẫn, thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên. Thứ 2, hành lang pháp lý của Việt Nam về dịch vụ vận hành và quản lý khách sạn còn tương đối hạn chế. Nhiều vấn đề liên quan, chẳng hạn như quyền đại diện của quản lý khách sạn, các công việc và trách nhiệm mà quản lý khách sạn phải thực hiện để có được và duy trì các giấy phép, năng lực và kinh nghiệm của đơn vị quản lý khách sạn, các nguyên lý và hệ thống kế toán được áp dụng trong vận hành khách sạn... còn bị bỏ ngỏ. Do vậy, dễ dẫn tới việc tranh chấp giữa các bên.

Ngoài ra, việc tìm hiểu kinh nghiệm, năng lực thật sự của các đơn vị quản lý và vận hành khách sạn đóng vai trò quan trọng. “Đối với ngành giải trí, dịch vụ và du lịch thì việc tìm kiếm được đơn vị quản lý phù hợp với khách sạn của mình sẽ khó hơn là tìm được đơn vị quản lý và vận hành nổi tiếng. Chỉ có như vậy, việc đàm phán giữa chủ đầu tư và các đơn vị quản lý khách sạn mới có thể đạt được”, Luật sư Lê Thế Hùng chia sẻ với NCĐT.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới