Hủy
Bất động sản

Sẽ xây dựng nhiều đường cao tốc 2 làn xe do chưa đủ vốn

Thứ Hai | 02/06/2014 10:00

 
 
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ xây dựng nhiều tuyến cao tốc 2 làn xe do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

Mới đây, Bộ GTVT đã lên kế hoạch xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa nối các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 30.000 tỉ đồng nên Bộ GTVT sẽ phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn đầu chỉ xây dựng hai làn xe để giảm tổng mức đầu tư.

Một dự án khác tại khu vực phía Bắc là đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn (đoạn nối dài của đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) cũng được lên kế hoạch xây dựng với 2 làn xe. Với tổng mức đầu tư 3.150 tỉ đồng, đường cao tốc 2 làn xe Thái Nguyên - Bắc Kạn được coi là công trình vừa sức với các nhà đầu tư trong nước.

Còn tại khu vực phía Nam, dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) cũng được Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, trước mắt chỉ xây dựng 2 làn xe, đạt tốc độ 60 đến 80km/giờ. Theo quy hoạch đã được lập, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200 km, nếu xây dựng 4 làn xe thì tổng mức đầu tư sẽ lên tới 65.350 tỉ đồng.

Một dự án khác cũng có tổng mức đầu tư rất lớn là đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết, do tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của đường cao tốc này lên đến gần 25.000 tỉ đồng nên rất khó thu xếp vốn.

Do vậy, Tổng công ty Cửu Long đã đề xuất phân kỳ đầu tư đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1A đầu tư 2 làn xe, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp với chiều rộng hạn chế 2,5 mét/làn với hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Còn giai đoạn 1B sẽ đầu tư mở rộng lên 6 làn xe. Hình thức đầu tư được đề xuất là vốn vay ODA.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát để phân kỳ đầu tư lại nhiều tuyến cao tốc trong số 25 dự án hạ tầng giao thông mời gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 theo hướng giảm quy mô để rút ngắn thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn, chi phí xây dựng các tuyến cao tốc lại rất lớn, việc giảm quy mô xây dựng đường cao tốc từ 6 hoặc 4 làn xe xuống 2 làn xe được coi là giải pháp phù hợp để thu hút các nhà đầu tư do nguồn vốn phù hợp và thời gian hoàn vốn ngắn.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới