Hủy
Bất động sản

Thị trường bất động sản: Sáng tối đan xen

Nhật Anh Thứ Ba | 18/07/2023 16:03

Nguồn cung căn hộ tại hai thị trường Hà Nội và TP. HCM có diễn biến trái chiều. Ảnh: KD.

Nhiều yếu tố tích cực và rủi ro đang đan xen, tác động đến thị trường bất động sản.
 

Đối với phân khúc căn hộ, số liệu từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, nguồn cung căn hộ tại 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM có diễn biến trái chiều. Nguồn cung căn hộ trong quý I/2023 tại TP.HCM có sự cải thiện với 2.900 căn mở bán, gấp 2 lần cùng kỳ và gấp 1,2 lần so với quý trước đó (trong đó dự án Vinhomes Grand Park đóng góp 50%). Tuy nhiên, số lượng dự án mới vẫn rất hạn chế với chỉ 3 dự án được mở bán. Tỉ lệ hấp thụ trong quý đạt 28% do ảnh hưởng của Tết và tâm lý thận trọng của người mua nhà. 

 

Trong khi đó tại thị trường Hà Nội, số lượng căn mở bán đạt khoảng 2.000 căn (giảm 43% so với quý trước, giảm 44% so với cùng kỳ), thấp nhất kể từ quý I/2020. 

Giá bán sơ cấp tại cả 2 thị trường đều tăng, cụ thể thị trường TP.HCM giá bán tăng 2% so với quý trước và 10% so với cùng kỳ. Trong khi giá bán tại thị trường Hà Nội tăng 3% so với quý trước và 20% so với cùng kỳ năm 2022. 

Điểm đáng chú ý là giá bán thứ cấp tại một số dự án vùng ven ghi nhận mức giảm 3-8% khi người mua nhà hết được hưởng ân hạn lãi suất. KBSV cho biết họ quan sát thấy, để kích cầu, nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng mới như giảm số tiền đặt cọc ban đầu khi ký hợp đồng mua bán, giãn tiến độ nộp tiền hay đưa ra những gói vay mua nhà với lãi suất thấp. 

Trong khi đó, phân khúc nhà phố/biệt thự tiếp tục trầm lắng. Dữ liệu từ KBSV, thị trường TP.HCM lần đầu tiên trong vòng 10 năm ghi nhận không có dự án mới nào được mở bán. Trong quý ghi nhận 45 căn bán được chủ yếu đến từ dự án Classia của Khang Điền. Tại thị trường Hà Nội, có 1.250 căn mở bán, bằng 20% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ dự án Ocean Park 2 và 3 của Vinhomes. Giá bán sơ cấp trung bình tại cả 2 thị trường đều không có sự thay đổi đáng kể, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục giảm 3% so với quý trước. 

 

Theo KBSV, thị trường bất động sản tiếp tục phải đối diện với những khó khăn liên quan đến (1) Lãi suất cho vay mua nhà mặc dù giảm nhưng nhìn chung tiếp tục duy trì ở mức cao; (2) Các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, khi tín dụng vào lĩnh vực bất động sản bị các ngân hàng hạn chế và hoạt động phát hành trái phiếu bị giám sát chặt chẽ; (3) Các điểm nghẽn về mặt pháp lý ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp và (4) Rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, khi trong quý III/2023 sẽ có gần 55.000 tỉ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đến hạn.

Ở góc nhìn tích cực, KBSV cũng đưa ra những thông tin tích cực trong ngắn hạn tác động đến ngành bất động sản (1) Nghị định 08 và Nghị quyết 33 đã cho thấy động thái của Chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản; (2) Triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và (3) Đẩy mạnh đầu tư công với một số dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các trục giao thông nối trung tâm Hà Nội và TP.HCM với các khu vực, tỉnh thành lân cận thúc đẩy giá nhà đất qua đó kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản.

Có thể bạn quan tâm 

Nhiều yếu tố đang là trợ lực của ngành bất động sản khu công nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới