Hủy
Chuyên đề

Biến số Trump 2.0

Vũ Hoài - Quảng Định Thứ Hai | 02/12/2024 10:00

Chính sách của Trump tạo cơ hội thu hút làn sóng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng cùng lúc, hàng rào thuế quan ngày càng siết chặt lại tạo ra rủi ro lớn không kém. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Chính sách kinh tế, thương mại của Tổng thống Donald Trump luôn có 2 mặt cho kinh tế Việt Nam.

“Nếu không tách bạch nguồn gốc sản xuất giữa doanh nghiệp nội và công ty Trung Quốc, toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng” là chia sẻ của ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), 1 trong 5 hiệp hội gỗ hàng đầu Việt Nam. Nguyên nhân đại diện HAWA nêu ra là mức thuế cao sẽ được áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc khi ông Donald Trump lần thứ 2 trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025. Lúc này, ngành gỗ Việt sẽ bị tác động liên đới.

“Cú đấm mạnh” vào Trung Quốc và mối lo của xuất khẩu 

Ông Donald Trump tự gọi mình là “Người đàn ông thuế quan”, vì thuế thương mại là trọng tâm trong nền tảng kinh tế của ông. Năm 2018 ông Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc - áp thuế đối với hàng trăm tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc. Ông đã thề sẽ tăng gấp đôi thuế quan trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình. 

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Dẫu vậy, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu các nước lên 10-20% (bao gồm cả Việt Nam) sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt so với nội địa Mỹ...

Trong thương chiến Mỹ - Trung, hàng hóa Việt Nam cũng không tránh khỏi bị soi nguồn gốc khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giai đoạn 2019-2023, thiết bị điện tử, dệt may, gỗ, thép, chất dẻo và thủy sản là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. 

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, nhưng có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc (sau đó được lắp ráp, gia công tại Việt Nam). Những sản phẩm này bị xác định thuộc phạm vi lệnh áp thuế hiện hành của Washington với Trung Quốc. Hiện Mỹ áp thuế tủ gỗ xuất xứ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%; mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Việt Nam có thể trở thành nơi một số công ty FDI dán nhãn “Made in Vietnam” lên hàng hóa Trung Quốc để tránh mức thuế cao của Mỹ. Do đó, trong thời gian tới, với sự trở lại của chính quyền Donald Trump, DOC có thể điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. 

Mối lo ngại của Phó Chủ tịch HAWA không phải là không có cơ sở khi số lượng doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện ở thị trường gỗ Việt Nam là không nhỏ. Một báo cáo chỉ ra năm 2023 có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư các dự án mới vào ngành gỗ tại Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu với 28 dự án với số vốn đầu tư 106,63 triệu USD, chiếm 49,1% số dự án và chiếm 35,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ.

Nếu như kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng năm 2024 của Việt Nam sang thị trường Mỹ là 5,9 tỉ USD, thì con số này của dệt may là hơn 12 tỉ USD. Do đó, dệt may cũng sẽ bị soi dưới thời Tổng thống Donald Trump, khi đây là ngành đóng góp không nhỏ vào thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Chia sẻ với NCĐT, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho hay, Đạo luật Chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) được chính quyền Mỹ áp dụng từ tháng 6/2022 đã có tác động tới ngành dệt may trong nước. Cụ thể, Mỹ dùng UFLPA nhằm đẩy mạnh ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa được khai thác, sản xuất tại Khu tự trị Tân Cương, trong đó có bông nguyên liệu. Do vậy, thị trường Trung Quốc chủ động lấy bông Tân Cương để sản xuất sợi phục vụ nội địa, dẫn đến giảm lượng nhập khẩu sợi từ Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu các loại sợi vào Trung Quốc với giá trị khoảng 4,8 tỉ USD, nhưng 10 tháng năm 2024 chỉ còn khoảng 900 triệu USD.

“Không dừng lại ở đó. Năm 2023, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bị giữ 27 triệu USD tiền hàng tại các cảng của Mỹ. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không biết vải nhập từ Trung Quốc được sản xuất từ bông Tân Cương”, ông Giang nói.

Không chỉ gỗ và dệt may, trong những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5-2,1 tỉ USD mỗi năm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nguy cơ bị áp thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được sản xuất tại nước thứ 3 cũng là điều đáng lo ngại với nhiều ngành nghề xuất khẩu. Ví dụ điển hình là việc Mỹ từng áp thuế hơn 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam, với cáo buộc hàng hóa tạm nhập tái xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một động thái làm căng thẳng quan hệ giữa 2 đối tác thương mại.

Cơ hội trong làn sóng sắp xếp lại chuỗi cung ứng 

Các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays đã viết trong một lưu ý ngày thứ Sáu rằng: “Chính sách thương mại là vấn đề mà ông Trump có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến châu Á mới nổi trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông với tư cách là Tổng thống Mỹ”. Mặc dù thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm sau khi áp dụng thuế quan trong chính quyền Trump đầu tiên, nhưng khối lượng thương mại lại được chuyển hướng sang các nền kinh tế thứ 3 như Việt Nam, Mexico, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng nếu nhìn vào chuỗi cung ứng, thực tế là hầu hết các thành phần vẫn đến từ Trung Quốc. Vì vậy, thời kỳ Trump 2.0 sẽ siết chặt dòng chảy thương mại có nguồn gốc Trung Quốc.

Việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu không dễ đối với các doanh nghiệp, trong khi nhà chức trách Mỹ không chỉ kiểm định sản phẩm may hoặc đánh giá nhà máy, mà còn truy xuất nguồn gốc bông nguyên liệu được trồng ở đâu, người sản xuất bông được đối xử như thế nào. Đáng chú ý, 9 tháng năm 2024, Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày Việt Nam, với 11,44 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 53%. “Các công ty không vi phạm UFLPA vẫn xuất khẩu sang thị trường Mỹ bình thường. Mỹ dựng hàng rào thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc cũng là cơ hội xuất khẩu của công ty nội địa, bởi sẽ có sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam”, Chủ tịch VITAS cho biết. 

Thực tế, ngành dệt may của Việt Nam cũng được đánh giá sẽ nhận tác động tích cực nhiều hơn dưới thời ông Trump, bởi công nghiệp dệt may thâm dụng lao động lớn, khó có thể bị thay thế bởi nội địa Mỹ. 

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự thay thế thương mại nếu Mỹ tăng cường chuyển dịch xa khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mở ra cơ hội cho việc tăng cường thương mại với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà kinh tế dự báo rằng việc tái phân bổ thương mại này có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,5% khi chuỗi cung ứng được điều chỉnh và Mỹ tăng nhập khẩu từ Việt Nam. 

Theo Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, giữa dòng chảy thương mại toàn cầu không ngừng biến động, việc củng cố lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ thông qua đổi mới sáng tạo và thiết lập các mối quan hệ đối tác bền chặt là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam.Mặc dù vấn đề thuế quan đặt ra nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để thúc đẩy làn sóng đổi mới và nâng cao chất lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Sự chuyển mình này có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Mỹ trong tương lai.

Có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều lĩnh vực đã sớm nắm bắt xu thế này, khi các nhà sản xuất lớn ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm hệ thống kiểm soát chất lượng bằng trí tuệ nhân tạo (A.I) và dây chuyền sản xuất tự động. Những khoản đầu tư này không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua tiết kiệm chi phí vận hành.

Trong khi đó, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, cho rằng những lo ngại về thuế quan có thể đang bị khuếch đại. Rõ ràng, ông Trump đã tập hợp một đội ngũ cố vấn kinh tế rất am hiểu và họ hoàn toàn hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Những hậu quả tiêu cực này bao gồm việc cản trở quá trình đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, vì thuế cao sẽ đẩy giá trị đồng USD lên.

Vì thế, VinaCapital tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền Trump. Chính sách “Ngoại giao cây tre” khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi. Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

“Nếu Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI. Do đó, những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỉ USD vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới”, ông Michael Kokalari nhận định. 

Xoay trục tăng trưởng 

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển và trở nên gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến vào lĩnh vực điện tử giá trị cao hơn và chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007. Trong đó, 70% xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam từ lâu đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ vào những lợi thế như chi phí lao động thấp, nhân công dồi dào và vị trí địa lý thuận lợi. Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam. Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế.

Việt Nam từ lâu đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ vào những lợi thế như chi phí lao động thấp, nhân công dồi dào và vị trí địa lý thuận lợi. Ảnh: shutterstock.com.
Việt Nam từ lâu đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ vào những lợi thế như chi phí lao động thấp, nhân công dồi dào và vị trí địa lý thuận lợi. Ảnh: shutterstock.com.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp trong chuỗi cung ứng là một vấn đề đáng lo ngại, vì công đoạn này tạo ra giá trị gia tăng thấp, thiếu tính cạnh tranh. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm nhóm bộ môn kinh tế và tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết nghịch lý là tỉ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Việt đã tăng mạnh những năm qua, từ 3 tỉ USD (21,44% tổng kim ngạch xuất khẩu) năm 2000 lên 171,5 tỉ USD (48,01%) năm 2022. Trong khi đó, tỉ lệ này chỉ là 13,51% cho Trung Quốc, 28,96% cho Thái Lan, 34,25% cho Singapore và 26,38% cho Malaysia. Đặc biệt là những nước này đều ghi nhận sự sụt giảm tỉ lệ qua các năm, trái với xu hướng của Việt Nam.

“Điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Nếu doanh nghiệp không thể tự “nâng cấp” vị thế, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp họ tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý và chất lượng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn và nhà đầu tư. Giải pháp tiếp theo là đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp”, bà Phạm Thị Thu Trà chia sẻ. 

Đồng quan điểm, ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cũng cho rằng đối với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa. Xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng vẫn mạnh, song Việt Nam vẫn tụt hậu trong phân khúc mạch tích hợp toàn cầu và không có đủ kỹ thuật viên lành nghề trong nước để thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao (mặc dù gần đây Chính phủ đã vạch ra lộ trình dành riêng cho ngành bán dẫn cho đến năm 2050).  

“Thông điệp rất rõ ràng và cơ hội càng rõ ràng hơn. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực”, ông Joon Suk Park nhìn nhận. 

Không chỉ “chuyển mình” để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có kế hoạch ứng phó với các biến số tác động lớn đến hoạt động kinh doanh như lãi suất và tỉ giá. 

Sự kiện FPT Techday 2024 tại TP.HCM. Ảnh: TL.
Sự kiện FPT Techday 2024 tại TP.HCM. Ảnh: TL.

Đặc biệt, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác, trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giúp kích thích nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi rủi ro lạm phát ở Mỹ gia tăng, kéo theo lộ trình hạ lãi suất của FED thay đổi thì khó tránh khỏi những thách thức từ “bộ 3 bất khả thi” trong kinh tế vĩ mô, gồm tỉ giá, chính sách tiền tệ và dòng vốn.

Nhìn trong bức tranh tổng quát của nền kinh tế, nếu xuất khẩu gặp lực cản trong năm 2025 thì nền kinh tế Việt Nam có thể cần “xoay trục tăng trưởng”. Theo chuyên gia của VinaCapital, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế Việt Nam (so với khoảng 25% cho sản xuất), nên tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ dễ dàng bù đắp cho sự tăng trưởng chậm hơn của hoạt động xuất khẩu/sản xuất vào năm tới. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ tăng cường đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và kỳ vọng rằng việc này cũng sẽ làm người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn để tăng chi tiêu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới