Hủy
Chuyên đề

Phép tính ngàn tỉ của Gỗ An Cường

Sơn Nguyễn Thứ Bảy | 02/07/2022 17:00

Công nhân trong dây chuyền sản xuất gỗ của An Cường. Ảnh: Lê Toàn

Các tập đoàn đa ngành hướng tới phép tính “cộng hưởng” (synergy) dù có nhiều rủi ro để tăng tốc cho các mục tiêu tăng trưởng.
 

Bất động sản tiếp tục là ván bài được các doanh nghiệp đặt cược. Gần đây, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (ACG) mua 12,9% cổ phần trong Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi và 30% cổ phần của Central Hill - thành viên nòng cốt của Thắng Lợi. Đây được xem là bước đi kép khi Gỗ An Cường có thể hưởng lợi nhuận từ khoản đầu tư vốn, vừa có thể cung cấp sản phẩm gỗ và nội thất cho các dự án bất động sản.

MỤC TIÊU KÉP

Thắng Lợi là chủ đầu tư đang lên với chiến lược tập trung phát triển các dự án thuộc phân khúc tầm trung và vừa túi tiền ở khu Tây Nam TP.HCM, Long An. Căn cứ vào quỹ đất sạch hiện có sẵn sàng để xây dựng, trong giai đoạn 2022-2025, Thắng Lợi lập kế hoạch tung ra thị trường gần 10.000 căn hộ tại Long An. Chủ đầu tư này gần đây cũng đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng hơn 20 ha tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và hơn 7 ha tại Tiền Giang. Trong 3 năm tới, Thắng Lợi sẽ niêm yết cổ phiếu trên thị trường, giúp khoản đầu tư vốn hiện tại của Gỗ An Cường có thể ghi được khoản lãi đáng kể.

Bên cạnh thương vụ bắt tay với Thắng Lợi, Gỗ An Cường còn đầu tư vào trái phiếu có đảm bảo thông qua việc ủy thác cho VinaCapital quản lý với tổng vốn hơn 156 tỉ đồng, mua bất động sản kèm quyền chọn mua nhà tại dự án NovaWorld Phan Thiet với giá trị hơn 285 tỉ đồng. Đẩy mạnh mảng đầu tư tài chính là mảnh ghép mới của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Đức Nghĩa nhằm cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời đa dạng hóa hoạt động. Lãnh đạo công ty này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài và động lực tăng trưởng mới. Gỗ An Cường sẽ tham gia mở rộng chuỗi giá trị ngành, mở rộng hệ sinh thái để chủ động trong cung ứng nguyên liệu, gia tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng...

 

Ra đời từ khi nền kinh tế bắt đầu giai đoạn mở cửa, hiện Gỗ An Cường là một trong những nhà cung cấp vật liệu nội thất và vật liệu trang trí hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là dòng sản phẩm gỗ công nghiệp MDF đang thống lĩnh thị trường với thị phần hơn 55% (theo số liệu của Công ty Chứng khoán VNDirect). Gỗ An Cường chuyên sản xuất các tấm gỗ trang trí bằng cách ứng dụng bề mặt trang trí trên tấm gỗ lõi. Công ty còn sản xuất các cấu kiện bằng gỗ để làm cửa, tủ, kệ, bàn và gạch lát nền. Các mảng gỗ và cung cấp nguyên vật liệu cho ngành nội thất chiếm đến 85% doanh thu.

Công ty cũng sản xuất đồ nội thất, thiết bị gia dụng và phần cứng gia dụng và hợp tác với Malloca để lắp ráp và phân phối thiết bị nhà bếp như bồn rửa, lò nướng, máy rửa bát, tủ lạnh. Gỗ An Cường gần đây còn nhận gia công các đơn hàng OEM cho những khách hàng quốc tế lớn như nhà bán lẻ Walmart, chuỗi nội thất The Home Depot, Tiger Industrial và Corsair. 

Trong nước, các đối thủ cạnh tranh chính của Gỗ An Cường là AICA, Casta và đặc biệt là VRG Dongwha - chủ sở hữu nhà máy MDF lớn thứ 2 tại Việt Nam. So với các công ty lớn trong ngành, Gỗ An Cường có ưu thế cạnh tranh khi cung cấp giải pháp trang trí bề mặt với nhiều loại bề mặt giả gỗ, đa dạng về màu sắc và mẫu mã, ứng dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau. 

Showroom của Gỗ An Cường
Showroom của Gỗ An Cường. Ảnh: Lê Toàn.

Độ nhận diện thương hiệu lớn và cơ sở khách hàng rộng với một số chủ đầu tư đã gắn bó lâu năm như Vinhomes, Novaland, Keppel Land, Nam Long, Hưng Thịnh là lợi thế khác của Gỗ An Cường. Biên lợi nhuận gộp của Công ty thường được duy trì ở mức cao so với bình quân ngành. Không chỉ duy trì vị thế đầu ngành, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, Gỗ An Cường được đánh giá sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu nội địa phục hồi và cơ hội tăng trưởng xuất khẩu khi Trung Quốc đang hứng chịu đại dịch COVID-19 và gián đoạn sản xuất tại châu Âu ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga - Ukraine.

Từ số vốn ban đầu chỉ 3 tỉ đồng, đến nay, vốn điều lệ của Gỗ An Cường đã lên tới 1.358 tỉ đồng. Trong đó, có sự tham gia rót vốn của nhà đầu tư lớn như liên doanh giữa VinaCapital - DEG (28 triệu USD), tập đoàn Nhật Sumitomo Forestry (58 triệu USD). Hiện tỉ lệ sở hữu lớn nhất thuộc về ông Lê Đức Nghĩa (50,2%).

Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Gỗ An Cường phát triển lành mạnh với tốc độ tăng trưởng kép 38%. Nhưng đại dịch 2 năm gần đây cản trở hoạt động xây dựng dân dụng và kinh doanh sản phẩm nội thất, chi phí sản xuất cũng tăng lên đáng kể. Kết quả là doanh thu của Công ty giảm lần lượt 15,4% và 12,3% trong 2 năm liên tiếp 2020-2021. Điều này có lẽ đang gây sức ép cho nỗ lực đưa Công ty quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thông thường, nhất là làm đẹp hồ sơ để chuyển niêm yết từ sàn UPCoM lên sàn HOSE.

 

Sự phục hồi phần nào của thị trường bất động sản hậu đại dịch đang hỗ trợ tốt cho các công ty kinh doanh nội thất. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần đạt 856 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỉ đồng, tăng 19%. Năm nay, Gỗ An Cường đặt mục tiêu doanh thu 4.242 tỉ đồng, lãi sau thuế 550 tỉ đồng, tương ứng tăng 29% và 22%. Động lực phục hồi cho Công ty đến từ kỳ vọng thị trường bất động sản ấm  hơn và chi tiêu cho nội thất của các hộ gia đình tăng trở lại.

Cạnh tranh trên ngành gỗ và nội thất đang khá sôi động. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, ngành gỗ và nội thất có 115 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất gỗ, trong đó có 53 doanh nghiệp FDI. Ngoài Gỗ An Cường đang thống lĩnh thị phần, ngành còn có các tên tuổi đáng chú ý khác như TTF, AA Corporation, The One, Minh Long, Mộc Phát, Thanh Thủy. VNDirect kỳ vọng các nhà sản xuất gỗ hàng đầu với tập khách hàng lớn như Gỗ An Cường và TTF sẽ tận dụng được lợi thế từ sự phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở.

GIẢI CƠN KHÁT TĂNG TRƯỞNG

Gỗ là vật liệu rất được ưa thích trong xây dựng và thiết kế nội thất của người Việt. Dù vậy, việc ưa chuộng nguyên liệu gỗ tự nhiên thường dẫn đến thực trạng phá rừng và tổn hại môi trường. Năm 1994, nhận thấy hạn chế của gỗ tự nhiên và tiềm năng của gỗ công nghiệp, với nền tảng tu nghiệp từ Đức, ông Lê Đức Nghĩa đã quyết định thành lập Gỗ An Cường với sứ mệnh phổ biến kiến thức và yêu thích sử dụng gỗ công nghiệp đến người tiêu dùng.

Sử dụng nguyên liệu tái chế không chỉ mang đến cơ hội sản xuất giá rẻ cho ngành nội thất Việt Nam, mà còn có thể bảo vệ rừng, tận dụng nguồn phế phẩm có sẵn. Điều này càng có ý nghĩa khi ngày càng nhiều quốc gia hạn chế khai thác rừng, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ đồ dùng gỗ. Nhờ tiến bộ công nghệ, chất lượng gỗ nhân tạo ngày càng cải thiện trong khi lại đa dạng hơn về màu sắc, sản phẩm. “Đây được xem là một hướng đi giúp doanh nghiệp Việt tránh được những quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc xuất xứ”, ông Nghĩa nói.

Dây chuyền sản xuất
Các mảng gỗ và cung cấp nguyên vật liệu cho ngành nội thất chiếm đến 85% doanh thu của An Cường. Ảnh: Lê Toàn

Trải qua gần 30 năm, Gỗ An Cường nay đã trở thành thương hiệu đầu ngành ở Đông Nam Á về vật liệu, giải pháp và nội thất, đi kèm với hệ thống showroom rộng khắp cả nước, hoạt động theo mô hình B2B và B2C. Trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của Gỗ An Cường hiện gần 10.000 tỉ đồng. Tài sản chủ chốt của Công ty là nhà máy rộng hơn 240.000 m2 trị giá hàng trăm triệu USD với tổng số nhân viên 2.800 người. Gỗ An Cường là nhà cung cấp vật liệu cho hơn 100 dự án tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Úc. Mỗi ngày, Công ty sản xuất hơn 1.000 cánh cửa gỗ công nghiệp và là một trong những nhà cung cấp cửa gỗ lớn nhất thị trường. Gần đây, Công ty còn đẩy mạnh nhượng quyền showroom theo mô hình One-stop Shopping Center tại các tỉnh, thành, giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu và cải thiện tỉ suất sinh lợi.

 

Năm 2021, mặc dù kết quả hoạt động của Gỗ An Cường có giảm nhưng vẫn khả quan hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Theo ông Lê Đức Nghĩa, 2022 sẽ là năm đặc biệt với sự chuyển mình mạnh mẽ cùng với việc hoàn thành đề án cải tiến toàn bộ quy trình hoạt động, tiến đến chuyển đổi số. Mục tiêu nhắm đến là 70% thị phần trung và cao cấp vào năm 2025, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường phát triển như Nhật, Mỹ, châu Âu. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh tài chính được xem là mảnh ghép mới nhận được kỳ vọng rất lớn. Lãnh đạo Gỗ An Cường cho biết tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận tài chính trong giai đoạn 2017-2021 khá cao: 51,6% và 58,9%. 

Đối với các doanh nghiệp đã đạt thị phần quá bán, để duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, họ thường phải tìm kiếm các hoạt động khác như M&A, nâng cấp sản phẩm dịch vụ hướng tới phân khúc cao cấp hơn hoặc mở rộng kênh đầu tư - kinh doanh sang những lĩnh vực tiềm năng mới. Gỗ An Cường cũng lựa chọn con đường này khi vừa tham gia các thương vụ M&A trên thị trường bất động sản nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị, vừa đẩy mạnh mảng đầu tư tài chính vào cổ phiếu, trái phiếu.

3 PHẦN CƠ HỘI, MẤY PHẦN RỦI RO?

Không chỉ có Gỗ An Cường, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng, gỗ, nội thất muốn kinh doanh thêm bất động sản thông qua đầu tư dự án hay mua cổ phần các công ty bất động sản để tìm kiếm siêu lợi nhuận. Điển hình như doanh nghiệp thép Hòa Phát dự kiến sẽ đẩy mạnh mảng đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp rộng khắp cả nước. Bất động sản được kỳ vọng sẽ trở thành ngành chủ lực thứ 2 đem về doanh thu và lợi nhuận cho Hòa Phát, đóng góp chỉ sau ngành thép.

Thương hiệu sản xuất bồn nước và máy nước nóng năng lượng mặt trời Tân Á Đại Thành cũng tham gia địa ốc với dự án đầu tay tại Phú Quốc. Nhà thầu Coteccons phối hợp cùng Kusto Group giới thiệu khu căn hộ cao cấp đầu tay Urban Green tại Thủ Đức. Thậm chí, một số doanh nghiệp có hoạt động cốt lõi không liên quan đến bất động sản, xây dựng hay vật liệu xây dựng cũng nhảy vào thị trường bất động sản. Thương hiệu có tiếng trong ngành dệt may là Thành Công (TCM) cho biết sẽ xúc tiến phát triển mảng kinh doanh bất động sản với các dự án căn hộ đầu tiên tại TP.HCM. Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tham gia bất động sản với khu đô thị sinh thái 2.800 tỉ đồng tại Đắk Lắk.

 

Một trong những lý lẽ chính để hình thành các tập đoàn đa ngành là khái niệm cộng hưởng (synergy) khi các công ty trong hệ sinh thái tập đoàn có thể tận dụng sản phẩm, dịch vụ sẵn có, khai thác tối đa nguyên vật liệu dư thừa và lợi nhuận cung ứng đầu vào. Đó còn là cơ hội tận dụng ưu thế về quy mô thị trường, tập khách hàng sẵn có.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers tại Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào bất động sản có thể là chiến lược đa ngành của họ sau khi có những phân tích về khả năng ngành kinh doanh chính sẽ bước vào giai đoạn bão hòa. Với nhu cầu ở thực cao và đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, bất động sản vẫn sẽ là lĩnh vực nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp có chiến lược phù hợp.

Nhà máy sản xuất của An Cường
Nhà máy sản xuất của An Cường.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể có lợi thế khi sản phẩm của họ cũng chính là nguồn nguyên liệu được sử dụng cho các dự án bất động sản. Họ sẽ mang được lợi thế sẵn có vào một lĩnh vực mới. “Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp lớn này đã tích lũy nguồn tài chính hùng mạnh và để tiếp tục phát triển, chia nhỏ rủi ro thì đầu tư vào bất động sản là bước đi có thể hiểu được trong giai đoạn hiện tại”, ông David Jackson nhận định.

Nhưng với các doanh nghiệp sản xuất, cuộc phiêu lưu vào mảng tài chính và đầu tư bất động sản luôn đi kèm với thách thức về kiểm soát rủi ro. Nếu quản trị tốt, các khoản đầu tư này có thể mang lại động lực tăng trưởng tích cực, cải thiện biên lợi nhuận gộp nhưng ngược lại, có thể sẽ gây áp lực đến bản thân doanh nghiệp do tính biến động quá lớn, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi chu kỳ kinh tế và nhiều ẩn số không chắc chắn khác. 

Thậm chí, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng tận dụng chuỗi giá trị của các thành viên trong cùng hệ sinh thái. Ví dụ, việc ưu tiên chỉ sử dụng các sản phẩm dịch vụ sẵn có từ một thành viên trong hệ sinh thái của mình có thể sẽ tước bỏ cơ hội sử dụng các sản phẩm cạnh tranh hơn, chất lượng hơn trên thị trường. “Không doanh nghiệp nào nên phụ thuộc vào một khách hàng hay một nhà cung cấp”, ông Hiếu Đỗ, Giám đốc Điều hành Bộ phận Bất động sản của VinaCapital, nhận định.

Theo ông Hiếu, thực tiễn kinh doanh cũng cho thấy có một số trường hợp hiệu quả như các tổ hợp Vinhomes, Vincom, Vinmec và Vinschool khi tích hợp trong mô hình phát triển đô thị của Vingroup là một hệ sinh thái khá thành công với tính synergy cao từ các mảng kinh doanh gần như không có quan hệ tiêu dùng nội bộ. Song khi tích hợp một công ty xây dựng với công ty phát triển bất động sản hay mô hình kết hợp làm F&B với ông chủ trung tâm thương mại, tòa nhà thường dẫn đến hệ quả tai hại. Nhìn chung, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một số ít mảng cốt lõi thường được định giá cao hơn so với mô hình đa ngành.

Bất động sản tuy tiềm năng nhưng thuộc diện rủi ro lớn. Xu hướng nhiều doanh nghiệp sản xuất đổ tiền vào kênh bất động sản hiện nay gợi nhớ về giai đoạn bong bóng 2008-2011. Vào thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp không chuyên nhảy vào bất động sản và gặp phải khủng hoảng lớn khi thị trường nhanh chóng thoái trào và đóng băng.

Tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỉ đồng. Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ tăng vọt. Lạm phát thực sự bùng nổ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt các chính sách tiền tệ ngay sau đó. Hệ quả là nguồn vốn kinh doanh suy giảm nhanh chóng, một số chủ đầu tư như Hoàng Anh Gia Lai buộc phải bán tháo dự án, đại hạ giá 50% căn hộ để giải cơn khát thiếu hụt tiền mặt, duy trì hoạt động.

Rủi ro có thể đến từ việc các doanh nghiệp này chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Việc phân tích những yếu tố liên quan như tình hình kinh tế vĩ mô, sức cầu, dòng tiền… chính xác đến đâu sẽ giúp các doanh nghiệp này tính toán thời điểm gia nhập thị trường một cách hợp lý nhất. Điều này đặc biệt quan trọng và trong quá khứ đã có một số doanh nghiệp phải chịu nhiều tổn thất do tính toán sai chu kỳ bất động sản. 

Theo ông David Jackson, các sai lầm về kiến trúc do không nắm bắt trúng thị hiếu, xu hướng hay tiếp thị không hiệu quả, xảy ra khủng hoảng truyền thông hoặc những rủi ro khách quan như đại dịch cũng có thể khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn, đứt gãy dòng tiền. “Những doanh nghiệp này vẫn nên ưu tiên cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và phân bổ vốn, nhân lực cho các dự án bất động sản một cách căn cơ nhất, tránh việc đầu tư ồ ạt ngay từ đầu. Họ cũng nên có chiến lược dài hơi, kỹ lưỡng để thu được thành quả bền vững từ lĩnh vực bất động sản. Với những doanh nghiệp mà sản phẩm lõi của họ không liên quan, không phải là nguyên liệu đầu vào cho các dự án bất động sản thì càng phải thận trọng hơn”, ông David Jackson chia sẻ.

 

Gỗ An Cường trong ngắn hạn đối mặt với những thách thức về pháp lý và định hướng siết lại tín dụng chảy vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước khiến thị trường xây dựng chưa ấm lên như kỳ vọng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt, do Gỗ An Cường có nhiều lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào thị trường bất động sản nên nếu thị trường này diễn biến kém tích cực thì có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trang trí nội thất. Những thay đổi về thuế quan và chính sách xuất xứ gỗ của các quốc gia cũng có thể làm giảm doanh thu xuất khẩu.

Thách thức cho Gỗ An Cường còn đến từ khó khăn của các thị trường xuất khẩu chính khi chính phủ các quốc gia đang có xu hướng tăng lãi suất để kìm hãm đà lạm phát. Giá nhiên liệu và phí vận chuyển container vẫn neo ở mức cao kỷ lục cũng là một rủi ro khác. Lũy kế cả quý I/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước chỉ đạt 3,94 tỉ USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỉ USD, giảm 0,5%.

Bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng đang đẩy cao chi phí đầu vào và chi phí vốn. Giá nguyên vật liệu nói chung và giá thép nói riêng tăng mạnh trong thời gian qua làm gia tăng đáng kể chi phí cho chủ đầu tư. Giá thép tháng 4/2022 đã tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với chi phí đội lên trung bình gần 7%. Đánh giá cơ bản của FiinGroup cho thấy giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết suy giảm do dịch bệnh, dẫn đến sức khỏe tín dụng giảm theo. 

“Trong khi các doanh nghiệp phi tài chính trên thị trường chứng khoán được dự báo vẫn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận khá tích cực thì triển vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản niêm yết được dự báo đi ngang trong năm 2022”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới