1.800 ngày của AirX Carbon

Ông Lê Thanh, 1 trong số 4 nhà đồng sáng lập AirX Carbon. Ảnh: TL.
5 năm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhựa sinh học âm carbon từ phụ phẩm nông nghiệp, giờ đây cánh cửa cơ hội đang dần mở ra với AirX Carbon.
Những tín hiệu lạc quan
Chưa đầy 2 tuần sau khi đạt giải Nhì trong cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam), cái tên AirX Carbon một lần nữa được nhắc đến khi là 1 trong 3 đội đạt giải chung cuộc cuộc thi Net Zero Challenge do Quỹ Touchstone Partners, Temasek (Singapore) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức.
Nhưng niềm vui thực sự của ông Dương Tiết Anh và ông Lê Thanh, 2 trong số 4 nhà đồng sáng lập AirX Carbon, đến từ việc nhiều doanh nghiệp giày dép có trụ sở ở Việt Nam và xuất khẩu đang tìm đến giải pháp green EVA làm từ bã mía của Công ty. Nguyên nhân là quy định mới đối với các mặt hàng giày da xuất khẩu vào châu Âu từ năm 2024-2026 phải có 20% nhựa gốc thực vật trong thành phẩm. Đây chính là cơ hội cho AirX Carbon nhờ vào lợi thế giá cạnh tranh.
Cụ thể, giá sản phẩm tương tự của Braskem (Brazil), công ty lâu năm trong lĩnh vực nguyên liệu mới, đang ở mức 5-6 USD/kg. AirX Carbon đang cung cấp giá green EVA thấp bằng 1/2 dù chất lượng là như nhau (đều đạt chuẩn nguyên vật liệu trong ngành giày da do Adidas quy định).
Không chỉ trong ngành da giày, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, bao bì cũng tìm đến AirX Carbon để tìm các nguyên liệu thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất trước sức ép xanh hóa của đối tác mua hàng ở các quốc gia tiên tiến. “Nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn. Mọi việc thay đổi rất nhanh vì chỉ mới vài năm trước, đây là vấn đề không ai muốn nghe”, ông Tiết Anh cho biết.
![]() |
Quay lại thời điểm năm 2019, ông Tiết Anh và các cộng sự thành lập AirX Carbon, công ty sản xuất nhựa sinh học âm carbon hay còn gọi là nhựa thực vật (nguyên liệu giúp giảm phát thải carbon) từ các phụ phẩm nông nghiệp như bã cà phê, tre, mía, trấu... Công ty sẽ thu mua hoặc hợp tác với các đơn vị có phụ phẩm nông nghiệp lớn cần xử lý để tạo ra nhựa sinh học âm carbon và bán chúng cho ai có nhu cầu. Vốn chủ yếu từ các thành viên sáng lập nên Công ty tối giản mô hình khi chỉ lo phần nghiên cứu phát triển các vật liệu mới, bỏ qua khâu đầu tư nhà xưởng để tối ưu chi phí. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm vật liệu mới để thay thế các vật liệu kém thân thiện, AirX Carbon đưa cho họ 2 lựa chọn là cung cấp gia công công thức (chiếm hơn 70% doanh thu) và cung cấp sản phẩm đầu cuối.
Có thể ví AirX Carbon như một phòng thí nghiệm, ông Tiết Anh nói, doanh nghiệp đưa yêu cầu về nguyên liệu, Công ty nghiên cứu công thức, thử nghiệm với quy mô nhỏ, quy trình này lặp đi lặp lại cho đến khi ra được công thức đáp ứng việc sản xuất hàng loạt. “Trung bình chúng tôi có 5-6 tháng để hoàn thành một yêu cầu như vậy. Lợi thế trong ngành này là càng ít bước từ thử nghiệm đến giai đoạn sản xuất hàng loạt thì càng tiết kiệm chi phí, từ đó tăng biên lợi nhuận”, ông Tiết Anh nói.
Lợi thế của doanh nghiệp Made in Vietnam
![]() |
Các công ty như AirX Carbon được xếp vào ngành công nghiệp nguyên liệu mới (new material). Lãi gộp trung bình của các công ty này rơi vào khoảng 20% doanh thu. Nhưng đối với các thị trường mới như Việt Nam, quy mô tiêu thụ vẫn chưa rõ ràng, theo ông Lê Thanh, đồng sáng lập của AirX Carbon, tỉ lệ này thấp hơn vì phải trợ giá để không quá chênh lệch với các nguyên liệu truyền thống.
Những công ty khởi nghiệp trong ngành nguyên liệu mới có phần phức tạp hơn khi vừa phải giữ mức giá không quá cao vừa đảm bảo dòng vốn để vận hành. Cách duy nhất để làm được việc này là quy mô cung cấp phải đủ lớn. Chính vì thế, AirX Carbon hướng mục tiêu phục vụ các doanh nghiệp ngay từ đầu và có nhu cầu mua vào tối thiểu 1.000 tấn nguyên liệu carbon âm tính trong quá trình thử nghiệm. Kinh nghiệm này đúc kết từ chính bài học khởi nghiệp mô hình sản xuất giày từ nguyên liệu tái chế và cung cấp cho khách hàng cuối của ông Lê Thanh. “Chúng tôi không thể tạo ra tác động nhiều khi Công ty đứng ở cuối chuỗi cung ứng”, ông Thanh nói.
Một thử thách khác với các công ty nguyên liệu mới như AirX Carbon là tuổi đời nhỏ nhưng phải bước vào đấu trường thế giới ngay trên sân nhà khi hầu như các công ty cung cấp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, châu Âu và Trung Quốc đều có mặt ở Việt Nam.
![]() |
AirX Carbon hướng mục tiêu phục vụ các doanh nghiệp ngay từ đầu và có nhu cầu mua vào tối thiểu 1.000 tấn nguyên liệu carbon âm tính trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: TL. |
Đồng quan điểm, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc Touchstone Partners, đơn vị có nhiều khoản đầu tư cho các startup trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cho biết hiện chưa có chính sách đặc thù, cơ chế luật hỗ trợ những startup trong lĩnh vực này. Sự phát triển của các startup hiện xuất phát từ nỗ lực của chính các nhà sáng lập.
“Startup, giải pháp về môi trường không chỉ là các sản phẩm phần mềm, mà còn bao gồm công nghệ phần cứng, deep tech (công nghệ sâu), khoa học vật liệu... Với tính chất đó, sản phẩm của họ cần thời gian nghiên cứu lâu hơn và cần sự hỗ trợ, những nguồn lực lớn hơn để đưa được ra thị trường”, bà Tú nói.
![]() |
Tại cuộc họp với các nhà đầu tư hồi đầu tháng 12 vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, cho biết do mới mẻ nên một số ngành nghề khởi nghiệp trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu chưa có quy định trong kinh doanh. Điều này gây khó khăn trong việc đăng ký cũng như tiếp cận các dòng vốn xanh vào những lĩnh vực này.
Ông Mãi cho biết TP.HCM cần một trung tâm tăng tốc và triển khai các chính sách thí điểm này cho startup xanh, vận hành như một sandbox. Theo khung Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, TP.HCM tập trung vào 4 trụ cột: nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch - tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh); nhóm ngành/lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh - đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh).
Quay trở lại với AirX Carbon, lợi thế lớn nhất của Công ty là giá thành cạnh tranh nhờ vào hơn 3 năm nghiên cứu, tối ưu quy trình sản xuất và sở hữu bản quyền các bằng sáng chế đó. Thứ đến, Công ty cũng đang tích cực hợp tác với các đơn vị có phụ phẩm nông nghiệp lớn để tìm đầu vào cho nguồn nguyên liệu.
Trước đó, AirX Carbon là đối tác độc quyền thu gom bã cà phê từ A1 Environment (Singapore). Gần đây nhất, tại cuộc thi Net Zero Challenge, Công ty đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Lộc Trời về xử lý rác thải nông nghiệp và phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường.
Theo ông Lê Thanh, Việt Nam hiện có 100 triệu tấn rác thải nông nghiệp hằng năm, hơn 70% đang được xử lý theo cách truyền thống nên nhu cầu tái chế là rất cao - một cơ hội cho Công ty trong việc tìm đầu vào nguyên liệu bền vững. Nếu xử lý tốt, tối ưu công thức, việc cạnh tranh trong giá bán và giá thu mua với các công ty nước ngoài là điều khả thi. “Khi làm startup trong lĩnh vực chống biến đổi môi trường, cung cấp quy mô lớn và bước ra khu vực với nguồn lực hạn chế là điều phải tính toán ngay từ đầu”, ông Thanh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Quỳnh Như
-
Nhà báo Hoàng Nhật