Hủy
Công Nghệ

5G đã sẵn sàng thương mại hóa

Bảo Trung Thứ Tư | 10/11/2021 08:00

Việc triển khai 5G sớm sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho Việt Nam. Ảnh: TL.

 
 
Các nhà mạng chỉ giải được bài toán kinh doanh khi tỉ lệ thâm nhập của người dùng 5G đủ cao.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới công nghệ nói chung và đặc biệt là 5G (thế hệ thứ 5 của mạng di động). Công nghệ kết nối lên ngôi đã giúp thế giới vượt qua được đại dịch và trở nên bền vững hơn. Mọi nơi đều áp dụng ngay các mô hình mới, học từ xa, làm việc từ xa, rồi cả các dịch vụ y tế, thương mại, logistics đều hoàn toàn online.

Đã sẵn sàng thương mại hóa

Thế giới trong 2 năm qua đã có 2 tỉ  học sinh học online và 75% doanh nghiệp cũng áp dụng làm việc tại nhà (work from home), hơn 1 tỉ lượt khám, chữa bệnh và thực hiện từ xa...

Chính vì vậy, nhu cầu nâng cấp hạ tầng để kết nối rất quan trọng, thế giới đang phải nâng cấp tốc độ internet băng rộng. 2 năm qua, có thể nói công nghệ 5G đã phát triển nhanh chóng và vượt xa các dự báo ban đầu của nhiều công ty công nghệ. Vậy liệu Việt Nam đã sẵn sàng để thương mại hóa 5G?

Ảnh: investo.vn
 

Theo mục tiêu đã được đặt ra, kinh tế số Việt Nam phải đạt 30 tỉ USD vào năm 2025 và việc triển khai 5G sớm sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho Việt Nam. Bởi vì đây là nền tảng cho đổi mới sáng tạo, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.

 

Thực tế, công nghệ 5G hiện nay đã phát triển rất mạnh mẽ và không còn là công nghệ xa trong tương lai nữa. Hiện nay, 160 nhà mạng tại 65 quốc gia đã triển khai thương mại công nghệ 5G.

Việt Nam cũng là một trong các nước đầu tiên thử nghiệm thành công 5G. Năm 2020, Việt Nam cũng đã triển khai 5G ở dạng thương mại thử nghiệm trên 15 tỉnh và cũng đã có các ứng dụng khác nhau cho người dùng cá nhân, khu công nghiệp, cho các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm. Về hạ tầng, mạng 5G sẽ sử dụng lại rất nhiều hạ tầng của mạng 4G hiện tại như hệ thống truyền dẫn trục chính của 4G, hay như những hạ tầng về trạm sẽ có thể dùng tiếp, cho nên không phải triển khai 5G là bỏ hết 4G mà công nghệ 5G và 4G sẽ tiếp tục hoạt động cùng nhau trong thời gian rất dài.

 

Trả lời phỏng vấn Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, nhận định: “Có thể nói, Việt Nam hoàn toàn có thể thương mại công nghệ 5G trong 1-2 năm tới bởi công nghệ đã sẵn sàng. Trong thời gian tới, sự hỗ trợ của Chính phủ cho cuộc cách mạng công nghệ này nếu được đẩy mạnh sẽ giúp Việt Nam sớm triển khai thành công 5G”.

Cần một hệ sinh thái đủ lớn

Công nghệ 5G sẽ giúp nhà mạng giảm chi phí bởi giá thành trên 1 GB mạng 5G sẽ thấp hơn mạng 4G vì năng lực của công nghệ này rất cao. Khi nhà mạng bán gói cước trên nền tảng 5G cùng dung lượng với 4G thì lợi nhuận sẽ cao hơn.

Vì thế, công nghệ 5G sẽ giúp nhà mạng cung cấp được cho người dùng gói cước có dung lượng cao hơn rất nhiều so với 4G mà giá không thay đổi. Nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng có xu hướng các nhà mạng sẽ giữ nguyên giá cước nhưng dung lượng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Do vậy, khi 5G triển khai rộng rãi, không chỉ người tiêu dùng cá nhân mà các doanh nghiệp cũng được lợi rất nhiều.

Ngoài ra, công nghệ chip 5G cũng đã đi xuống phân khúc sản phẩm giá rẻ. Có thể kể tới các dòng sản phẩm của Qualcomm đã xuất hiện 5G, ví dụ dòng chip Snapdragon 480 giúp các nhà phát triển có thể làm ra smartphone có giá chỉ còn 250 USD.

Trên thế giới, Gartner ước tính đến năm 2025 có khoảng hơn 6,3 tỉ người dùng 5G. Các nhà mạng sẽ có doanh thu khoảng 300 triệu USD gia tăng từ phân khúc thuê bao 5G. Tuy nhiên, ông Ryan Ding, Giám đốc Điều hành của Huawei kiêm Chủ tịch Nhóm Kinh doanh thiết bị viễn thông, cho rằng: “Ở các quốc gia nơi 5G đang phát triển nhanh hơn, các nhà mạng đầu tư mạnh vào 5G đã thu được lợi nhuận đáng kể, nhưng ông nhấn mạnh rằng các nhà mạng sẽ chỉ nhận ra giá trị kinh doanh khi tỉ lệ thâm nhập của người dùng 5G đủ cao. Khi tỉ lệ thâm nhập của người dùng 5G đạt đến ngưỡng 20%, sự phát triển nhanh chóng của 5G sẽ theo sau”.

Ước tính, để bắt đầu 5G thật sự, một doanh nghiệp viễn thông phải cần từ 1-1,5 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Với suất đầu tư lớn như vậy, cần phải giải được bài toán lớn nhất của nhà mạng là kiếm tiền từ đâu.

Mô hình để ứng dụng 5G là một mô hình mới, do đó sẽ không thể triển khai 5G ngay một lúc phủ sóng như 4G được, vì về mặt kinh doanh, điều đó không khả thi cho các nhà mạng. Ông Nam cho biết: “Trong tương lai gần, mạng 5G sẽ đóng vai trò là một lớp trên cho những nơi có những ứng dụng mới, đóng vai trò là hotspot trong những thành phố lớn hoặc khu công nghiệp cần triển khai nhà máy thông minh”.

Do đó, thách thức chính trong triển khai 5G là phải tạo ra được hệ sinh thái 5G đủ mạnh. Vừa qua, Qualcomm đã cùng với Viettel cho ra mắt 2 phòng Innovation Lab cho công nghệ 5G, hiện đại hàng đầu ở Đông Nam Á, trên quan điểm hỗ trợ cộng đồng, hệ sinh thái và sẽ không thu phí.

Các công ty, startup, các nhà phát triển và kể cả học sinh, sinh viên nghiên cứu có thể đến đấy để tạo ra những sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất của Qualcomm như sóng 5G, công nghệ mmWave, những nền tảng về cloud, công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng AI 100 của Qualcomm...

Ông Nam chia sẻ: “Việc hợp tác của Qualcomm với Viettel lần này chính là muốn hỗ trợ đẩy mạnh hệ sinh thái 5G của Việt Nam một cách nhanh nhất”. Vừa qua, Qualcomm mở trung tâm R&D đầu tiên tại Hà Nội, cũng là đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, phục vụ mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc thiết kế, sản xuất thiết bị 5G, kể cả phục vụ cho xuất khẩu, để đưa các sản phẩm Made in Vietnam ra thế giới.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới