Hủy
Công Nghệ

Các tập đoàn công nghệ lấn sân thời trang

Cẩm Tú Thứ Sáu | 01/03/2024 16:56

Tập đoàn phần mềm máy tính Adobe trình làng công nghệ cho phép thay đổi mẫu quần áo chỉ với một nút bấm.

Nhiều Tập đoàn công nghệ và Tập đoàn thời trang đang hợp tác mạnh mẽ. Theo đó, người mặc có thể thay đổi màu sắc trang phục chỉ bằng một nút bấm.
 

Hãng Seiko Epson vừa công bố đang chuẩn bị thành lập doanh nghiệp sản xuất quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy của mình. Dự kiến, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập vào năm 2025, khi lệnh cấm tiêu hủy quần áo không bán được của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Các phương pháp tái chế thông thường hiện nay là sử dụng lưỡi quay để cắt quần áo, tỉ lệ thu hồi sợi chỉ đạt khoảng 10%. Trong khi đó, phương pháp do Seiko Epson phát triển được cho là có thể thu hồi hơn 50% sợi và công ty đặt mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được 100%.

Epson cũng hợp tác với ASEAN Fashion Designers Showcase (AFDS) sản xuất bộ sưu tập thời trang bền vững
Epson cũng hợp tác với ASEAN Fashion Designers Showcase (AFDS) sản xuất bộ sưu tập thời trang bền vững.

Để phát triển công nghệ, Seiko Epson đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dệt may Hồng Kông. Trung tâm này có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn quần áo toàn cầu, bao gồm cả sự hỗ trợ tài chính từ công ty quần áo H&M của Thụy Điển. Seiko Epson sẽ tận dụng các mối quan hệ của trung tâm để phát triển kênh bán hàng với các nhà sản xuất quần áo trên toàn thế giới.

Cách đây không lâu, hãng máy in Epson cũng hợp tác với ASEAN Fashion Designers Showcase (AFDS) sản xuất bộ sưu tập thời trang bền vững với công nghệ vượt trội. Cụ thể là Epson kết hợp với 7 nhà thiết kế đến từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có nhà thiết kế Nicky Vũ của Việt Nam để tạo ra bộ sưu tập thời trang mang tên “Sustainability in Asia” gắn liền với nguồn gốc và văn hóa của các quốc gia.

Theo đó, các nhà thiết kế đã tạo ra trang phục từ các dòng máy in chuyển nhiệt thăng hoa. Đây là phương pháp in ấn tương đối đơn giản. Đầu tiên, bản thiết kế được in lên một vật liệu chuyển nhiệt. Sau đó, bằng sự kết hợp giữa nhiệt độ và áp suất, mực in từ vật liệu chuyển nhiệt sẽ thăng hoa và chuyển trực tiếp sang vải. Với phương pháp này, mực sẽ thấm chặt vào sợi vải, mang lại những bản in sống động, bền màu.

Nếu công nghiệp nhuộm vải truyền thống phải tiêu tốn nguồn tài nguyên nước rất lớn thì in vải kỹ thuật số bằng phương pháp chuyển nhiệt thăng hoa tạo ra ít chất thải hơn. Đặc biệt, công nghệ từ các tập đoàn sản xuất máy in còn giúp các nhà thiết kế có thể linh hoạt sản xuất số lượng vải theo mong muốn của mình.

Sáng tạo hơn nữa, tập đoàn phần mềm máy tính Adobe gây chú ý lớn từ công chúng khi trình làng công nghệ cho phép thay đổi mẫu quần áo chỉ với một nút bấm. Dự án Primrose của hãng này sử dụng loại vải dệt có thể đeo được, linh hoạt, không phát xạ, cho phép toàn bộ bề mặt hiển thị nội dung được tạo bằng Adobe Stock, After Effects, Firefly và Illustrator. Mặc dù công ty đã sử dụng trang phục tương tác để giới thiệu sự đổi mới nhưng người dùng cuối có thể tận dụng công nghệ này cho nhiều ứng dụng khác, chẳng hạn như đồ nội thất, túi xách hoặc các mặt hàng quần áo khác.

Tại Tuần lễ Thời trang New York 2024 vừa mới diễn ra, chiếc váy công nghệ biết tương tác của Adobe và nhà thiết kế Christian Cowan. Chiếc váy có hai phần: phần trên bao gồm 1.264 cánh hoa tinh thể lỏng phân tán bằng polymer được cắt bằng tay và laser, có thể thay đổi và lật hình dạng của chúng khi người mẫu bước đi. Ẩn giấu dưới mỗi cột cánh hoa là một bảng mạch in linh hoạt, cho phép bề mặt chiếc váy được chuyển đổi giữa các sắc thái và thể hiện các họa tiết hoạt hình có thể tùy chỉnh.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc chạy đua bán khoá học AI

Nguồn Theo Business Week và Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới