Computer Vision Vietnam: Thị giác máy tính cho fintech

Mục tiêu dẫn đầu về các giải pháp Thị giác máy tính như eKYC, OCR tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Nền kinh tế của Việt Nam sẽ có thể tăng thêm tới 109 tỉ USD trong 10 năm tới, tương đương 12% GDP, nếu đầu tư đúng mức vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I). Ở quy mô khu vực, nếu các thành viên ASEAN tăng tốc độ phổ biến A.I, GDP của khối này có thể tăng thêm gần 1.000 tỉ USD vào năm 2030, theo báo cáo mới công bố do Công ty Tư vấn Kearney của Mỹ và Quỹ đầu tư EDBI của Cơ quan Phát triển Kinh tế Singapore thực hiện.
Một trong những ứng dụng nổi bật của A.I cho ngành kinh tế trong 10 năm qua chính là thị giác máy tính. Công nghệ này được áp dụng nhiều trên thế giới để hỗ trợ phát triển, kinh doanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này còn khá mới mẻ.
Nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực A.I, sau vài năm nghiên cứu và phát triển, đầu năm 2020, anh Nguyễn Thiện Sỹ cùng cộng sự đã quyết định xây dựng startup Computer Vision Vietnam với công nghệ chủ chốt chính là eKYC - thị giác máy tính cho các công ty công nghệ tài chính Việt Nam với chất lượng cao kèm chi phí hợp lý. Từ đó, Công ty có thể góp phần tăng năng suất, khả năng cạnh tranh và mang lại nhiều tiện nghi cho cuộc sống trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
![]() |
Điểm đặc biệt của CVS eKYC chính là đã ứng dụng được các công nghệ A.I dựa trên máy học (Machine Learning), các kỹ thuật học sâu (Deep Learning) như nhận diện khuôn mặt phát hiện giấy tờ không hợp lệ và phát hiện khuôn mặt không hợp lệ để cung cấp một giải pháp eKYC hoàn chỉnh, tự động hoàn toàn.
Với công nghệ này, các đối tác của Computer Vision Vietnam có thể kiểm soát nhận dạng của khách hàng thông qua hình chụp hoặc video selfie, đối chiếu với giấy tờ tùy thân để làm cơ sở ra quyết định mở tài khoản giao dịch cho khách hàng. Hơn nữa, với những bức ảnh trên chứng minh thư làm trên 5-10 năm, công nghệ vẫn có thể nhận diện được với độ chính xác lên tới 99%, đảm bảo an toàn, chính xác với các giao dịch quan trọng.
Anh Nguyễn Thiện Sỹ, đồng sáng lập và Giám đốc Công nghệ Computer Vision Vietnam, chia sẻ: “Với công nghệ nhận diện, người dân sẽ có thể chủ động đăng ký mở tài khoản và hoàn thiện hồ sơ vay trực tuyến mà không cần đến trụ sở của công ty tài chính, ngân hàng. Từ đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các giao dịch online đang được ủng hộ khi làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm”.
Ngoài ra, dự án cũng bao gồm nhiều giải pháp liên quan đến hình ảnh như tìm kiếm trên tập dữ liệu hàng triệu hình ảnh liên quan của khách hàng cho doanh nghiệp, chấm công, điểm danh bằng khuôn mặt, nhận diện biển số xe, phân tích đặc điểm của khuôn mặt.
Anh Sỹ cho biết: “Khách hàng lựa chọn sản phẩm của Computer Vision Vietnam chính là vì chúng tôi luôn nỗ lực để hiểu các vấn đề của họ và giải quyết chúng theo cách tốt nhất. Thay vì bán một công cụ hỗ trợ đơn thuần như các đơn vị khác, Công ty thực sự giải quyết được nhiều vấn đề kinh doanh cốt lõi của khách hàng”.
Sau hơn 6 tháng thành lập và 2 năm thai nghén trước đó, giải pháp eKYC của Computer Vision Vietnam đã được nhiều khách hàng tin tưởng và sử dụng như Chubb Life Việt Nam (Bảo hiểm), Tingapp (Ví điện tử), Tienngay (Fintech), BPech (Giải pháp phần mềm), Cozrum (Quản lý khách sạn)... và gần 20 khách hàng doanh nghiệp khác. Tháng 11.2020, sản phẩm eKYC của Computer Vision Vietnam vinh dự nhận giải thưởng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2020” do Ủy ban Nhân dân TP.HCM trao tặng.
![]() |
Với những thành công bước đầu này, ngay khi mới đi vào hoạt động được 6 tháng, Computer Vision Vietnam đã được Quỹ Next100 đầu tư lên tới 500.000 USD.
Lý giải nguyên nhân đầu tư vào Computer Vision Vietnam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, cho biết: “eKYC là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho xu thế số hóa các giao dịch tài chính - ngân hàng. Lợi ích mà eKYC đem lại là rất lớn trong việc tối đa nguồn nhân lực, giảm thiểu sai sót về mặt con người, rủi ro về đạo đức và giảm đến 90% chi phí định danh khách hàng”.
Với sự đầu tư, hỗ trợ của Quỹ Next100, Computer Vision Vietnam sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cấp các sản phẩm hiện tại và phát triển những dịch vụ mới ứng dụng thị giác máy tính và A.I. Anh Nguyễn Thiện Sỹ chia sẻ thêm: “Hiện nay, dựa trên nền công nghệ sẵn có, chúng tôi cũng đã bắt tay vào phát triển thêm các tính năng như OCR - nhận diện ký tự trong văn bản, form mẫu, chữ viết tay, giúp giải quyết nhanh đa dạng các hóa đơn, hợp đồng. Một tính năng nữa chính là phát triển camera thông minh nhận diện trước được nguy hiểm, thay vì chỉ có kiểm tra hậu quả như bây giờ. Các công nghệ đã sẵn sàng và chỉ chờ tiếp cận được tới doanh nghiệp mà thôi”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Quỳnh Như
-
Nhà báo Hoàng Nhật