Hủy
Công Nghệ

GoCar làm mới cuộc chơi gọi xe ô tô công nghệ

Đông Sang Thứ Hai | 22/11/2021 09:27

GoCar là dịch vụ gọi xe công nghệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam trang bị máy lọc không khí trên xe, có thể tiêu diệt tới 99,4% virus trong không khí

 
 
Tại thời điểm thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hãng xe công nghệ Gojek vẫn bứt tốc.

Ngay khi hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng vừa được công bố nới lỏng, Gojek đã làm một “cú nổ” lớn trên thị trường với việc ra mắt sản phẩm GoCar Protect chống khuẩn, với điểm nhấn là máy lọc không khí trên xe. GoCar được coi là mở ra một đường đua mới trong làng gọi xe công nghệ để tìm cách đưa các giải pháp đề cao an toàn sức khỏe cho người dùng.

Đi sau nhắm vạch đích trước

Gojek Việt Nam (tiền thân là GoViet) được thị trường dự đoán sẽ sớm ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô GoCar. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm đầu hoạt động tại Việt Nam, Gojek liên tục mở rộng hoạt động quanh mảng gọi xe 2 bánh là GoRide (chở khách), GoFood (giao nhận thực phẩm), GoSend (gửi hàng) và thu hút đội ngũ đối tác tài xế hơn 200.000 người cùng hàng chục ngàn nhà hàng, nhưng hoàn toàn không thể hiện dự định sẽ sớm ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh.

Khá bất ngờ, tháng 8/2021, Gojek Việt Nam tung ra dịch vụ mới GoCar vào đúng thời điểm khó tin: giữa lúc tình hình COVID-19 ở TP.HCM diễn biến căng thẳng nhất. Tuy nhiên, “khách hàng” duy nhất ở thời điểm đó chỉ giới hạn ở các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Gần 50 tài xế đã xung phong tham gia vào “Biệt đội GoCar, xông pha chống dịch” của Gojek, xa nhà suốt hơn một tháng trời để túc trực phục vụ lực lượng y tế, từ chuyên chở miễn phí các y, bác sĩ đi lại tới vận chuyển bình oxy và các suất ăn bệnh viện.

Đến đầu tháng 10, TP.HCM bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, một vài hãng xe công nghệ được phép hoạt động với công suất giới hạn ở mức 10% tổng số xe. Các công ty gọi xe công nghệ ở Việt Nam coi như trở lại điểm xuất phát với cùng một số lượng xe lưu hành. GoCar đã không bỏ lỡ cơ hội này để bắt nhịp với thị trường và thu hút khách hàng, tài xế.

 

Ngày 18/11, đúng 1 ngày sau khi TP.HCM nới lỏng quy định hạn chế số lượng xe, Gojek Việt Nam công bố chính thức mở rộng dịch vụ GoCar cho toàn bộ người dùng, bắt đầu với dòng sản phẩm GoCar Protect. Điểm nổi bật là GoCar Protect tập trung vào các giải pháp bảo vệ sự an toàn của hành khách và đối tác tài xế. Tất cả các tài xế GoCar được tiêm 2 mũi vaccine, xe có màn chắn ngăn cách giữa tài xế và khách hàng. Và đặc biệt, GoCar là dịch vụ gọi xe công nghệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện nay trang bị đồng bộ máy lọc không khí trên xe, có thể tiêu diệt tới 99,4% virus trong không khí.

“Chúng tôi nhận ra nhu cầu di chuyển an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay”, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết. Ông Đức dẫn chứng các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy trước đại dịch, những người đi làm quan tâm hàng đầu đến “thời gian đến nơi”, “sự tiện lợi” và “không gian và sự riêng tư” khi di chuyển bằng các dịch vụ gọi xe. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát và ngay cả khi chuyển sang thời kỳ bình thường mới, “rủi ro lây nhiễm” đã trở thành yếu tố được quan tâm số 1 trước mỗi lựa chọn di chuyển.

Khi Gojek khảo sát người dùng tại Việt Nam, đa số cũng chọn “an toàn sức khỏe” là cân nhắc quan trọng nhất khi lựa chọn hình thức di chuyển, bên cạnh sự tiện lợi và tính riêng tư. Top 3 lý do khiến người dùng Việt Nam trì hoãn việc sử dụng dịch vụ gọi xe là “Không chắc tài xế đã tiêm vaccine hay chưa”, “Không chắc tài xế có đảm bảo sức khỏe không” và “Không chắc khách trước lên xe có đảm bảo sức khỏe không”.

Gojek đã rất nhanh nhạy khi nắm bắt được thời cơ và tâm lý thị trường để trở thành người tiên phong trong việc đưa ra một sản phẩm gọi xe công nghệ tập trung vào an toàn sức khỏe. “Chúng tôi hy vọng việc ưu tiên các tính năng về an toàn sức khỏe sẽ trở thành một chuẩn mực mới của ngành gọi xe công nghệ nói riêng và các dịch vụ vận tải công cộng nói chung trong bối cảnh đại dịch và cả thời gian sau này”, ông Đức nói thêm.

Năm 2010, logo của Gojek bắt đầu xuất hiện len lỏi khắp đường phố Jakarta (Indonesia). Cái tên Gojek xuất phát từ thuật ngữ “Ojek” - tiếng Bahasa có nghĩa là “xe ôm” - nhằm đem lại cơ hội thu nhập tốt hơn cho những người lao động phổ thông. Nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, cộng với thế mạnh công nghệ, Gojek nhanh chóng trở thành một trong những “siêu kỳ lân” (startup được định giá trên 10 tỉ USD) hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á. Ngoài Indonesia, Gojek đã có mặt tại Singapore và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nơi có điểm tương đồng lớn nhất với thị trường mẹ của Gojek về tốc độ phát triển kinh tế, tỉ lệ sử dụng internet và thói quen di chuyển của người dân.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, đến năm 2030, Indonesia và Việt Nam là 2 nền kinh tế số lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

“Miếng bánh thị trường gọi xe ô tô công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn và vẫn tiếp tục phình to hơn nữa nên không lo không có phần - sẽ còn đủ chỗ cho nhiều người chơi tham gia”, ông Đức chia sẻ khi được hỏi liệu Gojek có lo ngại là GoCar “chậm chân” và sẽ gặp khó khăn về thị phần.

GoCar ra đời cũng củng cố mảng hoạt động vận tải của Gojek - một trong 3 đỉnh “Tam giác vàng dịch vụ” của Gojek là Vận tải - Thực phẩm - Thanh toán.

  Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam.
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam.

Bứt tốc bất ngờ tại Việt Nam

Trong 3 năm đầu hoạt động ở thị trường Việt Nam, Gojek đã ra mắt được “combo” 3 sản phẩm là GoRide, GoFood và GoSend. Gojek là công ty duy nhất trong ngành gọi xe công nghệ và thương mại điện tử vận hành được 3 sản phẩm thiết yếu này trong vòng một thời gian ngắn và tất cả đều dựa trên nền tảng “xe ôm”. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, trong 1 năm đầu, Gojek cán mốc 100 triệu đơn hàng, các mốc tăng trưởng đều theo cấp số nhân. GoFood hiện là một trong những nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến lớn nhất Việt Nam, với hàng triệu lựa chọn món ăn.

Trụ sở chính của Gojek Việt Nam đặt ở tòa nhà Pearl Plaza (TP.HCM). Với diện tích hơn 1.000 m2, văn phòng hiện khá trống trải vì 50% nhân viên vẫn đang làm việc tại nhà sau đợt giãn cách xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo của Công ty cho biết trong đợt dịch vừa qua, họ đã phải làm việc gấp 2-3 lần bình thường.  

“Thật khó để thống kê năng suất làm việc chúng tôi tăng như thế nào! Chỉ biết rằng chúng tôi đã làm việc với cường độ rất cao trong làn sóng dịch thứ 4 vừa qua để tài xế có thể hoạt động trên đường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của công tác phòng dịch để đảm bảo cho chuỗi cung ứng của thành phố được liền mạch, nhu cầu của người dân được đáp ứng. Trong vòng 3 tháng giãn cách xã hội, Gojek đã liên tục đưa ra những sáng kiến mới nhằm hỗ trợ các đối tác”, ông Đức nói.

Việc GoCar ra mắt vào tháng 8 vừa qua là 1 trong 2 kế hoạch chủ đạo của năm 2021, bên cạnh việc triển khai thanh toán không tiền mặt. Ông Đức cho biết, khi đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhu cầu di chuyển của lực lượng y tế rất lớn, Công ty đã gửi đề xuất tới các cơ quan chức năng, mong muốn được chung tay vào công cuộc đẩy lùi đại dịch.

Sau đó, đội ngũ Gojek chỉ có 2 tuần để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng chống dịch như tổ chức tiêm ngừa cho đội ngũ tài xế, bố trí khu vực lưu trú, cải tạo xe... để có thể kịp thời phục vụ các y, bác sĩ tuyến đầu. Tuy bất ngờ, nhưng sự ra mắt này đều dựa trên sự chuẩn bị từ rất lâu, kể cả về mặt hoàn thiện công nghệ lẫn việc tuyển dụng, đào tạo tài xế và lựa chọn chiến lược để đưa ra dòng sản phẩm GoCar Protect chống khuẩn làm sản phẩm “chào sân”.

Gojek cũng liên tiếp đưa ra những chương trình hỗ trợ các đối tác nhà hàng khi được lệnh mở cửa trở lại, bao gồm xây dựng quy trình đặt hàng, chuẩn bị đơn hàng, thanh toán và giao hàng đảm bảo an toàn sức khoẻ, tuyên truyền và hỗ trợ các nhà hàng đạt chuẩn “Khiên xanh” với các tiêu chí về an toàn phòng dịch.

Đó là chưa kể hàng loạt chương trình hỗ trợ miễn phí người dân đi tiêm vaccine, hỗ trợ thu nhập cho đối tác tài xế trong giai đoạn cao điểm cách ly như cung cấp khẩu trang, gói bảo hiểm COVID-19, gói hỗ trợ 4,15 tỉ đồng để hỗ trợ từng đối tác tài xế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh... Tính năng thanh toán bằng thẻ để hạn chế tiếp xúc cũng được triển khai ngay trong thời gian giãn cách xã hội.

Khó có thể tưởng tượng được là trong vòng 3 tháng cao điểm của dịch bệnh, Gojek đã đưa ra được nhiều chương trình như thế trên cơ sở toàn bộ nhân viên đều làm việc từ xa. Ngay cả việc đăng ký đối tác tài xế mới và tập huấn, đào tạo tài xế cũng được thực hiện trực tuyến, giao lưu cộng đồng đối tác tài xế cũng trên nền tảng online.

Người đứng đầu Gojek Việt Nam cho rằng quy trình sẽ không hiệu quả nếu yếu tố con người không được chú trọng, đặc biệt là sức khỏe tinh thần của đội ngũ. Cách Gojek “bù đắp” cho nhân viên những đợt làm việc căng thẳng cũng “chẳng giống ai”, đó là “tặng thêm ngày nghỉ”. Riêng trong năm 2021, mỗi nhân viên Gojek được nghỉ thêm 9 ngày nguyên lương. Đó là chưa kể kỳ lễ 2/9 vừa qua, Công ty đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ một tuần để... thư giãn.

“Thật khó để dự đoán tình hình kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, điều chúng tôi chắc chắn có được là một đội ngũ mạnh, kiên cường, nhiệt huyết và sẵn sàng hơn bao giờ hết để ứng phó với thay đổi thị trường trong thời gian tới”, ông Đức chia sẻ. Và khi mọi thành viên trong hệ sinh thái của Gojek, từ nhân viên cho tới các đối tác và khách hàng, được quan tâm, chăm sóc, họ sẽ muốn tiếp tục đồng hành cùng Gojek và chung sức để xây dựng Công ty ngày càng lớn mạnh.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới