Khởi nguồn kỳ lân

Ảnh: emitpost.com
Một buổi tối đi bộ dọc đường 17th Cross Road ở vùng HSR Layout của Bengaluru, bạn có thể đụng mặt rất nhiều nhân viên công nghệ đang túa ra khỏi văn phòng làm việc để làm một ly bia gần đó. Họ có thể làm việc cho Udaan, Vedantu hoặc cho những kỳ lân khác (được định giá từ 1 tỉ USD). Các kỳ lân ở đây sinh sôi nhiều đến nỗi người địa phương gọi nơi này là Unicorn Street (phố kỳ lân).
Bengaluru đang là quê hương của 26 kỳ lân và năm ngoái đã thu hút 13 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Đó là lý do Bengaluru lâu nay được ví von là Thung lũng Silicon của Ấn Độ.
![]() |
Tất nhiên, Thung lũng Silicon của Mỹ vẫn chiếm giữ vị trí là cái nôi khai sinh ra những công ty công nghệ tăng trưởng cao từ hàng thập kỷ nay như Hewlett-Packard (thành lập năm 1939), Intel (1968), Apple (1976), Google (1998)... San Francisco là nơi đóng đô của 136 kỳ lân, với 220 kỳ lân ở Thung lũng Silicon, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của Bengaluru cho thấy các kỳ lân không còn chỉ “quanh quẩn” ở California. Ngày nay, các kỳ lân có thể tìm thấy ở 45 quốc gia. Có hơn 1.000 kỳ lân trên toàn cầu, trong đó gần phân nửa ở bên ngoài nước Mỹ. Tỉ trọng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các startup Mỹ đã giảm xuống còn chưa tới phân nửa, từ mức 84% cách đây 2 thập kỷ.
Một số trung tâm công nghệ đã trưởng thành như Bắc Kinh, London hay Tel Aviv. Các trung tâm càng trưởng thành thì có xu hướng thu hút nhiều startup “deep tech” (công nghệ sâu), làm việc trong những lĩnh vực phức tạp như trí tuệ nhân tạo. Nhưng trong khi các startup Israel và Anh thường nhắm đến thị trường bên ngoài lãnh thổ thì Bắc Kinh lại gần như tập trung hoàn toàn vào nội địa.
Một số trung tâm khác như Bengaluru, Singapore hay São Paulo lại đang ở giai đoạn đầu hơn trong cơn sốt bùng nổ trung tâm công nghệ. Những trung tâm còn trẻ này tập trung vào thị trường khu vực hơn là toàn cầu. Và thay vì phát triển mô hình mới, họ thường áp dụng các mô hình kinh doanh hiện có và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thị trường nội địa. Anand Deaniel thuộc Acel gọi đây là mô hình “X của Y” nên mới có Flipkart là Amazon của Ấn Độ, hay Nubank là Revolut của Brazil, Grab là Uber của Đông Nam Á. Điều này giải thích vì sao 70% các kỳ lân Đông Nam Á và 80% kỳ lân của Mỹ Latinh hoạt động trong ngành fintech hoặc internet tiêu dùng. Dù vậy, với tính địa phương cao, mỗi trung tâm cải tiến này đều mang nét đặc trưng riêng.
Cơn sốt bùng nổ các trung tâm công nghệ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Sự bành trướng toàn cầu của điện thoại thông minh và internet tốc độ cao cho phép các startup phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Điện toán đám mây và những công cụ nhà phát triển sẵn có, hoàn toàn miễn phí cũng giúp cho việc khởi nghiệp dễ dàng hơn. Cùng lúc đó, khi tốc độ phát triển ở các thị trường trưởng thành đã chậm lại, nhà đầu tư mạo hiểm cũng tìm kiếm các thị trường khác để đặt cược canh bạc lớn tiếp theo.
Khẩu vị ưa thích số hóa, được thúc đẩy bởi đại dịch, cũng đã đẩy nhanh các xu hướng này. Khoảng 60 triệu người dân Đông Nam Á, chiếm gần 1/10 dân số khu vực này, đã trở thành công dân internet mới chỉ trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, theo Bain.
Nhưng câu chuyện không chỉ là vấn đề công nghệ và vốn mạo hiểm. The Economist nghiên cứu số liệu về vốn huy động và mức định giá startup của 10 nước có nhiều startup tỉ USD nhất và phát hiện ra rằng gần 40% các kỳ lân này tề tựu ở thủ phủ startup của nước đó. Giai đoạn 2011-2021, tỉ trọng vốn mạo hiểm huy động được của thủ phủ startup trong tổng vốn mạo hiểm cả nước đã tăng từ chưa tới 50% lên gần 70% đối với London, từ 24% lên 60% đối với Berlin, từ 15% lên 34% đối với Bengaluru.
Tất cả các trung tâm công nghệ mới đều cho thấy sự hiện diện của 3 đặc điểm chung: thừa hưởng lực lượng nhân tài hùng hậu, sự kết nối sâu rộng với phần còn lại của thế giới và dòng vốn mạo hiểm địa phương.
Lực lượng nhân tài dồi dào rõ ràng là yếu tố quan trọng tạo nên một trung tâm công nghệ thành công. Như Thung lũng Silicon hưởng lợi nhờ gần với các “lò” sản sinh những bộ óc thiên tài như Stanford hoặc Đại học California, Berkeley. Bengaluru có gần 70 trường đại học kỹ thuật. “Ở đâu mà bạn có thể nhanh chóng thuê được vài ngàn kỹ sư như ở nơi này”, Shailesh Lakhani, thuộc Sequoia India nói.
![]() |
Ảnh: medium.com |
Yếu tố thứ 2 cũng cực kỳ quan trọng là mức độ cởi mở với các ý tưởng và con người. Khoảng 60% các công ty công nghệ có giá trị nhất nước Mỹ được thành lập bởi người nhập cư hoặc thế hệ con cái của họ. Các trung tâm công nghệ châu Âu như Berlin, London và Paris đều có lượng lớn người nhập cư.
Tại Bengaluru, sự kết hợp giữa nhân tài và thái độ cởi mở đã tạo nên phép màu startup. Thành phố này luôn có tiếng yêu thích những công nghệ mới lạ. Và sự ra đời của Viện Khoa học Ấn Độ từ năm 1909 đến nay vẫn là thỏi nam châm thu hút những tài năng Ấn Độ. Người nhập cư chiếm tới hơn phân nửa dân số của thành phố này, một sự thật luôn được lấy làm dẫn chứng khi giải thích về sự thành công của Bengaluru.
Bengaluru cũng kết nối với thế giới từ rất sớm. Texas Instruments (Mỹ) đã chọn Bengaluru trở thành văn phòng khu vực đầu tiên của Hãng vào năm 1985. Infosys và Wipro, các gã khổng lồ IT của Ấn Độ đặt trụ sở tại Bengaluru kể từ thập niên 1980, chuyên phục vụ cho các khách hàng phần mềm toàn cầu, đưa thành phố này trở thành “back office của thế giới”. Khi nền kinh tế Ấn Độ mở cửa vào năm 1991, Bengaluru mặc nhiên trở thành điểm đến của các công ty nước ngoài muốn nhắm đến thị trường khổng lồ của nước này, theo Nandan Nilekani, đồng sáng lập Infosys.
![]() |
Tuy nhiên, Bengaluru sẽ không có thành công như hôm nay nếu thiếu nhân tố thứ 3: sự hiện diện của dòng vốn mạo hiểm trong nước. Để một doanh nghiệp phát triển, nó cần những nhà hậu thuẫn hiểu được hệ sinh thái và sẵn sàng bơm vốn để nuôi dưỡng hệ sinh thái đó. Đó có thể là các nhà sáng lập và nhân viên của những startup đời đầu - những người trở thành nhà đầu tư thiên thần cho thế hệ kế tiếp, theo Rana Yared của Balderton Capital.
Các cựu nhân viên của Flipkart (được Walmart mua lại năm 2018) đã thành lập 225 startup, trong đó có 5 kỳ lân, theo Tracxn. Những người đi ra từ Grab, Lazada và Sea đã thành lập hoặc hoặc điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp.
Sẽ còn có những thành phố mới gia nhập câu lạc bộ các trung tâm công nghệ mới. Lagos, chẳng hạn, đang có xu hướng chiếm lĩnh ngành fintech châu Phi. Và những trung tâm công nghệ cũng có thể bị qua mặt. Bengaluru đã bị Delhi soán ngôi là thủ phủ startup của Ấn Độ, trong cuộc khảo sát thường niên Economy Survey 2022 của nước này. Delhi đã có thêm 5.000 startup trong khi Bengaluru chỉ có thêm 4.514 startup từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2021.
(Tổng hợp)
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Cẩm Tú (lược dịch từ BBC)
-
Trọng Hoàng