Hủy
Công Nghệ

NFT5 tìm vốn cho các nhà sáng tạo Việt Nam

Huy Vũ Thứ Năm | 14/07/2022 08:00

Ngoài dự án với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, NFT5 hiện đang thực hiện huy động vốn bằng hình thức NFT cho 2 dự án điện ảnh khác. Ảnh: TL.

 
 
Ứng dụng công nghệ blockchain làm cầu nối giữa nhà sáng tạo nội dung và nhà đầu tư cá nhân được kỳ vọng gỡ được nút thắt gọi vốn trong ngành

Ứng dụng công nghệ blockchain làm cầu nối giữa nhà sáng tạo nội dung và nhà đầu tư cá nhân là cách NFT5 kỳ vọng gỡ được nút thắt gọi vốn trong ngành này hàng chục năm qua.

Tháng 1/2019, dự án The Chosen, bộ phim truyền hình nhiều tập về Chúa Jesus, thông báo huy động được hơn 10 triệu USD từ các nhà đầu tư cá nhân, nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong ngành khi là dự án phim huy động vốn lớn nhất từ trước đến nay trên các nền tảng gọi vốn cộng đồng. Trước đó, những dự án phim như Mystery Science Theater 3000 gọi được 5,8 triệu USD, Veronica Mars là 5,7 triệu USD và Super Troopers 2 huy động được 4,6 triệu USD. 

Thành công của The Chosen đến từ việc phá vỡ các mô thức trả công cho các nhà đầu tư cộng đồng là thay vì tặng họ vé xem phim, DVD hoặc ăn trưa với diễn viên, họ sẽ được trả bằng cổ phần cho những tập tiếp theo của phim đó.

Người xem sẽ được xem miễn phí các tập đầu và trả phí cho những tập tiếp theo và công ty sản xuất The Chosen đã phát hành được tổng cộng hơn 13 triệu cổ phiếu. Theo Hollywood Reporter, các cổ phiếu phát hành không được rao bán tại thời điểm đó nhưng nhà quản lý The Chosen đảm bảo rằng họ sẽ không nhận bất kỳ khoản lợi nhuận nào cho đến khi các nhà đầu tư có lãi theo quy định đã ký kết.

 

“Chúng tôi muốn đem cơ hội của The Chosen đến với các nhà sáng tạo nội dung ở Việt Nam”, ông Lê Phạm Đăng Khôi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Tiếp thị NFT5, nói. 

Theo ông Khôi, trước đây việc gọi vốn cho các dự án nghệ thuật ở Việt Nam rất khó do đặc thù là ngành phải đến khi sản phẩm ra mắt mới biết được khán giả có thích và ủng hộ hay không. Trong khi đó, thị trường lại không có một nền tảng đủ minh bạch để kết nối khán giả và các nhà sáng tạo nội dung. Thực ra, trước đây cũng có các nền tảng gọi vốn cộng đồng hình thành ở Việt Nam nhưng không tạo được dấu ấn vì thiếu cơ chế minh bạch và tính hấp dẫn của các suất “đầu tư” sớm.

Những nhà hoạt động nghệ thuật như sản xuất phim, chẳng hạn, thường tìm kiếm nguồn vốn ở các sự kiện liên hoan phim trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận các sự kiện này nên cơ hội tìm kiếm nguồn vốn càng khó khăn hơn.

NFT5 giải quyết bài toán này bằng cách chia nhỏ các phần đầu tư của dự án nghệ thuật bằng mã NFT, có thể hiểu như hình thức cổ phiếu của The Chosen nhưng việc giao dịch sẽ minh bạch và dễ dàng nhờ vào công nghệ blockchain.

Dự án kênh YouTube của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một ví dụ điển hình. Vị nhạc sĩ này cần 2,5 tỉ đồng để phát triển kênh YouTube của mình và phát hành 25.000 NFT với mức chia sẻ lợi nhuận 0,002% kéo dài trong 60 tháng.

Có 2 lý do ông Lê Phạm Đăng Khôi tin rằng các dự án NFT5 sẽ không bị liệt vào dạng lừa đảo vì thứ nhất, nghệ thuật là ngành có độ rủi ro rất cao trong khi lợi nhuận thì tỉ lệ nghịch. Thứ 2, các nghệ sĩ tham gia đều công bố danh tính và lịch sử hoạt động (một yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tham gia) nên sẽ không vì một lợi ích ngắn hạn mà đánh đổi cả sự nghiệp.

 

Theo ông Khôi, khẩu vị của các nhà đầu tư là khác nhau, thông qua NFT5, nhà đầu tư có thể gắn kết với các sản phẩm mà họ cảm nhận được tâm huyết của người nghệ sĩ.

“Giá trị nhận được là thấy được sản phẩm hình thành và một phần lợi nhuận. Chúng tôi tin rằng đó không phải là khẩu vị của nhà đầu tư lướt sóng”, ông chia sẻ thêm.

Về mặt quy trình, NFT5 cũng hạn chế tình trạng đầu cơ mã NFT của các dự án bằng cách thông báo cụ thể ngày mở bán và giá trị ước tính hiện tại của mỗi NFT. Giá trị này được NFT5 tính toán cẩn thận dựa trên giá gốc bán ra, giá trị tăng thêm (hoặc giảm đi) của dự án, khả năng sinh lời của dự án và đưa ra con số tham khảo mà không phụ thuộc vào nhu cầu mua bán của thị trường ở thời điểm đó. Bên cạnh đó, khi giá NFT bị tăng quá nhiều (do tình trạng đầu cơ mua sớm bán lại), NFT5 cũng sẽ cảnh báo rõ ràng để nhà đầu tư mới tránh việc mua lại với giá cao.

“Về lâu dài, khi nhu cầu góp vốn của nhà đầu tư tăng nhanh hơn so với số lượng dự án và dung lượng, để tránh một vài nhà đâu tư đầu cơ, NFT5 sẽ tính toán triển khai quy định giới hạn số lượng NFT có thể mua được cho mỗi tài khoản”, ông Khôi nói.

Ngoài dự án với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, NFT5 hiện đang thực hiện huy động vốn bằng hình thức NFT cho 2 dự án điện ảnh khác là Chó Săn của đạo diễn Phạm Thanh Hải và Kềm Thép của ông Phan Thanh Nhiên, một người Việt Nam từng chinh phục đỉnh Everest.

Công ty đặt mục tiêu kêu gọi vốn cho 12 dự án hằng năm. Ngoài ra, sắp tới với các dự án phim, Công ty sẽ mở những phần gọi vốn nhỏ hơn để nhà sản xuất có thể yên tâm làm phim và không bị áp lực quá lớn về doanh thu.

Tự nhận mình là một người đam mê điện ảnh, ông Khôi nhận thấy các nước như Thái Lan, Hàn Quốc có những bộ phim kinh phí thấp nhưng tạo được hiệu ứng rất tốt, từ đó đem lại sự khích lệ rất lớn cho các nhà sản xuất lẫn diễn viên. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các bộ phim như vậy nhưng lại tắt ở khâu gọi vốn. “Chúng tôi hy vọng NFT5 sẽ gỡ được nút thắt này”, ông Khôi nói
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới