Hủy
Công Nghệ

PayPal trỗi dậy

Ngô Ngọc Châu Thứ Năm | 17/01/2019 09:05

Ông chủ PayPal đã cứu ứng dụng thanh toán trực tuyến này khỏi số phận diệt vong.
 

Thoát ly eBay

Tại Thung lũng Silicon, ai ai cũng mê đắm công nghệ mới nhất. Đây là lý do vì sao ít người lại nghĩ đến PayPal, một công ty thanh toán trực tuyến vừa tròn 20 năm tuổi vào tháng 12.2018. Thiếu sự mới mẻ, nhưng bù vào đó PayPal lại gây sự chú ý nhờ kết quả hoạt động ấn tượng. Sau thời kỳ xanh xao dưới sự cai quản của eBay (eBay mua PayPal vào năm 2002), vào năm 2015, PayPal đã mạnh mẽ thoát ly và tái niêm yết. Hiện PayPal có vốn hóa thị trường 101 tỉ USD và là một trong những hãng công nghệ có giá trị nhất Thung lũng Silicon, hơn cả Goldman Sachs hay Morgan Stanley.

Năm 2018 PayPal ước đạt giá trị thanh toán kỹ thuật số khoảng 582 tỉ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2012. Là ví kỹ thuật số, PayPal kiếm lời nhờ tính phí các nhà kinh doanh khi người sử dụng dùng PayPal để thanh toán cho các giao dịch trực tuyến của mình. Công ty dự kiến thu về 3,4 tỉ USD lợi nhuận hoạt động năm 2018.\

PayPal troi day
 

Đây là một sự trái ngược thú vị so với quan điểm xưa nay của Thung lũng Silicon về cách xây dựng và điều hành doanh nghiệp. Họ tin rằng các nhà sáng lập mới là các ông chủ xuất sắc nhất. Quan niệm này giải thích vì sao các nhà sáng lập được trao quá nhiều quyền hạn và sự tùy ý đối với các hoạt động của doanh nghiệp và được mời trở về điều hành công ty như Jack Dorsey tại Twitter.

Đối với Dan Schulman, CEO PayPal, vì là người bên ngoài nên ông dường như mang lại trợ lực không ngờ cho công ty thanh toán trực tuyến này. Schulman đã điều hành hãng viễn thông Virgin Mobile và làm việc tại American Express trước khi trở thành CEO PayPal vào năm 2014.

PayPal trước đó đã đi theo chiến lược đụng độ với các đối thủ, trong đó có các công ty thẻ tín dụng, khi nhận mức phí cao hơn nếu người ta kết nối tài khoản ngân hàng với PayPal thay vì thẻ tín dụng. Theo Lisa Ellis, thuộc hãng nghiên cứu MoffettNathanson, “ai ai cũng ghét PayPal. Họ có văn hóa phá bĩnh và chống đối với mọi người... Nếu Schulman không thay đổi hướng đi, PayPal có lẽ giờ này chỉ còn là dĩ vãng”.

Thay vì tiếp tục duy trì chiến lược “đụng độ”, Schulman đã thiết lập khoảng 40 thỏa thuận hợp tác với những đối thủ tiềm tàng như Visa, MasterCard và Google Pay, để vươn dài cánh tay của PayPal.

Chẳng hạn, người mua sắm sử dụng Google Pay để thanh toán thì đều có thể kết nối với tài khoản PayPal của họ. Với sự cởi mở như thế, PayPal nên phần nào cảm ơn Krav Maga, một môn võ cận chiến được phát triển bởi quân đội Israel, mà Schulman là một người cực kỳ say mê môn này. Bằng chứng là có hôm ông xuất hiện ở công ty với vài vết cắt trên người và một con mắt bị bầm đen).

“Tôi rất tin vào võ thuật vì cách tốt nhất để thắng một trận đấu chính là tránh nó”, ông nói. Chiến lược này đã tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư rằng các công ty thẻ tín dụng và các hãng công nghệ khác sẽ không cố tìm cách giẫm đạp PayPal, một mối lo ngại khiến họ bất an trước đó.

PayPal troi day
 

Schulman là một trong số những CEO vô danh, những người không phải là nhà sáng lập doanh nghiệp nhưng lại chứng tỏ họ có năng lực cải thiện hoạt động tại những công ty bị đình trệ. Dan Rosensweig, không phải là nhà sáng lập nhưng là ông chủ lâu năm của hãng công nghệ giáo dục Chegg, gọi nhóm này là “các nhà tái sáng lập”.

Hiệu ứng mạng

Satya Nadella của Microsoft có lẽ là ông chủ nổi tiếng nhất xứng đáng với danh hiệu này. Những CEO khác thuộc nhóm “các nhà tái sáng lập” còn có Shantanu Narayen của hãng phần mềm Adobe và Chuck Robbins của Cisco. Là những người bên ngoài, họ đã có thể đưa ra các chiến lược mới mà không khư khư bám lấy tầm nhìn mà các nhà sáng lập đã vạch ra.

Một quan niệm khác ở Thung lũng Silicon là chỉ một công ty trong một lĩnh vực mới có thể chiến thắng. “Hiệu ứng mạng” (làm cho một dịch vụ trở nên hữu ích hơn khi có nhiều người hơn tham gia) đã giúp Google chinh phục lĩnh vực tìm kiếm và Facebook đã thống trị mảng mạng xã hội. PayPal cũng tạo được hiệu ứng mạng, khi khoảng 60% người Mỹ mua sắm trực tuyến đã sử dụng PayPal trong năm qua, theo tính toán của Ellis và khoảng 80% trong top 500 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu đều cho khách hàng lựa chọn thanh toán bằng PayPal.

PayPal troi day
 

Nhưng PayPal cũng là bằng chứng cho thấy trong một số lĩnh vực trực tuyến, miếng bánh đủ lớn để “nuôi sống” nhiều người chơi. Khi thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, nhiều công ty hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh trong đó có Square ở Mỹ và Ant Financial ở Trung Quốc.

“Cuộc chiến thực sự là cuộc chiến về tiền mặt”, Schulman nói. Khoảng 40% giao dịch tại Mỹ được thanh toán bằng tiền mặt, vì thế vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

PayPal đã bành trướng qua các thương vụ. Vào năm 2018, PayPal đã bỏ ra 2,9 tỉ USD vào M&A. Thương vụ lớn nhất là việc mua lại iZettle với giá 2,2 tỉ USD vào tháng 5 vừa qua. iZettle cung cấp các giải pháp phần mềm cho các nhà kinh doanh và giúp PayPal bành trướng ở châu Âu (mặc dù thương vụ vẫn đang bị săm soi bởi các nhà chức trách Anh Quốc và chưa được thông qua).

Một thương vụ thâu tóm nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng là Braintree, chuyên về các hệ thống thanh toán di động và web. PayPal đã mua Braintree với giá 800 triệu USD vào năm 2013.

Đi kèm Braintree là ứng dụng Venmo, cho phép người sử dụng điện thoại di động chuyển tiền cho nhau. Venmo rất được ưa chuộng trong giới trẻ, đã giúp PayPal tăng sức hấp dẫn trong mắt thế hệ tiêu dùng mới.

Dẫu vậy, PayPal vẫn có những đối thủ khó nhằn. Đáng gờm nhất là Amazon. Tập đoàn thương mại điện tử này không cho phép PayPal “cư ngụ” trên website của nó và cũng có một sản phẩm thanh toán cạnh tranh với PayPal là “Amazon Pay”. Dù rằng Amazon Pay có quy mô nhỏ hơn nhiều so với PayPal (chỉ xử lý bằng khoảng 1/10 tổng thanh toán của PayPal), nhưng đối thủ này đang tăng trưởng nhanh.

PayPal có một lợi thế lớn là các nhà bán lẻ rất e ngại Amazon, nên không muốn “chắp thêm cánh” cho công ty này với việc cho phép dịch vụ thanh toán của Amazon xuất hiện trên các website của họ. Khi Amazon mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods vào năm 2017, nó chính là “trân châu cảng của ngành bán lẻ. Nó đã đánh thức mọi người rằng mọi thứ đang thay đổi”, Schulman nói.

Thông tin này có lẽ đã giúp PayPal giành được nhiều cái bắt tay hợp tác với các nhà bán lẻ. Nhưng nếu gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực thanh toán, đó có thể là tin xấu cho PayPal. Bởi lẽ chiến tranh thường kéo dài và “thương vong” vô số.
 

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới