Quant: Thế lực mới tại Phố Wall
Gần đây, mọi người bàn luận nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0 và những ảnh hưởng của nó đến việc làm lao động phổ thông, còn các ngành đòi hỏi chất xám cao sẽ tạm thời an toàn với sự đe dọa của tự động hóa. Nhưng nhiều người không biết rằng cuộc cách mạng này còn “cướp” việc làm của nhiều thạc sĩ tài chính, kinh doanh. Đáng chú ý là xu hướng này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Các lĩnh vực tiềm năng nhận được lợi ích kinh tế lớn từ ứng dụng công nghệ sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất. Đó là các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công, hoặc nhân công hiếm, hay các lĩnh vực mà mỗi cải tiến trong sản phẩm, dịch vụ, chi phí vận hành đem lại giá trị cao cho khách hàng. Một ví dụ dễ thấy nhất là ngành tài chính.
Mặc dù mô hình, cách thức của các tổ chức tài chính không thay đổi nhiều qua thời gian, gắn liền với hoạt động cho vay, huy động vốn, đầu tư để tạo ra lợi nhuận, nhưng các dịch vụ, sản phẩm được cung cấp lại tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới nhất.
Đầu tiên là các kỹ thuật bảo mật, nhận dạng tân tiến, kỹ thuật thẻ, máy giao dịch tự động, ngân hàng điện tử, các chương trình thuật toán đánh giá rủi ro và cấp hạn mức tín dụng cũng như phí bảo hiểm, áp dụng thuật toán để nhắm đến từng phân khúc khách hàng và dự đoán nhu cầu tài chính của họ. Gần đây, khi các chính sách, quy định tài chính được nới lỏng, ngành tài chính ghi nhận sự bùng nổ của startup công nghệ tài chính (fintech).
Theo tờ Financial Times, những công ty fintech thu hút vốn đầu tư nhiều nhất xoay quanh các công nghệ cổng thanh toán, an ninh, ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) thay thế nhân viên giao dịch, kỹ thuật đánh giá, phân loại rủi ro trong bảo hiểm và blockchain (công nghệ đằng sau các giao dịch bitcoin). Công nghệ mới này thường được các ngân hàng, tổ chức tài chính chú trọng trong chiến lược tiếp thị nhằm đảm bảo xây dựng hình ảnh ngân hàng có công nghệ tối tân, đem lại sự tiện lợi và an toàn cho khách hàng.
Ở Việt Nam, có thể thấy hoạt động quảng cáo của Timo, ngân hàng số trên điện thoại thông minh của VPBank, ví điện tử MoMo và hàng loạt các dịch vụ trung gian thanh toán khác như Payoo, 123Pay...
Tuy nhiên, ngành tài chính cũng có một vài mảng tối mà ở đó, sự kín kẽ, bí ẩn trong thông tin về các công nghệ được áp dụng là chuẩn mực. Đó chính là các quỹ đầu cơ sử dụng thuật toán (quant fund). Mang danh là các quỹ đầu tư, đầu cơ nhưng nhân sự của các quỹ này hầu hết là các tiến sĩ toán, vật lý và khoa học dữ liệu, gần như vắng bóng những người được đào tạo và có kinh nghiệm chuyên sâu trong tài chính. Các quỹ đầu cơ này là thế lực mới tại Phố Wall và sự thống trị của họ đang quét sạch mô hình các quỹ đầu cơ mà các giao dịch do con người quyết định.
Khi toán học lấn át tài chính
Việc ứng dụng toán cao cấp, khoa học thống kê vào đầu tư bắt đầu từ rất sớm, từ những năm 1974, bắt đầu là Ed Thorp, một giáo sư toán học, với quỹ Convertible Hedge Associates năm 1969, sau đó đổi tên thành Princeton/Newport Partners (P/NP) năm 1974. Ed Thorp đã sử dụng khoa học xác suất và thống kê để phát hiện và kiếm lời từ những bất thường trong giá trị cổ phiếu trên sàn giao dịch. Theo một bài báo của tờ Los Angeles Times viết năm 1989, P/NP đạt được mức lợi nhuận trung bình 15%/năm, sau khi đã trừ các khoản phí quản lý quỹ, giao dịch nghiệp vụ.
Đến nay, các quỹ quant đang dần chiếm lĩnh thị trường quản lý quỹ. Cụ thể, theo Wall Street Journal, cuối quý I/2017, các quỹ mang chiến lược quant đạt tổng cộng 932 tỉ USD tài sản quản lý, chiếm hơn 30% tổng tài sản quản lý của các quỹ đầu cơ toàn thị trường. Con số này đã tăng mạnh so với năm 2009 là 408 tỉ USD và 25% tổng tài sản quản lý toàn thị trường. Đạt được điều này là nhờ các quỹ quant vừa thu hút dòng tiền ký gửi của nhà đầu tư, vừa tạo ra lợi nhuận cao hơn hẳn thị trường và các quỹ khác. Trong quý I năm nay, các quỹ quant đã thu hút thêm 4,6 tỉ USD, so với dòng vốn ròng 5,5 tỉ USD rời khỏi toàn ngành quỹ đầu cơ.
Các quỹ đầu tư quant đang có lợi thế tại thị trường chứng khoán, tài chính. Ảnh: socialisterna.org |
Quỹ quant với các công ty đầu tư kỹ thuật giao dịch tần suất cao (HFT). HFT chỉ thường xuyên thực hiện các giao dịch để hưởng lợi từ những bất thường nhỏ nhất trong giá chứng khoán trên cổ phần, thường chỉ tồn tại trong vài mili-giây. Cơ hội cho các HFT kiếm lời ngày càng ít đi khi thị trường không còn biến động nhiều như trước và cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt.
Ngược lại, các quỹ quant lớn nhất hiện nay, theo khảo sát của LCH Investments, như quỹ của Renaissance Technologies, Two Sigma Investments, Citadel, D.E. Shaw thường thực hiện các giao dịch trong ngày hoặc vài tháng 1 lần tùy theo các tín hiệu thị trường mà thuật toán phân tích được. Các quỹ này đều có đội ngũ phát triển chiến lược là những giáo sư, tiến sĩ toán học, vật lý, tin học đặt giả thuyết về chiến lược đầu tư và thử nghiệm bằng mô phỏng thị trường... Người duy nhất được đào tạo chuyên về tài chính tại các quỹ này thường là người sáng lập, nhưng họ hoàn toàn tự tin và giao việc phát triển chiến lược đầu tư cho các nhà toán học.
Ngắm mây để đầu tư cổ phiếu
Peter Brown, đồng CEO Renaissance Technologies, từng phát biểu tại một hội thảo về đầu tư năm 2013: “Bằng cách nghiên cứu độ phủ của mây, chúng tôi phát hiện tượng liên quan giữa những ngày nắng ấm và sự tăng điểm của thị trường chứng khoán New York và Paris. Mặc dù điều này chỉ đúng hơn 50%, nhưng đó là minh họa cho cách chúng tôi làm việc hằng ngày: tìm kiếm các tín hiệu có thể khai thác được. Chúng tôi có khoảng 90 tiến sĩ toán học và vật lý hằng ngày ngồi trên máy tính và tìm tín hiệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng có 10.000 bộ vi xử lý máy tính luôn tìm kiếm những tín hiệu”.
Ngoài các nhà toán học, nhà vật lý học thiên thể, những người chuyên nghiên cứu vì sao, hành tinh, vũ trụ cũng đóng góp không nhỏ cho việc tìm kiếm các tín hiệu tại Renaissance. Các nhà vật lý học thiên thể rất giỏi trong việc sàng lọc các “tiếng ồn” trong dữ liệu bằng cách bóc tách lớp dữ liệu. Khi tiếng ồn được loại bỏ thì tín hiệu sẽ trở nên rõ ràng hơn, tăng hiệu quả cho việc sàng lọc dữ liệu. Quỹ Medallion của Renaissance từ năm 1994 đến 2014, trung bình đạt lợi nhuận 71,8%/năm, theo số liệu thu thập của Bloomberg, là quỹ đầu tư lợi nhuận cao nhất từ trước đến giờ, vượt mặt cả quỹ Quantum của tỉ phú nổi tiếng George Soros và có tỉ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng so với mức trung bình toàn thị trường.
Cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa khi đã xuất hiện nhiều quỹ quant áp dụng trí thông minh nhân tạo và khả năng tự học của robot (machine learning) để làm công việc dò tìm tín hiệu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, dù robot đầu tư có thể làm việc hiệu quả hơn các chuyên gia tài chính hay nhà toán học, thì vẫn cần có nhân lực để sáng tạo, lập trình và ứng biến khi có sự cố.
Paul Tudor Jones và Steve Cohen, hai nhà đầu tư nổi tiếng trong giới tài chính và quỹ đầu cơ định tính giá trị truyền thống, cũng đã phải cắt bớt nhân lực của quỹ truyền thống hiện tại và đầu tư để xây dựng quỹ thuật toán mới là Two Sigma và Point27 trước áp lực về lợi nhuận do các quỹ quant tạo ra. Khi sa thải 15% nhân viên, Paul Tudor Jones đã nói với số nhân viên còn lại: “Không có con người nào tốt hơn máy móc. Và không có máy móc nào tốt hơn một con người với một chiếc máy”.
Tại Việt Nam, năm 2010 Vietfund Management (VFM) từng ra mắt Quỹ Đầu tư Năng động (VFA), là quỹ đầu tiên theo đuổi mô hình quant ở Việt Nam, cụ thể là đầu tư theo xu hướng. Tuy nhiên, tại đại hội nhà đầu tư năm 2017, quỹ này đang tính phương án giải thể do thua lỗ. Điều này cho thấy việc áp dụng mô hình quant tại Việt Nam là không hề dễ dàng, nhất là khi VFM là một trong những quỹ tiên phong trong ngành đầu tư tại Việt Nam và cũng đã gặt hái được nhiều thành công với 2 quỹ định lượng truyền thống là VF1 và VF4.
Như Thọ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư