Sang chảnh phụ kiện công nghệ
Castelnaudary là một thị trấn nhỏ gần Toulouse ở Pháp, được xem là thủ phủ của món cassaoulet (ra-gu thịt và đậu), một món ăn đặc trưng của nước Pháp. Vì thế, thị trấn này dường như không mấy thích hợp để một công ty công nghệ chọn làm nơi đóng đô của mình.
Nhưng đối với Julien Salanave và Franck Fontana, đồng sáng lập Orée, nơi đây có sức hút đặc biệt. Vùng đất này nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ và nghề thủ công trang trí trên da đã 200 năm nhưng gần đây lại đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao. Salanave và Fontana đã đưa một số nghệ nhân trong vùng trở lại với cái nghề của cha ông, bằng cách sản xuất ra hàng loạt món đồ công nghệ cao tinh xảo, kiểu dáng đẹp, nhỏ nhắn, được làm từ gỗ, da, đồng và đá cẩm thạch.
Vào năm 2012, ABI Research đã đánh giá thị trường các phụ kiện điện thoại thông minh ở mức 20 tỉ USD và dự đoán sẽ tăng đến con số 38 tỉ USD vào năm 2017. Nhưng vào năm 2015, Công ty tuyên bố doanh thu các phụ kiện di động đã đạt tới 81 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm gần như không có gì khác biệt, chỉ mang tính năng cơ bản và được làm bằng nhựa, để ngỏ cả một thị trường dành cho các công ty muốn nhắm đến đối tượng khách hàng có tính chủ nghĩa cá nhân cao - những người muốn món đồ công nghệ của họ phải thực sự đặc biệt và nổi trội về mặt thiết kế.
Orée tập trung vào thị trường bỏ ngỏ này với việc sản xuất các phụ kiện công nghệ thông minh: một bàn phím Bluetooth bằng gỗ thích có màu vàng nhạt hoặc bằng gỗ hồ đào có màu tối hơn, hay một thiết bị sạc điện thoại rất xinh xắn, hình trụ, được làm bằng gỗ và cẩm thạch có tên là Pebble. Sản phẩm mới nhất của Orée là một bộ bút bi và tập ghi chú, có thể chuyển các dòng chữ ghi trên cuốn tập vào điện thoại thông minh để lưu trữ và chia sẻ.
Julien Salanave (giữa) và Franck Fontana (phải), đồng sáng lập Orée. Ảnh: usa.oreeartisans.com |
Native Union, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông thành lập vào năm 2009 và Wood’d, một công ty Ý ra đời vào năm 2012, lại chuyên làm vỏ và thiết bị sạc điện thoại thông minh sử dụng các chất liệu tự nhiên với thiết kế độc đáo. Cả Native Union, Wood’d và Orée đều có điểm chung là tính thẩm mỹ, thủ công và sang trọng trong những sản phẩm mà họ làm ra.
Các món đồ làm bằng vật liệu tự nhiên và thủ công luôn cho một cảm giác rất riêng, mộc mạc và lãng mạn so với những sản phẩm bằng chất liệu nhựa được sản xuất hàng loạt. Sản phẩm của 3 công ty nói trên cũng mang tính cá nhân rất cao, vì mỗi một sản phẩm do các nghệ nhân làm ra đều khác biệt ở những thớ gỗ hay lớp nước bóng. Điều này vô cùng quan trọng đối với phân khúc hạng sang vì ngoài khẳng định đẳng cấp, người tiêu dùng ở phân khúc này luôn muốn trở nên khác biệt so với những người khác. Các bàn phím của Orée - mỗi sản phẩm được lấy từ một mảnh gỗ khác nhau - có thể được khắc trên đó những thông điệp cá nhân. Khách hàng cũng có thể chọn các mảnh gỗ khác nhau, kiểu dáng thiết kế bàn phím khác nhau, thậm chí còn có thể chọn kiểu chữ trên các phím nếu muốn.
Những công ty này đang nỗ lực đưa các sản phẩm của họ hòa nhập vào những xu hướng thiết kế rộng lớn hơn. Sản phẩm đầu tiên của Native Union là Clic, một vỏ điện thoại bằng gỗ có một mảnh nhựa màu sáng được dán vào bề mặt. Sản phẩm này được lấy cảm hứng từ những chiếc bàn được triển lãm tại Tuần lễ Thiết kế London vào năm 2012. Một năm sau đó, Maison & Objet, một hội chợ thiết kế Pháp, lại tràn ngập với những thiết kế bằng cẩm thạch. Và thế là Native Union đã bắt đầu làm ra các loại vỏ và thiết bị sạc pin sử dụng chất liệu cẩm thạch.
Nhưng sử dụng các vật liệu tự nhiên cũng đi kèm với những thách thức lớn về công nghệ. Mỗi loại gỗ, đá, kim loại đều có nhược điểm riêng. Và vì các sản phẩm công nghệ như bàn phím và điện thoại có giá đắt đỏ và được sử dụng thường xuyên, nên người tiêu dùng cũng rất kén cá chọn canh.
Các vỏ điện thoại bằng cẩm thạch, chẳng hạn, đòi hỏi phải rất nhẹ, có khả năng chống vỡ và không được làm nhiễu sóng điện thoại. Đây là nhiệm vụ gian nan vì cẩm thạch “nổi tiếng” là rất nặng và dễ mẻ. Khi Native Union lần đầu tiên tìm đến các thợ xây đá với dự án này, họ đã vấp phải thái độ hoài nghi. Cuối cùng, Native Union cũng tìm ra một giải pháp cho vấn đề nan giải này là lát mỏng miếng cẩm thạch một cách đẹp mắt, tinh tế, sau đó “gia cố” cho nó bằng một lớp sợi thủy tinh.
Tương tự, khi Orée phát triển thiết bị sạc không dây Pebble, họ nhận thấy không phải tất cả các loại gỗ nào cũng “cho phép” sạc. Họ phải làm rỗng các lớp vỏ gỗ và đá cẩm thạch đến từng độ dày cực kỳ chuẩn xác và phát triển những loại dầu véc-ni có thể tạo ra một “giao diện tiếp xúc” giữa công nghệ và vật liệu làm vỏ cho thiết bị. Stefano Aschieri, đồng sáng lập Wood’d với người anh Andrea, ước tính, không hơn 30% sản phẩm qua hết tất cả cửa ải từ khâu bảng vẽ thiết kế cho đến công đoạn sản xuất, mặc dù cả hai anh em đều là những nghệ nhân làm đồ gỗ thế hệ thứ ba, hiểu rõ vật liệu gỗ như lòng bàn tay và có sẵn nguồn nhân công chất lượng cao cho công việc này.
Bàn phím và thiết bị sạc được làm bằng gỗ của Orée. Ảnh: forbes.com |
Một thách thức lớn mà cả 3 công ty Orée, Native Union và Wood’d đều đối mặt là việc gỗ có xu hướng giãn nở và co rút tùy thuộc vào độ ẩm. Đây là một vấn đề đặc biệt khó khăn đối với Native Union, nhất là khi trụ sở của họ được đặt tại Hồng Kông. Để gỗ không bị cong oằn, họ phải nung vật liệu gỗ, sau đó cắt lát mỏng và phủ lên chúng một lớp dầu véc-ni đặc biệt.
Sau khi ra mắt, sản phẩm đã trở thành cơn sốt tiêu dùng. Native Union đã bán được 9.000 vỏ điện thoại Clic mỗi tháng và 2.000-3.000 vỏ cẩm thạch. Nhưng để có được thành quả này, những con người ở Native Union đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. “Đối với chúng tôi, đó là một cơn ác mộng”, Fabien Naudry, đứng đầu bộ phận thiết kế của Native Union, cho biết. “Làm bằng nhựa thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, ông nói thêm.
Thế Sơn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư