Hủy
Công Nghệ

Thế trận mới trên thị trường máy in 3D

Thứ Tư | 20/05/2015 13:00

Thị trường công nghệ in 3D đang ngày càng trở nên khốc liệt, với sự tham gia của giới khởi nghiệp lẫn các tập đoàn lớn của làng công nghệ.
 

Từ một vũng chất nhựa lỏng màu đỏ, những khối hình lục giác và ngũ giác kết nối nhau theo không gian 3 chiều bắt đầu thành hình. Chỉ mất 6 phút để một cánh tay cơ khí nhấc những khối này ra khỏi vũng chất dẻo đó để tạo thành một sản phẩm hữu hình. Công nghệ này được gọi là “sản xuất giao diện lỏng liên tục”, được phát triển bởi Carbon3D, một công ty công nghệ khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon do tập đoàn đầu tư công nghệ Sequoia Capital hỗ trợ vốn.

Dù được lấy cảm hứng từ một cảnh trong bộ phim khoa học viễn tưởng Terminator 2 (Kẻ hủy diệt 2) khi người máy sát thủ T-1000 sống lại từ một vũng dung dịch kim loại, nhưng công nghệ mới này hoàn toàn không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng mà rất là thực. Nó được dự báo sẽ làm thay đổi cả ngành in 3D khi tạo ra một quy trình sản xuất các vật thể nhựa nhanh gấp 100 lần.

Kể từ khi ra mắt vào thập niên 1980, công nghệ in 3D được tin rằng sẽ làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất các thành phần phức tạp, từ những mô cấy sử dụng trong ngành y tế cho đến các bộ phận, phụ tùng động cơ máy bay. Nhưng nay sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các công ty mới khởi nghiệp như Carbon3D và những cái tên đã quá quen thuộc như HP đang gây sức ép lớn lên các hãng công nghệ đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Hai trong số những công ty in 3D lớn nhất là 3D Systems của Mỹ và Stratasys của Israel bắt đầu nhận thấy các nhà đầu tư đang đặt dấu hỏi về vị thế thống trị của họ trên thị trường. Giá cổ phiếu của 3D Systems đã giảm hơn 70% từ mức đỉnh 96 USD vào đầu năm 2014. Tương tự, giá cổ phiếu của Stratesys (giao dịch trên sàn Nasdaq) giảm hơn 60% trong cùng kỳ từ mức đỉnh 136 USD/cổ phiếu.

“Khi nhìn vào những công ty in 3D đại chúng hiện tại, có thể rồi họ sẽ giống như các hãng máy tính của thập niên 1980 - những thương hiệu giờ chỉ là hình ảnh vang bóng một thời của ngành máy tính. Không có gì chắc chắn rằng kẻ đi tiên phong trên thị trường sẽ mãi là người dẫn đầu”, Carl Bass, Tổng Giám đốc hãng phần mềm Autodesk, khuyến cáo.

Cả 3D Systems và Stratasys, cũng như các đối thủ nhỏ hơn ExOne, Arcam và Voxeljet, đã trải qua 15 tháng đầy khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu của họ đã không thể đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Pieter Busscher, nhà quản lý quỹ RobecoSAM Smart Materials, cho rằng họ đã không theo kịp nổi biến động giá cổ phiếu trên thị trường. “Những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến năm 2014 có một chút “bong bóng” trong đó. Sự kỳ vọng của thị trường vào cuối năm 2013 lên tới 60-100 lần so với lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông nói.

Trong 3 quý vừa qua, tăng trưởng doanh thu hữu cơ tại 3D Systems chỉ đạt mức 7-12%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30%. Stratasys thì đạt tốc độ tăng trưởng hữu cơ tốt hơn, tới 31% năm 2014. Tuy nhiên, Stratasys lại tung ra một kế hoạch đầu tư tăng tốc mà có thể sẽ duy trì biên lợi nhuận hoạt động trong khoảng 10-14% trong vài năm tới, so với định hướng dài hạn mà công ty đặt ra là 18-23%, theo Schmitz.

Dù chưa đạt như mong đợi, nhưng những tốc độ tăng trưởng nói trên cũng đủ thu hút sự chú ý của các tập đoàn in truyền thống. HP đã tiết lộ kế hoạch bước vào ngành in 3D trong năm 2016 với một chiếc máy in 3D được Công ty cho là sẽ nhanh hơn và rẻ hơn các máy in hiện có. Nhưng ông Schmitz cho rằng: “HP cần phải phát triển các kênh phân phối mới, vì máy in 3D nhắm đến một đối tượng khách hàng hoàn toàn khác với máy tính cá nhân và máy in văn phòng”.

Ông Pete Basiliere, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Gartner, tin rằng HP không phải là công ty duy nhất nhòm ngó thị trường này. “Vào cuối năm 2016, chúng ta sẽ chứng kiến có ít nhất 3 nhà sản xuất máy in lớn nhảy vào, với các máy in 3D mang thương hiệu của họ”, ông dự báo. Nhưng vì các đối thủ lớn nói trên ít nhất phải một năm nữa mới nhảy vào, nên vẫn còn thời gian để cho các hãng công nghệ đi tiên phong trên thị trường 3D chuẩn bị chiến lược đối phó, theo Schmitz.

3D Systems và Stratasys cho đến nay đã duy trì được vị thế cạnh tranh bằng cách mua lại các công ty khác, khi thực hiện khoảng 60 thương vụ giao dịch trong vòng 5 năm qua, trong đó có các nhà cung cấp vật liệu in 3D, phần cứng và cả phần mềm.

Năm 2013, Stratasys đã mua MakerBot, một công ty khởi nghiệp sản xuất máy in 3D giá rẻ, dễ sử dụng, với giá khoảng 403 triệu USD, mặc dù kể từ đó Công ty đã phải ghi giảm giá trị tài sản tới 100 USD do tình hình kinh doanh kém lạc quan.

Công ty in 3D Stratasys đã mua MakerBot với giá khoảng 403 triệu USD - Ảnh: independent.co.uk
Công ty in 3D Stratasys đã mua MakerBot với giá khoảng 403 triệu USD - Ảnh: independent.co.uk

Cả hai công ty đều yêu cầu sử dụng vật liệu in của họ chung với máy in mà họ bán ra, nhưng Weston Twigg, chuyên gia phân tích tại Pacific Crest Securities, cho rằng trong tương lai sẽ có những chuyên gia độc lập bán máy in, phần mềm và vật liệu.

Ông dẫn chứng trường hợp SLM Solutions của Đức. Công ty này chuyên sản xuất máy in kim loại và bắt tay với nhiều công ty vật liệu khác nhau. SLM Solutions đã tăng lượng đặt hàng lên tới 138% vào năm 2014 và doanh thu tăng 56%. Còn hãng phần mềm Autodesk thì lại rất “phóng khoáng” khi bắt tay với các công ty vật liệu và máy in.

Dẫu vậy, Terry Wohlers, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn ngành in 3D Wohlers Associates, cho rằng sẽ khó khăn hơn cho các công ty khi cạnh tranh với những sản phẩm “được cài bài”, ngăn việc đưa vào các giải pháp và sản phẩm của bên thứ ba.

Hiện tại, các công ty in 3D lớn vẫn không muốn “chia sẻ” mô hình kinh doanh của họ trong khi vẫn còn có thể đạt được biên lợi nhuận cao nhờ bán vật liệu in. Vào năm 2014, 3D Systems đã đạt được biên lợi nhuận tới 73% từ mảng vật liệu, so với 36% từ mảng bán máy in.

Với cuộc cạnh tranh sản xuất máy in 3D ngày càng khốc liệt, nhu cầu về vật liệu in 3D được dự báo sẽ tăng mạnh. Gartner dự kiến lượng máy in 3D bán ra trên thế giới sẽ đạt 217.350 chiếc vào năm 2015 và sau đó tăng vọt lên tới 2,3 triệu chiếc vào năm 2018.

Khánh Đoan

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới