Thị trường ô tô nhập khẩu: Khốc liệt nhưng hấp dẫn
Triển lãm ô tô lần thứ 3 có vẻ kém sôi động khi chỉ có 13 thành viên tham gia so với con số 19 thương hiệu hồi năm ngoái. Điều này có vẻ hợp với xu hướng trầm lắng của thị trường ô tô với nhiều biến động chính sách trong cả năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân tố mới tham gia với tiềm lực không nhỏ.
Thời điểm thuận lợi
Đáng kể nhất trong số những nhân tố mới điểm sắc cho cuộc chiến ô tô hạng sang chính là hãng xe Volvo đến từ Thụy Điển. Trong lần triển lãm này, Volvo tập trung cho mẫu xe SUV cỡ vừa XC60 thế hệ mới. Dòng xe SUV thế hệ trước đó là mẫu xe có doanh số bán cao nhất tại châu Âu, còn dòng thế hệ mới này kỳ vọng chiếm 30% doanh số toàn cầu của Volvo.
Volvo nhấn mạnh hình ảnh bằng những hình ảnh an toàn trên mọi nẻo đường. “Đây là thời điểm thuận lợi để người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội sử dụng những sản phẩm ô tô cao cấp, an toàn hàng đầu thế giới”, ông Clas Olhag, Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Volvo Cars, bình luận. Các công nghệ an toàn trên các dòng xe Volvo được cập nhật mới nhất hiện nay có thể kể đến hệ thống tự động đánh lái để giảm thiểu va chạm với xe đi ngược chiều, hoặc cảnh báo điểm mù khi chuyển làn.
Chọn điểm phát triển tiếp theo ở thị trường Việt Nam, Volvo trên thế giới là một thương hiệu lớn của Thụy Điển. “Đi trên chiếc xe Volvo về cơ bản là đại diện cho tất cả những gì tốt nhất của Thuỵ Điển. Không phải ngẫu nhiên mà Volvo trở thành sự lựa chọn ưu tiên của Thủ tướng và Đức vua của nước chúng tôi”, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Pereric Högberg phát biểu trong buổi lễ ra mắt của Volvo.
Sau đại diện Bắc Âu, nhân tố mới thứ hai đến từ Trung Quốc với hãng xe Đông Phong (Dong Feng). Thế mạnh của Đông Phong được biết đến nhiều ở Việt Nam là dòng xe thương mại, vốn được phân phối trước đó bởi Công ty Cổ phần Hoàng Huy (đã niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HHS). Tuy nhiên, Đông Phong vẫn chưa có sản phẩm cụ thể nào cho thị trường Việt Nam. “Hãng sẽ cân nhắc với dòng xe nhỏ gọn Joyear S50, nhưng có thể gọn gàng hơn một chút”, đại diện Đông Phong cho biết.
Thương hiệu mới thứ ba gia nhập thị trường hồi tháng 4 là hãng xe SsangYong đến từ Hàn Quốc, có đại diện nhập khẩu là Daehan Motors, hiện đã có nhà máy lắp ráp xe tải tại Việt Nam. SsangYong được giới thiệu là một nhà sản xuất xe SUV đầu tiên của Hàn Quốc. Trong đợt triển lãm này, điểm nhấn của Hãng là mẫu xe G4 Rexton 2018, ngoài những mẫu SUV nhỏ gọn là dòng bán tải Actyon và mẫu xe cỡ lớn Stavic. Bên cạnh những nhân tố mới, những cái tên quen thuộc dều mang dến những dòng xe mới trong dịp này.
Subaru mang đến mẫu xe XV hoàn toàn mới với công nghệ khung gầm “Subaru Global Flatform” sẽ định hình cho những mẫu xe mới của Hãng trong tương lai. Volkswagen đưa ra thông điệp “Biểu tượng trở lại” với điểm nhấn là dòng xe huyền thoại Beetle, bên cạnh mẫu sedan bán chạy nhất của Hãng là Jetta hay mẫu SUV cao cấp Touareg.
Còn Mercedes-Benz lần này đưa hình ảnh “áo dài” gắn liền với 18 mẫu xe, với điểm nhấn là việc ra mắt mẫu xe SUV linh hoạt Mercedes-AMG GLA 45 4MATIC.
Sức hút lớn
“Năm nay là một năm phức tạp với các nhà nhập khẩu”, ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Á Châu, đại diện cho Audi, nhận định về sự đi xuống thị trường ô tô cao cấp nói chung. Tương tự, ông Nguyễn Đình Ngôn, Giám đốc Điều hành, đại diện Volvo Việt Nam, cho rằng: “Thị trường ô tô cao cấp năm ngoái tăng trưởng ấn tượng, nhưng đến 2017, một số chính sách liên quan sắp sửa ban hành trong năm 2018 nên có phần ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng. Trong 9 tháng, thị trường giảm khoảng 5% so với năm ngoái kể cả dòng xe phổ thông và cao cấp khác nói chung”.
Điều này cũng dễ hiểu khi hàng loạt các chính sách liên quan đến ngành ô tô đã và đang dự kiến được ban hành có tác động thay đổi cục diện của ngành. Đặc biệt gần đây là những đợt công bố giảm giá mạnh tay ở nhiều mẫu xe lắp ráp nội địa. “Tình hình xe nhập nói chung từ đầu năm qua có nhiều biến động, Subaru cố gắng giữ doanh số ổn định, chứ không đột phá”, bà Hà Thị Hằng Nga, Phụ trách Kinh doanh và Hệ thống của Subaru, cho biết.
Dù vậy, số lượng người chơi mới gia nhập thị trường ngày càng đông đảo hơn chứng minh thị trường vẫn còn tiềm năng. Ông Li Junzhi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ô tô Đông Phong, nói: “Chúng tôi tự tin khi năm nay gia nhập vào thị trường Việt Nam, quốc gia đang dần chuyển từ xe máy sang ô tô”. Theo ông Li, cứ trên 1.000 người Việt Nam, mới chỉ có 20 xe ô tô, thấp hơn nhiều so với con số 800 ở Trung Quốc, 400 của Malaysia và 100 của Thái Lan. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, đại diện Audi đánh giá về sự gia nhập của những người chơi mới là “điều dễ hiểu khi nhìn vào tiềm năng thị trường ngách này”.
Dù vậy, thách thức cho các hãng xe mới gia nhập như Volvo sẽ là rất lớn. “Một trong những yếu tố khó khăn là sự nhận diện thương hiệu của Volvo, mặc dù thương hiệu đã được chứng minh trên toàn cầu”, ông Ngôn cho biết. Đó không chỉ là bài toán của riêng Volvo. “SsangYong chưa có thương hiệu ở đây. Chúng tôi sẽ phải đầu tư nhiều hơn”, ông Kang Chulmin, Giám đốc Khối Kế hoạch chiến lược của Daehan Motors, cho biết.
Trao đổi với NCĐT về chiến lược thâm nhập thị trường của Volvo, theo ông Ngôn, Hãng không đặt chỉ tiêu doanh số lên trên, mà là hệ thống bán hàng và dịch vụ đạt chuẩn. Đại diện Volvo nhấn mạnh về vấn đề bảo dưỡng sau khi mua xe. “Chúng tôi có thể đặt hàng chính hãng trong 10-15 ngày tối đa với mức giá ưu đãi chỉ bằng khoảng 70-80% so với giá của các đối thủ cùng phân khúc”, ông Ngôn cho biết.
Trên thực tế, Công ty Bắc Âu, đại diện nhập khẩu Volvo có hai cổ đông lớn là Savico và Tổng Công ty Bến Thành, vốn có thâm niên trong ngành công nghiệp ô tô và mạng lưới rộng khắp. Tuy nhiên, theo ông Ngôn, Volvo là phân khúc hoàn toàn khác, cao cấp hơn nên đòi hỏi hệ thống dịch vụ kèm theo phải tương ứng.
Trong khi đó, áp lực mở rộng kênh phân phối vẫn tiếp tục với nhiều người chơi khác. Hệ thống phân phối của Subaru dự kiến sẽ tăng từ 7 đại lý ở thời điểm hiện tại lên 12 đại lý trong năm sau. Tương tự với SsangYong, kế hoạch tối thiểu đặt ra là mở thêm 10 đại lý trong 6 tháng tới. Xây dựng mạng lưới cũng là 1 trong 4 mục tiêu quan trọng của Đông Phong, ông Li cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam, dịch vụ bảo dưỡng và định giá xe.
Dự kiến trong thời gian tới cũng sẽ có những sự thay đổi chiến lược kinh doanh lớn của các hãng ô tô. Bà Nga cho biết, Subaru sẽ có bước đột phá vào đầu năm 2019, sau khi bắt đầu chuyển sang nhập khẩu từ thị trường Thái Lan và hưởng lợi từ thuế. Điều này cũng tương tự với trường hợp của SsangYong hay Volvo. Theo đó, các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hay với EU đều mang lại lợi thế đáng kể về thuế nhập khẩu cho các hãng xe. Thậm chí, SsangYong có nhà máy ở Việt Nam, dự kiến chuyển mô hình từ nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) sang lắp ráp trong nước (CKD) trong tương lai. Đông Phong cũng có tính toán tương tự.
Dự đoán về mức giá sắp tới, đại diện Audi cho rằng đây cũng là thời điểm thích hợp để sở hữu sản phẩm, nếu người dùng cân nhắc đến vấn đề tỉ giá. Còn ông Ngôn, Volvo Việt Nam, tin rằng thuế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường xe cao cấp với nguồn gốc nhập khẩu từ các nước G7.
Thiên Phong
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư