Trung Quốc gặp khó trong việc gây quỹ 41 tỉ USD cho ngành chip
Bộ tài chính là bên đóng góp lớn nhất trong giai đoạn đầu tiên và thứ hai của Quỹ lớn, cung cấp lần lượt hơn 44% và gần 15% vốn. Ảnh: Getty Images.
Trích dẫn nguồn tin mật, tờ Financial Times cho biết vòng tài trợ đầy tham vọng nhất được Trung Quốc triển khai cho đến nay, để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, đang gặp khó khăn trong giai đoạn đầu để gây quỹ 300 tỉ nhân dân tệ (41 tỉ USD), và môi trường kinh tế khó khăn là một trong những nguyên do chính.
Bắc Kinh gần đây đã phê duyệt vòng thứ 3 cho Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc, còn được gọi là Quỹ lớn (Big Fund), vốn đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chip kể từ khi được thành lập vào năm 2014 và là công cụ chính hướng tới tự chủ về công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Quỹ này đã huy động vốn lần lượt là 139 tỉ nhân dân tệ và 200 tỉ nhân dân tệ trong 2 giai đoạn đầu tiên, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, cơ quan dẫn đầu sáng kiến này, đã gặp khó trong việc nâng cao mục tiêu mới từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, vốn đang gặp khó khăn trong tình trạng kinh tế suy thoái.
Một người thân cận với chính quyền cấp tỉnh cho biết, sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19 đã gây căng thẳng tài chính cho chính quyền địa phương, bao gồm cả vấn đề nợ nần chồng chất, khiến họ thận trọng và bảo thủ hơn trong các khoản đầu tư của mình.
Bộ tài chính là bên đóng góp lớn nhất trong giai đoạn đầu tiên và thứ 2 của Quỹ lớn, cung cấp lần lượt hơn 44% và gần 15% vốn. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước như China Telecom chịu trách nhiệm về phần còn lại, vì Bắc Kinh khuyến khích ngành công nghiệp Trung Quốc nắm giữ thị phần và tận dụng chuyên môn để xác định các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước.
Việc thiếu người rót vốn cũng như dòng vốn mới đã gây ra nhiều sự thất vọng. Những người trong ngành và các nhà phân tích cho biết các quyết định đầu tư đã trở nên thụ động hơn trước những hạn chế của Mỹ đối với việc tiếp cận công nghệ tiên tiến của ngành.
Big Fund đã mạnh tay rót vốn cho ngành sản xuất chip tại Trung Quốc. Nguồn: FT. |
Một nhà phân tích giấu tên ở Trung Quốc cho biết: “Thay vì chỉ xem xét giá trị đầu tư khiến Quỹ có ít sự lựa chọn hơn, Big Fund phải tính đến sự hạn chế của Mỹ khi quyết định rót vốn vào một doanh nghiệp”.
Quỹ đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong giai đoạn thứ 2. Theo dữ liệu từ Wind được Financial Times phân tích, hơn 30% số tiền huy động được sẽ được sử dụng để tiếp tục tài trợ cho các công ty được hỗ trợ trong giai đoạn đầu tiên.
Cuộc điều tra chống tham nhũng đối với Big Fund kéo dài hơn 1 năm cũng ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư và niềm tin thị trường. Kể từ tháng 7 năm ngoái, hơn 10 giám đốc điều hành có liên quan đến quỹ đã bị bắt để điều tra, khiến hoạt động đầu tư bị chậm lại.
Bất chấp những thách thức này, Big Fund vẫn cố gắng duy trì lộ trình 5 năm. “Đã đến lúc phải thực hiện một vòng rót vốn nữa. Nếu không niềm tin thị trường sẽ bị tổn hại”, ông Linghao Bao, nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu Trivium China, cho biết.
Nguồn tin cho biết vòng mới nhất sẽ tập trung chủ yếu vào thiết bị sản xuất chip, sau 2 vòng trước tập trung vào sản xuất chất bán dẫn, trong đó có thể kể đến Semiconductor Manufacturing International và Hua Hong Semiconductor đã được rót vốn.
Các nhà sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Yangtze Memory Technologies, đã phải phụ thuộc nhiều hơn vào thiết bị trong nước khi Mỹ và các đồng minh thắt chặt các hạn chế trong năm qua đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
Châu Á ngày càng ít phụ thuộc vào phương Tây
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hằng Nga
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Long