Hủy
Công Nghệ

Viettel theo đuổi OTT

Thứ Ba | 19/05/2015 13:00

 
 
Đối với Mocha của Viettel, cơ hội dành cho ứng dụng OTT mới toanh này là không hề nhỏ.

Không mua được Zalo của VNG, tập đoàn Viettel cuối cùng đã hiện thực hóa giấc mơ OTT bằng cách tự phát triển một ứng dụng hoàn toàn mới mang tên Mocha và tung ra thị trường hồi cuối tháng 4 vừa qua.

OTT (Over The Top) là tên gọi các ứng dụng nhắn tin/gọi điện thoại miễn phí trên nền internet có thể thay thế cho những dịch vụ tính phí truyền thống của các công ty viễn thông. Vì vậy, sự lên ngôi của các ứng dụng OTT cũng đồng nghĩa với thất thu cho nhà mạng. Mobifone từng cho biết chỉ riêng Viber (ứng dụng OTT hiện đã thuộc về Tập đoàn Rakuten của Nhật) không thôi đã khiến cho 3 nhà mạng lớn Mobifone, Vinaphone và Viettel thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng mỗi năm. Thậm chí, Viettel còn tính rằng nếu mấy chục triệu thuê bao của họ đều dùng 3G và Viber để gọi điện và nhắn tin thì doanh thu sẽ giảm 40-50%.

Hơn 1 năm trước khi ra mắt Mocha, Viettel từng đánh tiếng hỏi mua lại ứng dụng Zalo do hãng công nghệ VNG phát triển (khi đó đã đứng nhì ở thị trường OTT nội về số lượng người dùng), nhưng bị từ chối. Cũng từng có thông tin cho rằng hãng viễn thông này đã tìm cách mua KakaoTalk, một ứng dụng OTT của Hàn Quốc không mấy thành công tại Việt Nam. Có thể thấy, tham vọng của Viettel ở thị trường OTT là không hề nhỏ.

Tính đến giữa năm ngoái, Viber vẫn dẫn đầu thị trường OTT tại Việt Nam về số lượng người sử dụng với 12 triệu tài khoản, kế đến là Zalo với 10 triệu tài khoản. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của các ứng dụng nội khác như Btalk (BKAV), VietTalk (Vinaphone) và bây giờ là Mocha của Viettel, thế trận OTT được dự báo sẽ có nhiều biến động.

Thực tế, thị trường tuy đã khá chật chội với trên dưới 10 ứng dụng OTT cả trong lẫn ngoài nước, nhưng cơ hội cho những tay chơi mới vẫn còn. Một báo cáo công bố vào tháng 4.2015 của hãng nghiên cứu GfK Việt Nam cho thấy lượng người dùng 3G tại các đô thị lớn vẫn chưa chiếm đa số. Ví dụ, tỉ lệ sử dụng 3G tại Hà Nội là 48%, TP.HCM là 32% và Đà Nẵng là 33%. Tỉ lệ này ở các tỉnh thành khác chắc chắn còn thấp hơn. Hầu hết người dùng 3G đều sử dụng các ứng dụng OTT, nên có thể tin rằng cơ hội cho những tên tuổi mới ở thị trường này là có thật.

Viettel là doanh nghiệp mới nhất tham gia vào thị trường OTT tại Việt Nam
Viettel là doanh nghiệp mới nhất tham gia vào thị trường OTT tại Việt Nam

Không chỉ có vậy, các nhà mạng và công ty công nghệ nội vừa tham gia vào cuộc chơi OTT cũng đều có những lợi thế nhất định trong tay. VietTalk, chẳng hạn, có lợi thế truyền thông rất lớn thông qua số lượng thuê bao sẵn có của Vinaphone, đồng thời được “chống lưng” bởi hạ tầng viễn thông ổn định của nhà mạng này. Còn Btalk thì chắc chắn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh khi BKAV chính thức tung chiếc điện thoại thông minh Bphone ra thị trường sắp tới đây.

Đối với Mocha của Viettel, cơ hội dành cho ứng dụng OTT mới toanh này là không hề nhỏ. Hiện đã có mặt tại 8 thị trường quốc tế và có kế hoạch đầu tư kinh doanh hạ tầng viễn thông ở 8 thị trường mới khác, Viettel đang hướng đến mục tiêu đạt tổng quy mô thị trường 350 triệu dân trong vòng 3 năm tới.

Trong bối cảnh đó, Mocha rõ ràng cũng là một trong những sản phẩm dịch vụ chủ lực sẽ được Viettel mang theo để “đánh ở xứ người”. Và không giống như Viber hay các ứng dụng OTT của bên thứ ba, Mocha sẽ không phải lệ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng viễn thông của những nhà mạng khác để phát triển.

Năm 2016, thị trường OTT thế giới được dự báo sẽ có giá trị 7 tỉ USD. Thế nên, việc Viettel quyết đeo đuổi bằng được tham vọng OTT cũng là dễ hiểu.

Hà Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới