Doanh nhân Việt Kiều khẳng định tiềm năng ở quê hương rất lớn

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2009 đạt 6,283 tỉ USD, giảm 12,8% so với năm 2008. Riêng tại TP.HCM, tỉ lệ kiều hối sụt giảm được các ngân hàng thương mại ước tính còn cao hơn, khoảng 15%. Số dự án đầu tư giảm, nhà đầu tư cũng giảm. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế, còn có lý do nào khác? Hãy cùng NCĐT nhìn lại những câu chuyện đầu tư của Việt kiều trong năm qua và lắng nghe những kế hoạch hành động của họ trong năm nay.
Vui buồn năm 2009
Đầu năm 2009, anh Nguyễn Văn Lợi, Việt kiều Nhật, về quê ăn Tết, đánh tiếng muốn thuê đất trồng rừng tại Việt Nam. Có người thân giới thiệu một lô đất rừng rộng 300 ha (trong đó 100 ha là đất bằng phẳng, còn lại 200 ha đồi núi) tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. 300 ha đất này được Nhà nước giao cho một doanh nghiệp khai thác trồng rừng với thời hạn tối đa là 50 năm. Chủ doanh nghiệp trên sang nhượng cho anh Lợi với mức giá 40 triệu đồng/ha, tổng cộng là 12 tỉ đồng cho 300 ha đất.
Để đủ tiền thực hiện dự án, anh Lợi quay về Nhật tìm người bán bớt 1 trong 3 nhà hàng thức ăn nhanh tại thành phố Hitachi (cách thủ đô Tokyo 150 km về phía Bắc) mà gia đình anh đang sở hữu. Thế nhưng, việc bán nhà hàng bất thành khiến dự án trồng rừng của anh không thực hiện được. Anh kể, sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 9.2008 khiến anh từ bỏ ý định kinh doanh theo kiểu “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Làm sao sự sụp đổ của ngân hàng bên kia đại dương lại ảnh hưởng đến nhà đầu tư nhỏ như anh Lợi?
Trước đó, anh Lợi đã bỏ một số tiền lớn đầu tư vào một quỹ phúc lợi xã hội của thành phố Hitachi. Đầu năm 2007, quỹ này trích hơn 600.000 USD để mua trái phiếu của Lehman Brothers. Khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản, nhà đầu tư và quỹ xã hội của thành phố cũng mất trắng.
Chưa hết, khi anh quay lại Nhật để sang nhượng nhà hàng lấy tiền về Bảo Lộc trồng rừng, một trung tâm thương mại lớn ở Hitachi đã bị đóng cửa do các tập đoàn kinh tế lớn ngưng tài trợ. Một trong 3 nhà hàng thức ăn nhanh của anh nằm trong trung tâm thương mại này cũng bị đóng cửa theo. Hiện 300 ha đất này đang được một nhóm đầu tư Việt kiều Mỹ đề nghị sang lại với giá 43,5 triệu đồng/ha để trồng cây lấy gỗ. “Tôi đã ấp ủ dự án trồng rừng từ hơn chục năm nay, nhưng khi có cơ hội tại quê nhà lại không thực hiện được, tiếc lắm”, anh Lợi chia sẻ.
Không gặp khó về vốn như anh Lợi, nhưng dự án đầu tư của một Việt kiều khác cũng có nguy cơ bị gián đoạn. Dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) do ông David Dương, Việt kiều Mỹ, làm Chủ tịch và Tổng Giám đốc là một ví dụ. Từ năm 2007, VWS bắt đầu thực hiện dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước trên diện tích đất 128 ha tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM), với tổng vốn 90 triệu USD. Hiện trung bình mỗi ngày Đa Phước tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác thải.
Trong buổi làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội vào tháng 5.2009, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư vào tháng 6.2009. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 55 ha đất nữa VWS chưa nhận được. Không muốn tiếp tục chờ, trong một buổi làm việc giữa lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM với nhà đầu tư vào đầu tháng 12 vừa qua, ông David Dương hứa sẽ đứng ra vay ngân hàng để Thành phố dùng nguồn tiền đó đền bù giải tỏa cho dân, để Công ty sớm có nguồn đất sạch. “Hy vọng Thành phố sẽ giao đất sạch trước Tết Canh Dần này như đã hứa”, ông nói.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi từ Mỹ, ông David Dương cho biết, từ năm 2007 đến nay, Công ty đã đầu tư vào Đa Phước gần 75 triệu USD (trong đó 9 triệu USD do Thành phố hỗ trợ). Riêng trong năm 2009, với việc đầu tư 3 dự án gồm Nhà máy lọc nhựa tái chế, Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác thải và Trạm trung chuyển phân loại rác tái chế tại khu Đa Phước, Công ty đã chi ra khoảng 35 triệu USD. Dự kiến đến trước Tết âm lịch năm nay cả 3 dự án này sẽ cơ bản hoàn thành.
Trong khi Thành phố nỗ lực để có nguồn đất sạch giao cho nhà đầu tư thì dư luận lại có một số ý kiến không đồng tình với mức giá thu 16,4 USD/tấn để xử lý rác thải của VWS. Ngoài ra, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố vào tháng 8 vừa qua một số ý kiến phản đối cũng đã được đưa ra. Âu đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải tỏa và giao đất bị chậm lại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LogiGear cho hay, không vì khó khăn tài chính mà dừng đầu tư khi dự án mới bắt đầu. Năm qua, Tập đoàn LogiGear (do ông Hùng sáng lập tại Mỹ cách đây 16 năm) đã chịu không ít ảnh hưởng từ cơn khủng hoảng kinh tế Mỹ. Doanh thu của Tập đoàn giảm đến 20%, lực lượng nhân sự theo đó cũng giảm theo. Tại Việt Nam tỉ lệ giảm nhân sự cũng tương đương con số 20%, ông Hùng cho biết. Khó khăn này cũng khiến các dự báo lẫn chiến lược phát triển công nghệ kiểm thử phần mềm tại Việt Nam của LogiGear chững lại.
Kiểm thử phần mềm là một ngành mới, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Năm 1994, khi ông Hùng thành lập công ty LogiGear tại Mỹ, nước Mỹ cũng chỉ mới có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đến nay, LogiGear đã nằm trong số các tập đoàn tiên phong về nghiên cứu và phát triển các chương trình kiểm thử phần mềm tại các trường đại học ở Mỹ. Năm 2005, ông Hùng về nước mở công ty LogiGear Việt Nam, chuyên gia công kiểm thử phần mềm và sản xuất công cụ kiểm thử phần mềm tự động để xuất sang Mỹ, châu Âu và các nước châu Á.
Liên tục trong 3 năm vừa qua, TP.HCM được cổng thông tin về lĩnh vực gia công toàn cầu Global Services bình chọn là một trong các thành phố gia công kiểm thử phần mềm của thế giới. Tháng 11.2009, báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Tholons (Mỹ), đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 9 trong 10 quốc gia gia công hàng đầu thế giới và TP.HCM đứng thứ 5 trong 50 thành phố gia công mới nổi trên thế giới.
Với những tiềm năng lâu dài đó, khó khăn trong năm qua đã được ông Hùng nhìn nhận theo một hướng khác. “Tôi xem thách thức trong năm qua như một cơ hội để kiện toàn đội ngũ nhân sự, vốn phải đào tạo từ đầu, từng chút một khi đầu tư tại Việt Nam”, ông chia sẻ.
Năm 2010, ông Hùng cho biết, sẽ là năm LogiGear đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm gia công sang các thị trường phương Tây, tập trung phát triển sản phẩm kiểm thử phần mềm tự động và liên kết với các trường đại học tại TP.HCM đào tạo chuyên viên kiểm thử phần mềm.
2010: Tự tin vào công nghệ cao
Vài ba năm trước, khi gặp các doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư, chúng tôi thường nghe họ phàn nàn về thủ tục hành chính hoặc cách làm việc quan liêu tại các cơ quan nhà nước. Thế nhưng, khi chúng tôi thực hiện phóng sự về hoạt động đầu tư của Việt kiều tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam lần này, các nhà đầu tư dường như không màng đến “chuyện cũ” đó nữa.
Các đây hơn 3 năm, tôi gặp Tiến sĩ Cao Hữu Trí, Giáo sư Đại học California, Mỹ, về nước xin giấy phép mở trường đào tạo chuyên sâu trong Khu Công nghệ cao TP.HCM dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Lúc đó, anh từ chối phỏng vấn về dự án và thường nói đùa “vài tháng nữa nhận được giấy phép xây trường, tôi sẽ chia sẻ về dự án này”.
Tuy nhiên, “vài tháng” mà Giáo sư Trí dự báo đã kéo dài hơn 3 năm với hơn chục lần bay đi bay về giữa Mỹ và Việt Nam. Đã không ít lần, khi đối diện với đòi hỏi cứng nhắc về thủ tục, anh đã có ý nghĩ bỏ cuộc. Nhưng rồi, anh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ chấp nhận bỏ cuộc khi chưa đi đến tận cùng sự việc”.
Hiện tại, Giáo sư Trí đã mở Viện Đào tạo Công nghệ cao Saigon tại California, Mỹ. Đến tháng 8.2009, Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao Saigon của ông đã nhận được giấy phép và đến ngày 11.1 vừa qua đã nhận được 1.000 m2 đất thuê tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (Q.9). Đây cũng là một trong những dự án “xông đất” đầu năm của Khu Công nghệ cao TP.HCM. Giáo sư Trí cho biết, số tiền đầu tư cho dự án là khoảng 2 triệu USD và Trung tâm sẽ tuyển sinh ngay trong năm nay.
Nhận định về xu hướng đầu tư sắp tới của Việt kiều, Giáo sư Trí nhận định: “Không phải ngẫu nhiên Intel chọn Việt Nam để đầu tư 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip. Các tập đoàn công nghệ thông tin lớn thường nhắm đến các thị trường ổn định, có khát vọng vươn lên. Và Việt Nam đang có nhiều triển vọng”. Giáo sư Trí cũng cho biết, nhiều năm qua ông thường được các trường đại học của Đức, Trung Quốc mời thỉnh giảng, song đứng trên bục giảng để truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho sinh viên Việt Nam mới là mong muốn lớn nhất mà ông chưa có cơ hội thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ông phối hợp với bạn bè ở Việt Nam thực hiện dự án này.
Nhìn lại một tình hình đầu tư của Việt kiều những năm qua, ông Đỗ Minh, Việt kiều Mỹ, người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, cho rằng: “3 lĩnh vực Việt kiều rất muốn bắt tay vào làm là công nghệ cao, y tế kỹ thuật cao và giáo dục. Họ mong muốn mang những công nghệ cao nhưng giá phải chăng, mà tôi hay gọi là công nghệ “rẻ, đẹp, bền”, về xây dựng và phát triển đất nước. Đó là nhiệm vụ của nhà đầu tư Việt kiều”.
Về Việt Nam kinh doanh từ năm 1992, ông Minh cũng đã mang về Việt Nam nhiều máy móc “lần đầu tiên có” như hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động cho tòa nhà Metropolitan (Q.1, TP.HCM) vào năm 1995; công nghệ máy nổ PS của Mỹ để dùng cho ngành nông ngư cơ từ năm 1993; máy rang bắp bơ kiểu Mỹ ở Việt Nam từ năm 1995.
“Tôi có người bạn về đây mở 26 trường tin học và mời giáo viên ở Mỹ về giảng dạy, bằng cấp theo tiêu chuẩn Mỹ. Đó là cách làm của Việt kiều”, ông Minh nói. Ông Minh cũng đã tư vấn cho nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng như nhà máy lọc dầu, nhiệt điện, nhà máy phân vi sinh… tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Ông cũng là người đã hỗ trợ vốn lẫn cây giống cho nông dân ở Bình Thuận, Đồng Nai và Lâm Đồng trồng hơn 20 ha ớt trong năm qua và chuẩn bị thu hoạch vào đầu năm nay. Trung bình một hecta ông hỗ trợ họ khoảng 15 triệu đồng. Làm kinh doanh khó đến đâu giải quyết đến đó và “không có gì phải than khó khi quyết tâm về đầu tư trên quê nhà”, ông Minh nói.
“Nếu cứ than khó thì tôi không có hơn 15 năm làm ăn và thành công tại Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều Úc, Chủ tịch Công ty Hồng Lam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều, nhà đầu tư thành công trong lĩnh vực giải trí thành công ở Việt Nam hơn 15 qua, tỏ ý đồng tình. Năm qua, Trường Trung cấp Nghề Hồng Lam tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tốt nghiệp khóa đầu tiên và 58 học viên trong số đó đã sang Úc làm việc.
Một điểm đáng chú ý trong đầu tư Việt kiều năm 2009 là lượng kiều hối giảm 12,8% so với năm 2008. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư Việt kiều chúng tôi tiếp cận đều cho rằng, kiều hối giảm chưa đủ để nói lên rằng đầu tư của Việt kiều đang giảm. Điều quan trọng nhất mà nhà đầu tư Việt kiều có thể mang về nước là kiến thức và kinh nghiệm, chứ không phải vốn, ông Minh và ông Mỹ bày tỏ quan điểm.
Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho rằng, kinh tế Mỹ suy giảm nên việc kiều hối giảm là điều dễ hiểu, điều này không nói lên rằng nhu cầu về nước đầu tư của Việt kiều cũng giảm theo.
Ông Phương cho biết, mỗi ngày Ủy ban tiếp hàng chục, thậm chí vài chục, lượt Việt kiều đến tìm hiểu đầu tư, mở doanh nghiệp. Đó là chưa kể một lượng vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản qua người thân, hầu như không thể biết được.
Bổ sung cho nhận định của ông Phương, một cuộc phỏng vấn các doanh nhân Việt kiều về nước dự Hội nghị Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, cũng cho thấy, có đến 41 triệu USD tiền nhàn rỗi của Việt kiều sẵn sàng mang về nước đầu tư. Và 95% số vốn đó được các chủ nhân cho biết sẽ đầu tư vào bất động sản, thông qua người thân ở Việt Nam. Dù đây chỉ là khảo sát không chính thức, nhưng nó được thực hiện tại một hội nghị quy tụ các doanh nhân Việt kiều đại diện cho các nước trên thế giới, nên kết quả của nó cũng phần nào nói lên rằng nguồn vốn của Việt kiều đầu tư về nước thông qua người thân là không nhỏ.
Qua những chuyến đi thực tế đến các dự án đầu tư của Việt kiều tại TP.HCM, ông Phương, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho rằng, vốn đầu tư của Việt kiều vào các dự án triệu USD không nhiều. Tuy nhiên, điều đặc biệt là họ đã phát huy được vai trò cầu nối, đưa nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện các dự án lớn trong nước.
Dự án Cầu Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư mấy trăm triệu USD là một ví dụ. Tiến sĩ Nguyễn Thành Thái, Việt kiều Pháp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ là chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, số vốn ông bỏ vào dự án chỉ khoảng 10 triệu USD, còn lại ông mời gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Nguyễn Kim
-
Nguyễn Kim
-
Hà Cúc
-
Hà Cúc