Kỳ vọng cho Sacombank sau khi bán 4 dự án khủng
Gần đây, hoạt động bán nợ xấu của các ngân hàng diễn ra rất sôi động. Tiêu điểm của thị trường trong thời gian qua là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB).
Bán dự án khủng
Từng là một trong những ngân hàng vững mạnh thậm chí là đi tiên phong trong khối ngân hàng tư nhân, tuy nhiên sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, vấn đề nợ xấu lại là trọng tâm của STB. Và ngân hàng này đang ráo riết xử lý nợ xấu để trở lại vị thế như xưa.
Mới đây, STB đã rao bán 4 dự án khủng Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Đây là dự án nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh với diện tích 134 ha, bao gồm 67 ha đất khu công nghiệp và một nửa còn lại là đất dành cho khu dịch vụ.
Khu đất giá trị thứ 2 được Sacombank rao bán đợt này nằm tại quận Bình Tân, TP.HCM bao gồm toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B. Tổng diện tích khu đất này lên tới hơn 530.000 m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng.
Một khu đất giá trị khác tại thành phố Cần Thơ được rao bán với giá 4.565 tỷ đồng là dư án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Dự án có tổng diện tích hơn 600.000 m2. Ngoài ra một bất động sản lớn được Sacombank rao bán đợt này là dự án khu nhà ở phương Long Bình, quận 9, TP.HCM có diện tích 164.949,9 m2. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 1.815 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng 4 lô đất Sacombank rao bán đợt này đã có giá trị trên 20.000 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2017, Sacombank cũng đã đấu giá 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng. Giới đầu tư đã rộ lên tin đồn rằng ông Võ Quốc Thắng chính là người đã mua lại 3 lô đất trên, nhưng sau đó ông đã lên tiếng phủ nhận điều này.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, STB đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỷ đồng, và hoàn thành 54,2% kế hoạch năm.
Cũng trong 6 tháng, ngân hàng đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nợ xấu của ngân hàng đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
Triển vọng sau khi bán nợ xấu
Xử lý nợ xấu luôn là bài toán lớn của STB trong giai đoạn này, thông tin bán nợ xấu kể trên dường như đã có những tác động lên giá cổ phiếu STB. Trong những phiên gần đây, cổ phiếu STB có sự bứt phá khá mạnh về giá lẫn khối lượng, liệu có câu chuyện gì hấp dẫn phía sau?
Giới đầu tư cho rằng STB nhiều khả năng sẽ thanh lý được 2 bất động sản thuộc nhóm VAMC của ngân hàng này với số dư lần lượt là 7.600 tỷ và 6.700 tỷ (KCN Phong Phú và dự án KDC Bình Trị Đông), tổng cộng giá trị sổ sách vào khoảng 14.300 tỷ.
Ông Nguyễn Nhật Khánh, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng của Công ty Tư vấn Biên An Toàn nhận định rằng: Giả sử các bất động sản này được bán với giá sổ sách (dựa trên cơ sở thận trọng) bằng tiền mặt bởi công ty hay tổ chức nào đó thì STB sẽ thu về được số tiền tương ứng và xóa được số dư này trên khoản mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn (VAMC).
Số tiền thu về là 14.300 tỷ giả sử dùng vào 2 mục đích: đầu tư vào Trái phiếu chính phủ (TPCP) và cho vay (hiệu suất sinh lãi cao nhất). TPCP sẽ mua vào khoản 2.300 tỷ để tạo tài sản có thanh khoản làm tấm đệm tăng dư địa tín dụng và để đáp ứng các chỉ số an toàn, điều này gần như là bắt buộc.
Lợi suất TPCP 5 kỳ hạn 5 năm giả sử là 5%. Số dư 12 nghìn tỷ còn lại ngân hàng sẽ dùng tăng trưởng tín dụng. Với lãi bình quân 10% thì mỗi năm STB thu về 1.200 tỷ (tương đương EPS, lãi trên mỗi cổ phần, 640đ/cp) và 100 tỷ đồng (tương đương EPS:110đ/cp) từ trái tức, tổng cộng là thặng dư 750đ EPS so với tài sản chết là trái phiếu VAMC.
Như vậy, tổng thu nhập trên mỗi cổ phần năm 2018 dự phóng của STB là 1.200đ theo kế hoạch và 750đ từ bán tài sản, tức là gần 2.000 đồng – sát với mặt bằng chung của nhiều ngân hàng tốt tại thời điểm 31-12-2017 như MBB hay ACB và hơn cả BID, CTG ở thời điểm đó.
Ông Khánh nhận định việc thanh lý được 2 bất động này sẽ giải tỏa áp lực khá nhiều về bài toán dư địa cho vay của ngân hàng này, phát tín hiệu tích cực đến Nhà đầu tư về việc triệt để xử lý nợ tồn đọng hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư