Người Nhật toan tính gì từ liên doanh khí đốt với PV GAS, Bitexco?
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) vừa công bố góp vốn thành lập CTCP LNG Việt Nam. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh trong chuỗi giá trị khí hóa lỏng (LNG), do 3 công ty tham gia góp vốn. Trong đó, PV GAS nắm 51% cổ phần, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco nắm 39% và 10% còn lại do Công ty TNHH Tokyo Gas Asia nắm.
Công ty TNHH Tokyo Gas Asia được thành lập tháng 12/2014 là công ty con chuyên quản lý các dự án đầu tư ở khu vực Đông Nam Á của Công ty Tokyo Gas. Tờ Nikkei cho biết, hiện nhà cung cấp khí đốt hàng đầu Nhật Bản đang có chiến lược mở rộng hoạt động tại khu vực này, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, do phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới ở trong nước.
Theo đó, kế hoạch ban đầu khi thành lập liên doanh tại Việt Nam là nhằm tham gia xây dựng dự án cảng LNG đầu tiên của cả nước, có thể đón tàu chở khí từ các nước khác. Tuy nhiên, tham vọng của Tokyo Gas không chỉ có vậy. Công ty này còn muốn tham gia vào việc xây dựng hệ thống phân phối khí tới từng hộ dân Việt Nam, bao gồm việc xây dựng các kho chứa và đường ống dẫn khí.
Là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu tại Nhật Bản, song ở thị trường nước ngoài, Tokyo Gas khá mờ nhạt trước các công ty Âu, Mỹ có tiềm lực tài chính mạnh. Các công ty này tập trung ở khâu thượng nguồn khai thác, đây là cơ hội để Tokyo Gas tham gia vào các khâu hạ nguồn của chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Tokyo Gas, ông Michiaki Hirose cho biết công ty đang đặt kỳ vọng lớn vào Đông Nam Á khi nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tại thị trường này. Trong kế hoạch trung hạn, công ty đặt mục tiêu thị trường nước ngoài phải chiếm tới 20% tổng lợi nhuận ròng trong năm tài chính 2020, từ mức trung bình 10% trong những năm 2009-2011.
Tokyo Gas được thành lập vào năm 1885 bởi Eiichi Shibusawa, một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của nước Nhật hiện đại. Ông được xem là một "kuge", cái tên dành cho những vị quý tộc cao cấp của nước Nhật ngày xưa. Tuy nhiên, hình ảnh đó đang trải qua sự thay đổi, theo Nobuhisa Kobayashi, Giám đốc quản lý của chi nhánh Tokyo Gas Asia tại Singapore: "Chúng tôi sẽ không thể tồn tại nếu vẫn cứ là quý tộc".
Mặc dù bắt đầu hoạt động ở Đông Nam Á từ những năm 90 khi tham gia vào một dự án ở Malaysia, tuy nhiên Tokyo Gas chỉ mới thực sự tham gia vào thị trường này từ năm 2015. Họ đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và Bangkok và sắp tới sẽ mở thêm tại TPHCM và Manila vào đầu năm tới. Hồi tháng 9, Tokyo Gas đã quyết định mua cổ phần tại một nhà máy điện khí ở Thái Lan. Đây cũng là dự án vận hành nhà máy điện đầu tiên tại Đông Nam Á của hãng.
Dù vậy, chiến lược tại Đông Nam Á chỉ là một phần trong một kế hoạch lớn hơn của Tokyo Gas, đó là xuất khẩu khí đá phiến mà công ty này sản xuất tại Bắc Mỹ sang thị trường châu Á. Công ty hồi tháng 6 đã tiến hành thương vụ thâu tóm thứ 3 tại Bắc Mỹ khi mua lại cổ phần mỏ khí đốt đá phiến ở Texas (Mỹ) với mức giá khá cạnh tranh.
Kế hoạch này là để xuất khẩu khí đốt sang Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, khi dự án cảng hoàn tất.
An Phong
Nguồn Nikkei
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn