Hủy
Doanh Nhân

Câu chuyện về người kế nghiệp của các siêu công ty gia đình tại Trung Quốc

Thứ Năm | 28/09/2017 10:37

Bloomberg

 
 
Các công ty gia đình lừng danh của Trung Quốc đang chuẩn bị đón một làn sóng kế nghiệp lớn chưa từng có trên thế giới...

Liu Chang, con gái của một nhà tỷ phú công nghiệp, đã du học ở Mỹ từ nhỏ, đi khắp thế giới, và kết hôn với một nhà đạo diễn phim ảnh ở Trung Quốc. Trang tiếp theo trong cuộc sống thú vị của cô là điều hành một trong những công ty sản xuất sữa và thức ăn chăn nuôi lớn nhất của Trung Quốc.

Người phụ nữ 37 tuổi này chuẩn bị tiếp quản New Hope Group, công ty kinh doanh nông nghiệp trị giá 15 tỷ USD được thành lập bởi cha cô, Liu Yonghao. Cô nói: "Với background (kinh nghiệm) của mình, tôi gần như là một người ngoại đạo với ngành kinh doanh của cha tôi. Một khi tham gia công ty, tôi có thể mang lại những quan điểm mới, những tư tưởng mới, những ý tưởng mới ".

Cau chuyen ve nguoi ke nghiep cua cac sieu cong ty gia dinh tai Trung Quoc
Ông Liu Yonghao và con gái Liu Chang. Ảnh: Bloomberg

Các công ty gia đình chiếm khoảng 90% trong số 21,6 triệu doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc. Các công ty này đang chuẩn bị đón một làn sóng kế nghiệp lớn chưa từng có trên thế giới. Wu Xiaobo, tác giả của cuốn sách về lịch sử các công ty tư nhân của Trung Quốc, đã viết trong một bài bình luận xuất bản vào năm ngoái rằng khoảng 3 triệu nhà sáng lập sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo trong 5 đến 10 năm tới.

Trung Quốc chưa từng trải qua một làn sóng kế nghiệp lớn như vậy. Roger King, giám đốc Trung tâm Tanoto về Kinh doanh Gia đình Châu Á và Nghiên cứu Doanh nhân tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết, các doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập ngày một nhiều khi chính phủ Trung Quốc tiến hành cải cách thị trường vào năm 1978. Ông nói: “Chủ tịch Đặng Tiểu Bình chỉ cho phép các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu hoạt động vào những năm 1980. Bây giờ người sáng lập của các doanh nghiệp này chuẩn bị bước vào tuổi nghỉ hưu."

Một số doanh nhân Trung Quốc nổi tiếng đã thực hiện việc chuyển giao gia sản cho con cái. Zong Qinghou, 71 tuổi và là người sáng lập hãng sản xuất nước giải khát Wahaha, đã bổ nhiệm con gái mình, bà Zong Fuli - 35 tuổi, làm chủ tịch hãng. Năm 2005, ông Yang Guoqiang, 62 tuổi và là người sáng lập công ty bất động sản và giáo dục tư nhân Garden Garden, đã chuyển quyền quản lý và quyền sở hữu công ty cho con gái Yang Huiyan. Hiện tại, bà Yang có gia sản trị giá 19,2 tỷ USD và hiện là người giàu thứ 6 tại Trung Quốc, theo số liệu của Chỉ số tỷ phú Bloomberg.

Những người thừa kế miễn cưỡng

Việc chuyển giao thế hệ sẽ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều doanh nghiệp gia đình Trung Quốc, trong đó có các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất hàng xuất khẩu, đang phải đối mặt với những thách thức như chi phí lao động gia tăng. Các nhà quản lý trẻ hơn thì lại đang hướng tới các lĩnh vực tăng trưởng nhanh như thương mại điện tử. Trích dẫn Báo cáo Kế thừa Kinh doanh Gia đình, ông King cho biết chỉ có 40% con cái của các vị sáng lập các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp quản các công ty, và thường là họ miễn cưỡng nghe lời cha mẹ.

Ngoài ra nhiều công ty còn tồn tại khoảng cách thế hệ. Nhiều người thuộc thế hệ thứ hai của các công đã được đào tạo ở nước ngoài. Ngược lại, những nhà sáng lập thường là chưa tốt nghiệp trung học và gần như giành toàn bộ thời gian để xây dựng công ty của họ. Rebecca Wang, một chuyên gia về các doanh nghiệp gia đình và là một đối tác của PwC China tại Thượng Hải, cho biết điều đó gia tăng khác biệt trong cách quản lý giữa những người sáng lập và con cái của họ.

Ông Sun Meng, 39 tuổi, đã kế vị cha mình là ông Sun Dawu - 63 tuổi, làm chủ tịch Tập đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Hebei Dawu. Ông Meng nói rằng cho biết các  đối tác góp vốn cùng với cha mình từ thuở ban đầu đã chỉ trích ông vì quá chú trọng đến gia đình.

Họ không hài lòng ngay cả với việc Sun đích thân đưa con gái đến trường hằng ngày. "Những người chú nghĩ tôi giống như một kẻ chỉ biết ăn chơi. Tôi đã có nhiều xung đột với họ ", Sun nói về những người góp vốn lâu năm với một giọng kính trọng. "Nhưng tôi tin rằng bạn nên có một sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, và thậm chí cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn cãi nhau về điều này."

Trong khi đó, một số nhà sáng lập công ty có thể tìm kiếm người kế nhiệm từ bên ngoài. Wang Jianlin, người đã thành lập công ty bất động sản và giải trí khổng lồ Wanda, năm ngoái công khai nói rằng người con trai của ông, Wang Sicong - 29 tuổi, sẽ không tiếp quản công ty.

Cau chuyen ve nguoi ke nghiep cua cac sieu cong ty gia dinh tai Trung Quoc
Wang Sicong, con trai của tỷ phú Wang Jianlin Ảnh: Bloomberg

Wang Sicong, từng học ở London, đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Anh này nổi tiếng vì đã khoe khoang sự giàu có của mình bằng cách đăng hình ảnh của con chó cưng đeo đồng hồ Apple và iPhone 7 của mà anh ta tặng cho nó. "Tôi đã hỏi con trai mình và nó nói rằng nó không muốn sống kế nghiệp tôi", ông Wang nói trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái. "Có lẽ tôi nên là giao công ty cho các nhà quản lý chuyên nghiệp."

Giá trị cổ phiếu suy giảm

Joseph Fan, giáo sư của Đại học Chinese University of Hong Kong cảnh báo rằng việc chuyển giao quyền lực cho các thành viên trong gia đình tại Châu Á thường không đem lại kết quả tốt. Trong 5 năm trước và 3 năm sau khi công ty chuyển quyền quản lý từ người sáng lập sang thế hệ tiếp theo, giá trị cổ phiếu của các công ty giảm trung bình khoảng 60%, theo nghiên cứu của ông Fan về các doanh nghiệp Trung Quốc ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore.

Điều này cũng có thể đúng với các công ty gia đình tại Trung Quốc. Fan nói thêm: "Để kinh doanh thuận lơi ở Trung Quốc, bạn phải có các mối quan hệ", bao gồm với các quan chức chính phủ và các đối tác kinh doanh. "Nhưng các nhà sáng lập khó chuyển giao những điều như vậy cho con cái của mình. Đó là lý do tại sao cổ phiếu hay giảm giá sau khi những người con này nhận chuyển giao quyền lực từ cha mẹ mình.”

Nhiều công ty gia đình bây giờ không còn sản xuất những mặt hàng bình dân và không có lợi nhuận cao. Thay vào đó, các công ty này tập trung vào phát triển thương hiệu và ngành dịch vụ, và họ cũng không cần những mối quan hệ như cha mẹ họ đã từng. Việc nắm bắt kịp thời những thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng và thương mại điện tử là chìa khóa. Đó là lý do mà hai cha con ông Liu đang rất tự tin khi New Hope Group mở rộng sang các lĩnh vực mới bao gồm chăm sóc sức khoẻ và tài chính.

Bà Liu nói: "Dịch vụ và trải nghiệm là những gì mà thế hệ chúng tôi quan tâm nhất". Bà còn thuyết phục cha cô thành lập các trung tâm tiêu dùng để theo dõi nhu cầu của khách hàng.

Ông Liu thì nói “Liu Chang còn trẻ và thời trang. Nó có thể cho ra những ý tưởng sáng tạo, liên quan đến Internet. Công ty truyền thống này cần phải được biến đổi."

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới